Tự cường trong bối cảnh khu vực tiến triển phức tạp
LTS: Từ 25/4 đến 27/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi thăm song phương Singape, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập quan hệ ngoại giao, trước khi dự Cấp cao ASEAN vào 28/4. Quan hệ Việt Nam - Singapore đang ở thời kỳ tốt nhất các mặt chính trị và kinh tế. Lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất chú trọng đến các vấn đề về công nghệ, thu hút đầu tư và học tập sự phát triển công nghệ thông minh từ Singapore. Ông sẽ đi thăm rất nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, và quản lý bằng khoa học công nghệ.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng về những vấn đề sẽ được bàn thảo tại Hội nghị cấp cao lần này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng |
Thưa ông, Hội nghị ASEAN năm nay do Singapore làm chủ nhà có chủ đề gì?
Chủ đề năm nay mà Singapore chọn là “xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo”.
Với chủ đề đó, Singapore đã nhấn mạnh vào đúng nhu cầu của ASEAN hiện nay, sau 50 năm thành lập, là cần tiếp tục phát triển nhưng với cách sáng tạo, đồng thời phải tăng tính tự cường trước những diễn biến rất mạnh mẽ của khu vực, cũng như trên thế giới. Cần tự cường trên 3 trụ cột của ASEAN gồm chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa.
Xin ông nói rõ hơn về tính tự cường và sáng tạo dựa trên 3 trụ cột.
Về chính trị - an ninh, năm nay Singapore đã dự thảo một tuyên bố về tầm nhìn của các nhà lãnh đạo để sắp tới thông qua về một ASEAN tự cường và sáng tạo.
Singapore muốn xây dựng một mạng lưới các thành phố thông minh. Với sáng kiến này, Singapore đề nghị mỗi nước thành viên xây dựng 3 thành phố, bao gồm cả thủ đô, để tham gia mạng lưới này, và cử ra một đại diện quốc gia tham gia. Việc này sẽ được tiến hành mang tính chất thử nghiệm, bởi có rất nhiều thành phố muốn thực hiện điều này, nhưng trình độ phát triển của các thành phố lại chênh lệch nhau. ASEAN cũng xúc tiến làm việc với đối tác bên ngoài để hỗ trợ xây dựng mạng lưới.
Ở Việt Nam, 3 thành phố thông minh sẽ là TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Các thành phố được chọn của Việt Nam đều chậm hơn hầu hết các thành phố các nước khác, cả về giao thông, giao dịch qua ngân hàng, thanh toán điện tử, phân phối hàng hóa, đến điều khiển tự động.
Tự cường kinh tế chủ yếu là việc tăng liên kết kinh tế, trong đó kể cả nội khối, để thúc đẩy tiềm năng từng nước ASEAN lên, cũng như tăng cường đầu tư lẫn nhau, kết nối giao thông, mạng lưới giao thông, cảng biển, đường sá… nhằm tăng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN.
Năm nay, ASEAN đã bắt đầu thực hiện đầy đủ AFTA. ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện các gói tự do hóa. Chẳng hạn, dịch vụ đã đi vào thực hiện gói thứ 10, mở thêm rất mạnh. Trong đó, nổi bật nhất là chuyển từ chọn cho sang chọn bỏ, tức là chuyển từ làm những cái được cho phép sang làm những cái không cấm.
Về văn hóa – xã hội, ASEAN muốn đẩy mạnh những điều tạo thuận lợi cho người dân. Ví dụ, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một nền công vụ thân thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. ASEAN cũng ủng hộ quyền lợi của những người lao động di cư, thuận lợi hóa việc đi lại và giao lưu nhân dân, và, quan trọng nhất, là nâng cao nhận thức chung của cộng đồng và người dân về một cộng đồng chung ASEAN.
Trong các kỳ dự cấp cao, Thủ tướng Việt Nam thường đề xuất những sáng kiến. Vậy, lần dự cấp cao ASEAN lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ đưa ra sáng kiến gì?
Tại Hội nghị lần này, Việt Nam ủng hộ rất mạnh chủ đề, cũng như các ưu tiên do ASEAN và Singapore đặt ra. Sáng kiến lớn hẳn để thành đường hướng thì Việt Nam không đặt ra, nhưng Việt Nam sẽ nêu ra các yêu cầu để thực hiện những ưu tiên đó. Ví dụ, Việt Nam sẽ lý giải tính tự cường của ASEAN là như thế nào trong lĩnh vực chính trị - an ninh, và yêu cầu phải có sự gắn kết và đoàn kết với nhau, tức là Việt Nam đề nghị trước các cuộc làm việc với bên ngoài phải giữ nguyên tắc có tham vấn với nhau và cố gắng đạt được đồng thuận ASEAN. Việt Nam cũng đề nghị phải tiến hành cải cách các cơ chế làm việc với bên ngoài của ASEAN cho hiệu quả hơn.
Còn về kinh tế, Việt Nam cũng đề nghị thúc đẩy các kết nối, cũng như các thỏa thuận tự do hóa thương mại (FTAs), và tăng cường đàm phán để đi đến được hiệp định CEPT.
Việt Nam đề nghị trước khi làm việc với bên ngoài các nước ASEAN phải có tham vấn với nhau, tạo đồng thuận trước, có nghĩa là trong quá khứ đã có những sự cố không tham vấn, hay đồng thuận? Chẳng hạn về vấn đề Biển Đông?
