Sào huyệt này trong khu vực biên giới, tại Vườn Quốc gia Yok Đôn trải dài trên hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Quá trình điều tra, Bộ Công an còn phát hiện 4 cuốn sổ ghi chép, trong đó ghi chung chi cho các cơ quan chức năng hàng tỉ đồng (?). Vậy, Phượng “râu” là ai, thế lực nào chống lưng cho trùm gỗ này?
Từ phận làm thuê
Sau khi triệt phá lán trại cùng máy móc, xe máy kéo của Phượng “râu” tại Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn. Bộ Công an đã khẩn trương phong tỏa, khám xét 3 xưởng gỗ lớn tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Tại 3 nhà xưởng, hàng ngàn khúc, lóng gỗ lớn nằm san sát, chất đống. Những lóng gỗ tròn cho tập kết bên ngoài sân bãi, các hộp gỗ vuông chất ngăn nắp trong xưởng, chờ cắt xẻ chế biến.
Theo chính quyền địa phương, Phượng “râu” đăng ký thường trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Ea T’Linh, huyện Cư Jút, Đắk Nông. Quê gốc Hà Tĩnh, vào Đắk Nông sinh sống khoảng đầu năm 1998. Thời gian đầu, không có nghề nghiệp nên Phượng “râu” xin đi làm thuê, có khi đi bốc gỗ kiếm sống. Sau được mách đi buôn gỗ tạp trong vùng. Mua của người này, bán lại cho người khác. Lúc bấy giờ, cuộc sống túc tắc, trôi nổi qua ngày, đoạn tháng. Mãi đến năm 2013, Phượng “râu” bắt đầu phất lên. Vay mượn bạn bè mở xưởng gỗ, tuyển thợ làm thủ công mỹ nghệ. Cạnh tranh được với các xưởng mỹ nghệ trong vùng, Phượng “râu” đi các tỉnh, thành tìm bằng được 10 công nhân lành nghề về đầu quân cho mình.
Biết rằng, việc mua gỗ rồi về chế tác, có lời nhưng không nhiều, khó mà giữ chân được lính. Phượng “râu” tuyển mộ quân chuyên đi khai thác gỗ, được bao ăn ở, trả lương mỗi tháng từ 8-15 triệu đồng. Được bạn bè trong giới làm gỗ giới thiệu, Phượng “râu” kết nối được rất nhiều mối quan hệ với cán bộ, chính quyền từ huyện lên tỉnh. Những năm gần đây, Phượng “râu” bất ngờ nổi lên, trở thành một thế lực kinh doanh ngành gỗ, phủ trùm 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.
Dựng xưởng, hợp thức hóa gỗ lậu
3h sáng 27.4, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) phối hợp cùng Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra C44 và Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm Bộ Công an đồng loạt tấn công “sào huyệt” của Phượng “râu” tại tiểu khu 464 Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk). Bị truy bắt, Phượng “râu” nhảy lên xe bán tải bỏ trốn, vừa đến bìa rừng thì bị trinh sát chốt chặt ở đây vây bắt tại chỗ. Tiếp đến ngày 1.5, bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Hoàng Trang (35 tuổi, trú xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) - thuộc cấp thân tín của Phượng “râu” - nhằm mở rộng điều tra về đường dây gỗ lậu mà Bộ Công an triệt phá.
Tại hiện trường, nhiều xe máy kéo và xe reo không có BKS nằm ngổn ngang cùng nhiều xe máy độ chế. Sát lán trại có một bãi kết gỗ tạp, bị mục nát nhiều ở phần vỏ. Chếch hướng tây của lán trại thuộc địa phận Campuchia có 1 bãi tập kết gỗ khá lớn. Tại lán trại này chứa nhiều cưa lốc cầm tay, hàng trăm lít dầu cùng vô số nhu yếu phẩm. Điều bất ngờ, lán trại của Phượng “râu” chỉ cách Đồn biên phòng Bo Heng (còn gọi là Đồn 747, thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk) khoảng 500m. Người của Phượng “râu” câu điện, nước, wifi từ Đồn biên phòng 747 để sinh hoạt, cắt cưa, vận chuyển và khai thác gỗ.
