U22 Việt Nam - U22 Singapore (19 giờ ngày 3/12): Chờ thầy Park giải bài toán khó -Long Nguyên
Bất lợi từ ngoại cảnh
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn, một cơn bão lớn có tên Kammuri với sức gió lên đến 180km/giờ sẽ đổ bộ vào phía nam đảo Luzon. Thời gian đổ bộ dự tính vào khoảng từ trưa đến chiều ngày 3/12, ngày U22 Việt Nam thi đấu với U22 Singapore.
Việc thời tiết xấu cùng ảnh hưởng của bão sẽ ít nhiều cản trở đến các nội dung thi đấu ngoài trời tại SEA Games, trong đó có bóng đá. Theo chia sẻ của Ban tổ chức nước chủ nhà, việc hủy bỏ hoặc hoãn trân đấu đang được cân nhắc.
Sau màn ngược dòng ngoạn mục trước U22 Indonesia, Đội tuyển U22 Việt Nam hướng tới một chiến thắng nữa trước U22 Singapore. (ảnh: Đàm Duy)
Với lịch thi đấu môn bóng đá nam SEA Games 30 đã rất nặng, việc trận đấu có thể hoãn sẽ khiến kế hoạch của U22 Việt Nam và cả U22 Singapore và thậm chí là các đội khác bị đảo lộn. Bất lợi từ ngoại cảnh này cần đến sự tính toán của HLV Park Hang-seo, điều có lẽ ông cũng chưa từng đối diện trong sự nghiệp cầm quân.
Chỉ cần lịch bị điều chỉnh trong khi lễ bế mạc có lẽ không thay đổi, U22 Việt Nam và nhiều đội khác có lẽ chỉ còn biết “than trời”. Nhưng chính vào thời điểm khó khăn thế này, thầy Park biết cách “biến an thành nguy” sẽ chứng tỏ ông là một chiến lược gia cao tay, theo chiều hướng... bất đắc dĩ.
Trong cuộc họp chiều 2/12, Ban tổ chức đã đề cập đến việc có thể hoãn trận đấu và HLV Park Hang-seo chắc chắn đã lưu tâm đến chi tiết này.
Hiệu quả trên hết
Trong trường hợp trận đấu vẫn diễn ra, U22 Việt Nam cần hướng tới một chiến thắng nữa, để duy trì hoặc thậm chí gia tăng lợi thế với U22 Thái Lan và U22 Indonesia trong cuộc đua vào bán kết. Tại bảng B, U22 Brunei đã chắc chắn bị loại, U22 Singapore và U22 Lào hầu như không còn cơ hội cạnh tranh nên chỉ còn U22 Việt Nam, U22 Thái Lan và U22 Indonesia tạo nên màn “tam anh chiến” để tranh 2 vé bán kết.
Theo các phóng viên của Báo NTNN/Dân Việt đang tác nghiệp tại Philippines, nhiều khả năng Ban tổ chức sẽ cố gắng để trận đấu giữa U22 Việt Nam gặp U22 Singapore không bị hoãn để tránh “vỡ chương trình”, trừ khi tình huống quá xấu về thời tiết xảy ra. |
Xét về đối thủ thi đấu, U22 Indonesia tuy đang đứng thứ ba trong bảng B, nhưng lại là đội có nhiều lợi thế nhất. Ở 2 lượt trận cuối, U22 Indonesia chỉ phải gặp U22 Brunei, U22 Lào yếu hơn hẳn về đẳng cấp và nếu thắng đậm để có hiệu số bàn thắng - thua tốt, họ chắc chắn vào bán kết.
U22 Việt Nam bất kể thắng, hòa hay thua U22 Singapore cũng chưa chắc có vé sớm trong trường hợp U22 Thái Lan thắng U22 Lào. Do đó, HLV Park Hang-seo hẳn đã có tính toán nhất định để một lần nữa quyết đấu với người đồng nghiệp Akira Nishino ở lượt trận cuối cùng vòng bảng.
Ở trận gặp U22 Indonesia, một số cầu thủ U22 Việt Nam như Tấn Sinh, Thanh Thịnh đã bị chấn thương hay chuột rút. Quang Hải cũng không đạt phong độ cao nhất. Đó là chưa kể thủ môn Tiến Dũng đang chịu sức ép do mắc sai lầm dẫn đến bàn thua.
Nhưng có thể tin rằng, trong bất cứ tình huống nào, HLV Park Hang-seo cũng tìm ra giải pháp tốt nhất, cả về nhân sự lẫn chiến thuật để mang về hiệu quả tối đa cho đội bóng mà ông dẫn dắt.
Chiến lược gia người Hàn Quốc còn trong tay nhiều quân bài chiến thuật để sử dụng trong một cuộc đua rất khắc nghiệt về thời gian thi đấu như SEA Games. Điều đó lý giải vì sao thầy Park mang 2 cầu thủ trên 22 tuổi rất mạnh về thể lực, có thể chơi đa năng là Hùng Dũng và Trọng Hoàng tới Philippines tranh tài.
U22 Singapore trên thực tế cũng chơi khá yếu (mới có 1 điểm sau 3 trận) và hầu như chỉ còn đá vì danh dự. Dù HLV Fandi Ahmad mạnh miệng tuyên bố sẽ gây bất ngờ, nhưng điều đó khó xảy ra, khi đội bóng đảo quốc sư tử phải đối đầu với U22 Việt Nam trội hơn hẳn về chuyên môn, bản lĩnh cũng như có một HLV rất tài ba về khả năng điều chỉnh khi “có biến”.
Thêm một lần nữa, hãy cùng chờ thầy Park “giải toán”. Việc U22 Việt Nam đánh bại U22 Singapore để duy trì hưng phấn và lợi thế trước khi chạm trán U22 Thái Lan là điều rất khả thi.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.