'Vua cá tra' tìm đường trở lại
Là một trong những doanh nghiệp giữ thị phần hàng đầu về xuất khẩu cá tra, danh xưng "Vua cá tra" gắn liền với Hùng Vương từ ngày đầu doanh nghiệp này niêm yết. Tuy nhiên, cú trượt dài từ đỉnh cao khi rơi vào vòng xoáy nợ nần khiến ông vua thủy sản một thời phải loay hoay tìm cách gỡ rối.
|
Hùng Vương đang loay hoay tháo gỡ khó khăn từ giai đoạn tăng trưởng nóng. |
Câu chuyện của "Vua cá tra" bắt đầu từ khi doanh nghiệp này đang là cái tên dẫn đầu thị trường. Theo bản cáo bạch năm 2009, Hùng Vương là một trong những doanh nghiệp lớn ngành thủy sản và là doanh nghiệp đứng đầu với riêng dòng sản phẩm cá tra.
Được đà từ thị trường, kết quả kinh doanh của Hùng Vương tăng nhanh sau khi lên sàn chứng khoán.
Từ mức 3.100 tỷ đồng năm 2009, doanh thu của "Vua cá tra" tăng lên hơn gấp đôi sau đó hai năm và đến năm 2016 đã vượt mốc 18.000 tỷ đồng. Tham vọng lớn, tăng trưởng nhanh đưa Hùng Vương lên top đầu của ngành thủy sản trong nước. Tuy nhiên, tăng trưởng "quá nóng" không phải lúc nào cũng mang nghĩa tích cực. Hùng Vương, với tham vọng lớn, đứng trước "ngã ba đường", chọn tăng trưởng nhanh nhờ dòng vốn vay nóng hay đi chậm mà chắc với lợi nhuận tích lũy. "Vua cá tra" quyết định chọn phương án đầu tiên.
Thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) là cách mà Hùng Vương thực hiện. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy nhắm đến mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu cũng kéo "Vua cá tra" vào vòng xoáy nợ nần. Nợ vay của công ty tăng nhanh không kém gì tốc độ tăng của doanh thu và đỉnh điểm năm 2016, khoản mục này tăng lên gần 9.000 tỷ đồng.
Qua giai đoạn đỉnh cao năm 2014-2015, khoản nợ này bắt đầu trở thành con dao hai lưỡi. Kết quả kinh doanh của Hùng Vương bắt đầu đi xuống khi lợi nhuận liên tục bị lãi vay ăn mòn. Từ mức lãi sau thuế hơn 400 tỷ năm 2014, hai năm sau lợi nhuận của "Vua cá tra" đã về con số âm. Để tháo gỡ khó khăn, giải pháp được Hùng Vương lựa chọn là tìm mọi cách để giảm bớt gánh nặng nợ vay.
Trong khi những đối thủ của doanh nghiệp này, như Vĩnh Hoàn, tiếp tục đi lên thì hai năm gần đây của Hùng Vương chỉ xoay việc bán tài sản, thoái vốn và xin khoanh nợ với các ngân hàng.
Giữa năm 2017, Hùng Vương công bố quyết định thoái vốn và giải thể Công ty cổ phần Địa ốc An Lạc, đồng thời tiến hành thanh lý 4 khu đất với tổng diện tích trên 20.000 m2 thuộc sở hữu của doanh nghiệp địa ốc này. Năm 2018 mở đầu bằng kế hoạch thoái vốn tại hai công ty con là Thực phẩm Sao Ta và Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, đồng thời đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Tác động rõ rệt nhất là dư nợ vay ngân hàng của Hùng Vương liên tục giảm, xuống còn 7.700 tỷ cuối năm 2017 và còn 3.200 tỷ đồng cuỗi năm 2018. Tuy nhiên, khi phải loay hoay gỡ rối trên bảng cân đối tài sản thì Hùng Vương cũng "bỏ quên" mảng hoạt động chính.
Doanh thu của "Vua cá tra" giảm liên tục với tốc độ hai con số trong những năm gần đây. Năm 2018, Hùng Vương ghi nhận hơn 8.200 tỷ đồng doanh thu, chỉ bằng một nửa so với năm trước. Năm 2019, công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh với kịch bản xấu nhất chỉ còn 4.400 tỷ đồng doanh thu, tiếp tục giảm gần 50%.
Con số doanh thu chưa tới một phần tư so với trước đó ba năm, còn lợi nhuận trong hai năm gần đây cũng chỉ bằng 20% so với giai đoạn đỉnh cao. Năm 2018, nếu không có phần lợi nhuận khác đột biến từ thanh lý tài sản, Hùng Vương thực tế sẽ tiếp tục chịu cảnh thua lỗ.
Trong phiên họp thường niên mới đây, ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết bài toán về vốn vẫn đang là nút thắt cho sự trở lại dù đã giảm nợ vay chỉ còn một phần tư. Vấn đề chủ yếu là các ngân hàng hiện vẫn "không đủ tin tưởng" để cho Hùng Vương vay thêm.
Năm 2019, hy vọng của "Vua cá tra" đặt hoàn toàn vào kết quả từ đợt thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14). Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Dương Ngọc Minh, hiện thuế chống bán phá giá sơ bộ của Hùng Vương bằng 0 và khả năng được áp dụng chính thức là 80%. Trong trường hợp thành công, Hùng Vương có thể đạt doanh số 20.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tuy nhiên, vẫn còn 20% rủi ro từ kỳ vọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp này, mà nếu xảy ra, chuỗi thời gian trượt dài nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Minh Sơn
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.