Thượng tá Cao Hữu Tùng - Đồn trưởng Đồn biên phòng 747 - thừa nhận khu vực lán trại, các bãi tập kết gỗ của Phượng “râu” nằm trên đất của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Đây là khu vực biên giới thuộc Đồn biên phòng 747 quản lý. Ông xác nhận đơn vị có cho ông Phượng kéo điện xuống lán trại để dùng. Biên bản kiểm tra hiện trường của Bộ Công an nêu rõ “vị trí lán trại của Phượng “râu” cách Đồn biên phòng 747 khoảng 500 mét, có diện tích khoảng 150m2”.
Khám xét nhà và 3 xưởng gỗ của Phượng “râu” ở thị trấn Ea T’Linh, (huyện Cư Jut, Đắk Nông), lực lượng Bộ Công an phải phong tỏa hàng ngàn cây gỗ quý nằm chất đống. Theo đại diện Bộ Công an, lượng lớn gỗ phi pháp của Phượng “râu” từ nhiều đầu mối, được gom đưa về các xưởng để hợp thức hóa. Trong quá trình tiến hành bắt khẩn cấp Phượng “râu” và thực hiện lệnh khám xét, cơ quan điều tra Bộ Công an đã thu thập được 4 quyển sổ sách, ghi chép về việc Phượng “râu” chung chi cho các cơ quan chức năng với số tiền lên đến hàng tỉ đồng (!). Đây cũng là điều mà dư luận băn khoăn, tại sao cơ quan chức năng địa phương không thể ra tay, mà phải chờ lực lượng Bộ Công an trực tiếp phá án (!?).
Thế lực nào chống lưng?
Gỗ từ VQG Yok Đôn - chỗ lán trại của Phượng “râu” - về đến huyện Cư Jút (Đắk Nông) phải qua hàng loạt đồn biên phòng và trạm kiểm lâm của hai tỉnh. Phá án, C49 thận trọng đi từng bước, đầu tiên là bắt quả tang 2 xe ôtô BKS: 61C-072.70 và 61L-3057 của Cty TNHH MTV Kiều Dung (đóng tại tỉnh Bình Dương) chở 40m3 gỗ không giấy tờ. Các đối tượng khai vận chuyển từ tiểu khu 464 VQG Yok Đôn - do Phượng “râu” làm chủ - sát Đồn biên phòng 747.
Theo ông Phạm Tuấn Linh - Phó Giám đốc phụ trách VQG Yok Đôn - trong lâm phận của Vườn có tổng cộng 6 đồn biên phòng canh gác tại khu vực biên giới. “Lực lượng kiểm lâm của VQG Yok Đôn muốn vào đi tuần là phải báo cáo với các đồn biên phòng. Phối hợp với đồn biên phòng mới đi được, chứ đi độc lập là không được vì đây là khu vực biên giới” - ông Linh nói. Gỗ của Phượng “râu” - cạnh Đồn biên phòng 747 - muốn về Cư Jút (Đắk Nông) phải đi qua hai con đường là đường tuần tra biên giới và QL14C. Hai con đường này chạy song song với nhau. Và từ Đồn biên phòng 747 về Cư Jút phải lọt qua hai Đồn biên phòng 749 (Đắk Lắk) và Đồn 751 (huyện Cư Jút, Đắk Nông). Như vậy, dù đi đường nào, gỗ lậu cũng buộc phải đi qua các đồn biên phòng trấn ải.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Biên phòng vào Đắk Lắk điều tra, làm rõ thông tin lán trại, các bãi tập kết gỗ của trùm gỗ Phượng “râu” nằm sát Đồn biên phòng 747 (Đắk Lắk). Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - đại tá Phạm Quang Hùng - thẳng thắn: “Với góc độ là lãnh đạo, tôi sẽ không dung túng, bao che cho bất cứ một ai nếu như nội bộ vi phạm”.
Vụ việc xảy ra, ông Phạm Tuấn Linh ký báo cáo 298 gửi Tổng cục Lâm nghiệp rằng, tại tiểu khu 482, cách Đồn biên phòng 747 khoảng 900m và ngay sát cạnh biên giới - suối Đắk Đam - phát hiện có dấu xe ôtô đi từ phía Campuchia qua lâm phận của Vườn. Đồng thời nêu rõ: “Chếch hướng tây của lán trại thuộc địa phận Campuchia có 1 bãi tập kết gỗ khá lớn”.
