Từng bị ung thư, nữ ca sĩ phòng trà hot nhất Hà Nội buồn bã: Người Việt mình cứ ốm đau là tự mua thuốc về chữa, tự làm bác sĩ, kiến thức sức khỏe rất hạn chế
Ung thư - chỉ nghe 2 từ đó thôi, thật sự mà nói là “toát mồ hôi hột". Chị đón nhận “hung tin” ấy như thế nào?
Bạn biết đấy, đặc thù công việc của cánh nghệ sĩ chúng tôi là luôn phải di chuyển, thức khuya dậy sớm, sinh hoạt thất thường. Dẫu thế, bản thân tôi rất quan tâm đến sức khỏe cá nhân. Mỗi năm, tôi đều chi trả một gói khám tổng quát trị giá 15, 16 triệu đồng để kiểm tra sức khỏe định kỳ…
Cách đây 4 năm, tôi biết mình có một khối u ở ngực, nhưng bác sĩ thông báo đó là u lành. Tôi đi kiểm tra thường xuyên, khối u không có biến chuyển gì nên bản thân nghĩ rằng sẽ sống với nó cả đời. Tuy nhiên, tới năm ngoái, tôi được bác sĩ tư vấn nên lấy khối u ra vì có nhiều trường hợp u lành chuyển thành u ác tính và trước hết, nên đi sinh thiết để xác định rõ hơn.
3 ngày sau có kết quả, bác sĩ gọi tôi lên, làm công tác tâm lý rất cẩn thận, tôi nhớ khi nói, miệng chị ấy còn run run: “Em bị K đấy”. Tôi khá bất ngờ vì mình đi tầm soát thường xuyên. Tôi xin bác sĩ 1 tuần về nhà, kiểm tra ở nhiều bệnh viện khác nhau và đều cho chung một kết quả. Tôi bị ung thư vú dạng nhầy thể nội tiết ở giai đoạn sớm, tiên lượng rất khả quan.
Ngày 29/4/2018, tôi lên bàn mổ.
Chị suy nghĩ thế nào về tầm quan trọng của tầm soát ung thư?
Không đơn thuần là quan trọng, mà phải nói là vô cùng quan trọng!
Có một điều tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng, tầm soát có thể ra 10 bệnh khác nhau nhưng lại có thể không cho ra kết quả ung thư. Để tìm ra dấu hiệu ung thư, bạn phải làm rất rất nhiều xét nghiệm. Úc là đất nước có ung thư cao nhất thế giới nhưng tỉ lệ tử vong có 19% còn ở Việt Nam mình, trong 100 người bị lại có tới 70 người qua đời vì phát hiện muộn quá.
Kiến thức về sức khỏe của người Việt còn hạn chế. Đối với những người có kinh tế tốt, hơi mệt một chút họ sẽ đi khám; còn đa phần những người nghèo, người nông dân ốm đau, thấy cảm cúm sẽ tự đi mua thuốc về chữa, tự làm bác sĩ cho mình luôn, cứ quan niệm mua thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh là khỏi bệnh. Cái sai thứ hai là đến khi cảm thấy rất mệt, rất đau rồi mới nói với người nhà đưa lên viện mà khi ấy, căn bệnh đã trở nặng, khó cứu chữa.
Điều đáng buồn là thói quen ấy không chỉ ở một thế hệ, ở một cộng đồng mà còn ở cả thái độ của bác sĩ. Nhiều khi, mình không bị bệnh mà đi khám, bác sĩ còn ngạc nhiên và khám bệnh không chuyên tâm, nhiệt tình. Kiến thức sức khỏe rất quan trọng; ấy vậy mà, mọi người chỉ được truyền thông về y tế chữa bệnh chứ không phải y tế dự phòng nên nhiều người không có ý thức ăn uống, tập luyện, giữ gìn sức khỏe hoặc đi kiểm tra thể trạng thường xuyên.
Theo quan sát của tôi, người Việt mình, phần lớn sau 30 tuổi đều có bệnh, mà là bệnh nan y, bệnh nặng, tuổi thọ không cao.
Việc tập luyện và ăn uống trước và sau khi phát hiện bệnh của chị đã thay đổi như thế nào để thuận lợi cho việc trị bệnh?
Với căn bệnh ung thư vú của tôi, nguyên nhân gây bệnh không phải do ảnh hưởng của ăn uống mà là do gen di truyền. Nhưng điều đó không có nghĩa là ung thư không hình thành từ vấn đề ăn uống và tập luyện nhé. Tôi phải nhấn mạnh chế độ ăn uống và việc tập luyện có ý nghĩa rất quan trọng với sức khỏe của mỗi người.
