Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra sáng nay 25/6. Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) nói hội nghị được tổ chức để kiểm điểm kết quả công tác lĩnh vực này từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay cũng như xác định phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Ông đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận về các bước tiến cũng như công việc đã làm được, những hạn chế, khó khăn, khuyết điểm và kinh nghiệm, "sắp tới làm sao để không chỉ duy trì, mà còn đẩy mạnh cuộc chiến chống giặc nội xâm đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt".
Theo Tổng bí thư, hội nghị không chỉ nhằm động viên, khích lệ tinh thần, mà sẽ bàn những công việc thiết thực, cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh mà nhân dân hết sức quan tâm, hy vọng và chờ đợi.
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTX |
Nhấn mạnh "cuộc chiến" này còn nhiều khó khăn, phức tạp, lâu dài, đầy khó khăn và thử thách, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng sau hội nghị sẽ có những bước chuyển biến mới, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn.
50 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật
Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nói: "Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt".
Theo ông, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực nêu trên đã được ban hành, cụ thể như các quy định về nêu gương; kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật đảng; kiểm soát tài sản của cán bộ; thẩm quyền và trách nhiệm của ủy ban kiểm tra đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng; về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử...
Lĩnh vực phòng, chống tham nhũng đã được gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng một Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.
Đồng thời, các cơ quan Nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật của đảng đối với cán bộ, công chức sai phạm; đảm bảo kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật theo pháp luật của Nhà nước.
"Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước", ông Trạc nói.
Cùng với đó, thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Điển hình là các vụ án: Vũ Quốc Hảo, Vũ Việt Hùng, Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Lê Dũng, Châu Thị Thu Nga, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương…
Ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh, những kết quả đạt được về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. |
Tiếp tục cập nhật.