ASEAN đã có nguyên tắc ấy. Nhưng đôi khi có những trường hợp nguyên tắc ấy bị lãng quên, chắc anh cũng biết, và Việt Nam có nhiệm vụ phải nhắc lại để duy trì nguyên tắc đó.
ASEAN muốn có vai trò trung tâm khi nói chuyện với các nước lớn. Thế nhưng gần đây, khi các nước lớn đều có những sáng kiến đơn phương, riêng rẽ, khiến vai trò đó của ASEAN có vẻ yếu đi, ông nghĩ sao?
Không phải như vậy. Tất cả các nước lớn vẫn thể hiện sự coi trọng ASEAN, đặc biệt là vai trò trung tâm của ASEAN, bởi ASEAN là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất, và những diễn đàn, cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt cũng vẫn tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các đối tác. Rất ít định chế mà hàng năm có thể tạo ra các diễn đàn thu hút được tất cả các nước lớn đến họp bàn. Giá trị của các cơ chế, diễn đàn này vẫn được đánh giá tốt, được thừa nhận kể cả về an ninh, hay kinh tế.
Chính vì vậy, cho đến nay một số sáng kiến được đưa ra như “Một vành đai - một con đường” (Trung Quốc), hay “Ấn Độ Dương - Thái Bình dương” (Nhật Bản) đã tạo ra một cảm giác trong dư luận rằng hay là họ muốn tạo ra một cơ chế mới giảm đi vai trò dẫn dắt của ASEAN?
Nhưng, trên thực tế, không phải vậy. Và đến giờ các nước chủ xướng các sáng kiến đó đều nói rằng những sáng kiến này được đưa ra để thúc đẩy mạnh hơn nữa những kết nối, liên kết trong khu vực và các duy trì ổn định hòa bình, an ninh khu vực, nhưng không thể thiếu vai trò trung tâm của ASEAN.
Lần này, ASEAN sẽ tiếp tục bàn kỹ về những diễn biến phức tạp của Biển Đông?
Biển Đông luôn luôn là một vấn đề lớn, và là nội dung thảo luận trong hầu như tất cả các cuộc họp của ASEAN khi nói đến các vấn đề khu vực và quốc tế. Mặc dù, hiện đã có những tiến triển trong vấn đề Biển Đông, như ASEAN và Trung Quốc đi vào đàm phán thực chất về Bộ quy tắc ứng xử COC, tuy nhiên đây vẫn tiếp tục là chủ đề mọi người quan tâm. Họ muốn xem COC sẽ như thế nào, có chất lượng, hiệu quả trên thực tế hay không, hoặc ràng buộc về mặt pháp lý sẽ ra sao.
Tuy nhiên, trên thực địa (Biển Đông) vẫn xảy ra những vụ việc khiến các nước chưa hoàn toàn an tâm. Vì vậy, các vấn đề tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, rồi vấn đề tôn trọng các tiến trình pháp lý, ngoại giao, hay hệ thống pháp luật, vẫn được các nước quan tâm nhắc lại, và trở thành những nguyên tắc về lập trường của ASEAN.
Chẳng hạn, trong COC, quan điểm về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn bất đồng?
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ và sự xung đột về chủ quyền thì còn tồn tại lâu. COC được đưa ra không phải là bộ luật để giải quyết xung đột về tranh chấp lãnh thổ, hay chủ quyền, mà chỉ là một bộ quy tắc về cách ứng xử, hành xử trên khu vực Biển Đông để tránh những xung đột, va chạm không cần thiết, và để duy trì hòa bình, ổn định.
Trước đây, khi ASEAN và Trung Quốc thảo luận COC, Việt Nam muốn đưa Hoàng Sa vào, còn Trung Quốc gạt ra. Chính vì thế Tuyên bố về Ứng xử của các nước trên Biển Đông (DOC) ra đời, thay vì bộ qui tắc ứng xử (COC), đúng không?
Đây là vấn đề phạm vi áp dụng của một bộ quy tắc như vậy. Khi nói đến phạm vi, mỗi nước có thể có một quan điểm khác nhau và dẫn đến bất đồng. Ở lần đầu tiên bàn về COC (trước năm 2002 – năm ra đời DOC), Trung Quốc và Việt Nam bế tắc về phạm vi áp dụng.
Chính vì vậy, trong bàn thảo COC lần này, các bên đàm phán đều cố gắng tránh đi phạm vi áp dụng. Mọi người cho đến nay hiểu với nhau là COC áp dụng trên toàn bộ vùng Biển Đông, mà không nêu rõ giới hạn ở đâu.
Những vấn đề khu vực, hay thế giới, như Triều Tiên gặp Hàn Quốc, hay gặp Mỹ sau đó, liệu có được đưa ra bàn ở ASEAN lần này không?
Thường là trong phạm vi các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng sẽ có trao đổi trong các phiên họp hẹp.
Có tin là Việt Nam được đề nghị là địa điểm trung gian hòa giải cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump?
Chưa hề được đề nghị. Nếu người ta cần thì Việt Nam cũng sẽ chấp thuận.
Xin cám ơn ông.
Huỳnh Phan thực hiện
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.