Trước đây, vào những năm 2010 - 2012, tôi có mở quán bar, nhà hàng. Trong 3 năm đó, tôi liên tục nạp một lượng rượu lớn vào trong cơ thể. Rất may, bản thân có kiến thức sức khỏe nên ngày nào tôi cũng dành thời gian tập luyện, chạy bộ, xông hơi đào thải độc tố nên cơ thể không gặp vấn đề về gan hay tiêu hóa. Nhưng sau này, phải nói căn bệnh kia giúp tôi thay đổi cái nhìn và ý thức đến 80%, hạn chế tối đa độc hại vào cơ thể. Nếu bây giờ có ai đó cho tôi rất nhiều tiền để mở nhà hàng như trước kia thì tôi sẽ xin phép từ chối vì cái giá phải trả quá đắt. Tôi tập gym mỗi sáng, tôi đã thử tập thiền nhưng bản thân là người có nguồn năng lượng dồi dào nên cần tìm những môn thể thao đào thải tốt hơn.
Về chế độ ăn uống, tôi dựa trên cơ sở khoa học, tức là xem cơ thể thiếu bao nhiêu vitamin và khoáng chất tốt cho máu và nuôi dưỡng tế bào thì mình sẽ bổ sung ngần ấy. Tôi không phải kiểu người tùy tiện, đọc trên mạng thấy nói bệnh này nên ăn theo chế độ này sẽ khỏi bệnh... là tôi theo. Bạn cần biết rằng, mỗi bệnh nhân ung thư có phác đồ điều trị khác nhau, chế độ ăn uống khác nhau. Thế mới nói, hiện nay, bệnh nhân ung thư cũng rất hoang mang vì khối lượng kiến thức mà truyền thông sai lệch không hề nhỏ.
Tính đến bây giờ, tôi duy trì việc đi khám sức khỏe 2 tháng/lần, rút ngắn giai đoạn tái khám, tập trung xem cơ thể thiếu gì và cần bổ sung gì. Trong phụ nữ có tế bào của 12 bệnh ung thư và 15 bệnh mãn tính, khi kiểm tra gen sẽ cho ra 27 nguy cơ đó luôn: nguy cơ đỏ là cảnh báo cấp cao, nguy cơ vàng là cần quan tâm và nguy cơ xanh là tình trạng đang rất tốt. Khi rơi vào nguy cơ cao, việc cần thiết là phải kiểm soát nó, đơn cử như đi khám tổng quát, nên tập trung vào nguy cơ cao để biết cách xử lý cho tốt. Hiện tôi đang là đại sứ của dự án Ung thư từ gốc để tìm kiếm dấu hiệu K từ gen. Hơn hết, qua những gì đã trải qua, tôi rất mong những điều mình làm có thể giúp mọi người nhìn nhận lại cách ăn uống, tập luyện cũng như khám chữa bệnh một cách khoa học.
Chị biết đấy, ung thư là cơn ác mộng của chúng ta. Nhưng với chị, tôi cảm thấy Thu Trang không quá shock khi đón nhận nó?
Thật lòng mà nói, tôi có lo lắng, nhưng một chút thôi. Cơn lo lắng ấy qua đi rất nhanh, bởi tôi tự tin về những kiến thức sức khỏe có được sau nhiều năm tích lũy.
80% ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn, quan trọng là bệnh đang ở giai đoạn nào. Chắc chắn những người xung quanh cũng gặp những vấn đề như tôi thôi nhưng tôi đảm bảo với các bạn, 99/100 người có bệnh liền “giấu tiệt” đi. Riêng với việc giấu giếm đó, họ đã bắt cơ thể mình chịu đựng sức ép tâm lý khủng khiếp. Người Việt Nam bị ức chế rất nhiều, và tôi cho rằng đó mới là bất hạnh. Còn tôi, tôi cảm thấy thoải mái, bản thân gặp vấn đề gì, tôi sẽ chia sẻ với mọi người, không trừ một ai.
Nghĩ song hành với làm, khi phát hiện ra căn bệnh ung thư, tôi về nhà thông báo với bố mẹ. Bố mẹ dặn kĩ là không được nói với ai về bệnh tật vì sợ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hiện tại…
Nhưng tôi đã có lựa chọn khác!
Trong những ngày nằm viện, tôi nung nấu suy nghĩ bản thân phải làm truyền thông cho căn bệnh này. Một người bạn khi biết chuyện của tôi đã viết thông báo như thế này trong group: “Các bạn thành viên câu lạc bộ yêu quý, nghe tin bạn Trang mắc bệnh nan y, chúng ta cố gắng sắp xếp vào thăm.” Tôi đọc thông báo của bạn ấy mà phì cười, bảo bỏ ngay từ “nan y” đi. Từ đó khiến cho người bệnh cũng như người lĩnh hội thông tin tưởng như mình sắp chết. Khi thông tin tôi bị ung thư đến tai bạn bè, mọi người hối hả vào thăm, phòng bệnh lúc nào cũng chật kín người. Tôi còn đùa với mọi người rằng: “Trang này còn lâu mới đi!”. Tôi có quen nhà báo Cẩm Bào (chiến binh ung thư, 7 năm chiến đấu với căn bệnh, trải qua hơn 70 lần truyền hóa chất - PV) trong một buổi chia sẻ và bạn ấy muốn xin tài trợ để giúp các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có xe lăn. Đó là một ý tưởng tuyệt đẹp! Có điều, thay vì tìm cách giải quyết hệ lụy của nó, chi bằng chúng ta hãy trang bị kiến thức để hạn chế người mắc bệnh. Trong mỗi con người luôn có tế bào ung thư ẩn giấu và đợi cơ hội phát sinh. Nhiệm vụ của chúng ta là không cho nó cơ hội phát triển, đồng nghĩa phải khỏe mạnh, phải vui tươi, tích cực.