Cũng chính lo sợ các đối tượng tuồn gỗ từ Campuchia về, Sở Tài chính Đắk Lắk trong báo cáo 576 nêu rằng: Cty Thảo Trúc - trong đó ông Phan Hữu Phượng (Phượng “râu”)là cổ đông - có trúng thầu 579,41m3 gỗ xẻ (nhóm II-VI) từ ngày 23.1.2017. Tuy vậy, đến ngày 27.3.2018 vẫn chưa vận chuyển xong. VQG Yok Đôn cũng có báo cáo 173 nói rõ: Nhằm tránh một số đối tượng xấu lợi dụng trà trộn vào khu vực bãi gỗ, thực hiện hành vi xâm hại vào rừng VQG Yok Đôn, đề nghị Sở Tài chính đôn đốc chủ lô gỗ nhanh chóng vận chuyển gỗ trúng thầu ra khỏi rừng. Một lãnh đạo ngành lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk nghi ngờ: “Làm gì có chuyện hơn 1 năm không vận chuyển hết 500m3 gỗ”. Gỗ tại các kho xưởng của Phượng “râu” cũ mới trộn lẫn, nhiều khúc gỗ màu còn vàng ươm. So sánh, gỗ trúng thầu - vớt từ suối Đắk Đam - đa phần bị mục nát. Do đó, nhiều ý kiến khẳng định, Phượng “râu” đã mượn danh trục vớt gỗ thanh lý để đưa gỗ từ Campuchia về Việt Nam (!).
Chưa hết, qua điều tra, theo dõi, Bộ Công an còn phát hiện Phượng “râu” và đồng bọn đã phá một diện tích rừng rất lớn trong Vườn Quốc gia Yok Đôn - sát biên giới Việt Nam - Campuchia. Thông tin mà Bộ Công an nắm được là do một người từng làm thuê cho Phượng “râu” cung cấp. Việc ngang nhiên phá rừng, công khai vận chuyển gỗ lậu diễn tại suối Đắk Đam - dọc theo biên giới Việt Nam - Camphuchia, nằm trên địa bàn của 2 huyện Đắk Mil và Cư Jút của Đắk Nông. Thời gian khai thác được xác định khoảng cuối tháng 3.2018. Như vậy, qua đấu tranh, Bộ Công an ban đầu xác định Phượng “râu” vừa khai thác gỗ trong nước, vừa có dấu hiệu đưa gỗ từ Campuchia về (!).
Vườn Quốc gia Yok Đôn bị “xẻ thịt”
VQG Yok Đôn có diện tích 115.545ha, trong đó có 72.751ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, 35.538ha phân khu phục hồi sinh thái với hiện trạng đa dạng sinh học cao. Rừng ở đây chủ yếu là rừng tự nhiên. Dù rằng, qua các báo cáo, chính quyền hai tỉnh mô tả đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, nhưng vẫn đối mặt với nạn phá rừng dữ dội.
Báo cáo số 85 (31.1.2018) do Phó Giám đốc phụ trách VQG Yok Đôn Phạm Tuấn Linh ký, nêu: Ngày 26.1, Trạm Kiểm lâm (KL) số 8 thuộc Hạt KL VQG Yok Đôn phát hiện tại tiểu khu 408 - giáp vành đai biên giới thuộc Đồn biên phòng 741 (Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk) phát hiện 23 cây gỗ quý (19 cây gõ đỏ; 2 cây cẩm lai và 2 cây sao), tổng khối lượng 44,9m3. Gỗ bị cắt hạ bằng cưa máy, xẻ thành hộp, lâm tặc mới tẩu tán một ít, phần lớn còn nằm tại hiện trường. VQG Yok Đôn cũng thông tin, Trạm KL số 8 quản lý 12 tiểu khu, trong đó có 4 tiểu khu giáp ranh với Campuchia với 12km trục đường tuần tra biên giới thuộc Đồn biên phòng 741 quản lý. Khu vực tiểu khu 408 bị tàn phá thì Đồn biên phòng 741 và 739 khẳng định đây là khu vực vành đai biên giới cấm xâm nhập. Theo báo cáo, nhiều cánh rừng gỗ quý tại các tiểu khu 419, 420, 484, 477, 456 thuộc địa bàn huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) trên tuyến biên giới tiếp giáp với Campuchia đã bị khai thác trắng. Đáng nói, những khu vực rừng VQG Yok Đôn bị phá đều nằm sát các đồn biên phòng quản lý. Và dù muốn đưa gỗ ra khỏi rừng, cũng phải qua các cửa ải của các đồn biên phòng hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.