Như chị chia sẻ, cũng có lúc chị cảm thấy âu lo về căn bệnh của mình. Có bao giờ chị “lên kịch bản” khi bản thân rơi vào tình huống xấu nhất chưa?
Có chứ. Tôi chủ động suy nghĩ và chủ động hành động ngay khi phát hiện bản thân mắc ung thư.
Đối với một bệnh nhân ung thư, họ không sợ chết, chính xác hơn, họ sợ đau sau khi hóa trị. Như trường hợp của Cẩm Bào, bị dị ứng moóc - phin, tiêm vào bị nôn nên chịu hoàn toàn 100% cơn đau. Nếu biết phác đồ của mình chỉ 1, 2 năm nữa sẽ đi, tôi sẽ tận dụng thời gian để chia sẻ kiến thức và tặng tài sản cho mọi người.
Một người có danh tiếng, có tiền tài, đang ở đỉnh cao vinh quang trong sự nghiệp cá nhân, bỗng chốc phát hiện mang trọng bệnh. Lật ngược lại vấn đề, phải chăng để đạt được tất cả hào quang ấy chị đã phải đánh đổi bằng chính sức khỏe của mình?
Với những kiến thức mình có, tôi không cho rằng đó là đánh đổi, mà là tôi đang đồng hành cùng ung thư. Những gì liên quan tới sức khỏe, tôi đều là người chủ động tương tác và giải quyết.
Khi còn trẻ, tôi quan niệm mình phải kiếm tiền bằng mọi giá; còn bây giờ, tư duy thay đổi, tôi vẫn sẽ chọn công việc đúng với đam mê mà không phải đánh đổi sức khỏe. Giai đoạn từ những năm 1997 - 2001, tôi đi diễn thường xuyên, luôn có mặt tại các phòng trà, vũ trường, mình cũng quen với những cuộc vui náo nhiệt rồi. Từ 2002 - 2005, tôi bắt đầu mở doanh nghiệp. Đều đặn 5 tối/tuần tôi lên bar mà không cần có bạn bè. Khi ấy, mình thấy đó là thú vui tuyệt vời, không có gì xấu cả. Quán bar sau đó tôi mở dành cho những người tri thức, mọi người đến đó thưởng nhạc, uống rượu và xem người mẫu diễn chứ không sa lầy vào các tệ nạn. Nhưng những cuộc vui như thế làm sao ngăn cản mình cho một lượng rượu lớn vào trong người. Chuyện nào mình cũng phải trải qua mới biết hậu quả chứ ngày trẻ ai nói mình đâu có nghe. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người bạn sa lầy vào rượu và phần sau cuộc đời của họ không tốt. Tôi cảm thấy mình may mắn vì đã ngộ ra, tự thấy nên dừng lại, thay đổi để có cuộc sống bình an hơn.
“Ngộ, thay đổi, bình an" là những gì chị nhận thức và hành động được. Tuy nhiên, không phải ai cũng có tâm thái tích cực ấy, trái lại họ ôm suy nghĩ rất tiêu cực. Chị phản ứng như thế nào về những nguồn năng lượng xấu ấy?
Nhiều người lên án, phản bác, gây gổ triết lý của tôi nhưng tôi chỉ cười bảo: Triết lý của tôi tôi sống, triết lý của bạn bạn sống, bạn việc gì phải phản bác tôi, bạn không thích thì bạn cứ sống theo cách của bạn, tôi không có ý kiến gì cả. Bản thân tôi muốn để lại tác động tốt tới xã hội và thay đổi cái nhìn, thái độ của họ. Tuy nhiên, chặng đường ấy không thể ngày một, ngày hai.
Với riêng phụ nữ, tôi thường khuyên chị em rằng việc cần làm đầu tiên là phải độc lập tài chính để có thể chủ động ứng phó với những tình huống nảy sinh bất ngờ trong cuộc đời mình, ví dụ như bản án ung thư bất ngờ giáng xuống chẳng hạn!
Chị hài lòng bao nhiêu phần trăm về cuộc sống hiện tại?
40% thôi vì tôi nghĩ mình còn làm được nhiều hơn thế nữa. Tôi chỉ mong kiếm được thật nhiều tiền để giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư…
Tôi thường rà soát lại hết thái độ sống của mình và cảm nhận đến bây giờ mọi người đều yêu quý vì cách tôi đối diện với biến cố một cách đàng hoàng, không trốn tránh. Hiện tại, cuộc sống cá nhân của tôi gói trong chữ An về tâm thức, gói trong chữ Nhiệt thành về hành động! Còn nhiều công việc hướng tới cộng đồng mà tôi muốn thực hiện và chắc chắn tôi sẽ không dừng lại!
Chúc chị luôn mạnh khỏe và lạc quan. Cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.