Thị trường BĐS "bật đáy" mạnh mẽ, mảng bán lẻ vẫn chật vật “bám theo”
Thị trường BĐS trên đà hồi phục tốt
Sau hơn 1 tháng tạm ngừng giãn cách xã hội, thị trường BĐS Việt Nam đã có nhiều tín hiệu hồi phục, thể hiện qua qua khối lượng giao dịch và giá trị BĐS tăng mạnh trong tháng 5/2020.
Theo khảo sát của PV Dân trí thông qua một số sàn giao dịch trực tuyến, chỉ trong tháng 5/2020, bình quân giá BĐS tại Hà Nội đã tăng 2 - 5% so với thời điểm cuối tháng 4. Trong đó, một số khu vực ven đô nằm ở phía Đông thành phố như Gia Lâm hay Văn Giang (Hưng Yên) có mức tăng từ 5% - 10%.
Thậm chí, tại TP.HCM, một số khu vực tại quận 2, quận 9 và Thủ Đức còn ghi nhận mức tăng tại một số dự án lên tới 18% trong tháng 5/2020.
Cũng trong tháng 5, để đón đầu xu hướng đầu tư thời hậu Covid-19, nhiều chủ đầu tư bắt đầu tung ra các sản phẩm BĐS chiến lược, trong đó tập trung mạnh vào phân khúc căn hộ bình dân.
Nhìn nhận toàn cảnh thị trường BĐS Việt Nam sau 1 tháng ngừng giãn cách xã hội, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam khẳng định, thị trường BĐS đang hồi phục rất nhanh thời hậu Covid-19, trong đó, điểm sáng nhất chính là phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2, tiếp đến là đất nền, nhà đất ven đô hoặc tỉnh lẻ, có mức giá khoảng 10 - 15 triệu đồng/m2.
Ông Đính giải thích: “Căn hộ bình dân, nhà đất và đất nền ven đô, từ trước tới nay luôn là sản phẩm “hot” vì nó gắn liền với nhu cầu an cư, lập nghiệp của người dân.
Vì vậy, trong tháng 5/2020, chỉ tính riêng thị trường Hà Nội, chúng tôi ghi nhận có tới hơn 1.000 giao dịch BĐS liên quan tới 2 phân khúc này, tăng gần 4 lần so với tháng 4/2020”.
Theo ông Đính, thực tế, nếu so sánh với tháng 5/2019, hoặc các năm trước nữa thì con số 1.000 giao dịch BĐS còn tương đối khiêm tốn.
“Các năm trước, trong một tháng, thị trường BĐS Hà Nội có thể phát sinh ra hàng nghìn giao dịch mua và bán. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, con số 1.000 giao dịch đã là một tín hiệu rất tốt, bắt đầu đón nhận một làn sóng đầu tư mới của năm 2020”, ông Đính nói.
Mặt bằng bán lẻ vẫn đau đầu tìm khách
Trái ngược với đà hồi phục của thị trường, riêng phân khúc bán lẻ, nhiều chủ đầu tư vẫn phải đối mặt với làn sóng trả mặt bằng kinh doanh và đau đầu khi tìm khách thuê mới.
Trên các tuyến phố có vị trí đẹp nhất tại Hà Nội như Hàng Ngang - Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Xã Đàn, Lê Duẩn, Giải Phóng,... ngày càng xuất hiện thêm nhiều mặt bằng cho thuê, với mức giá rất ưu đãi. Thậm chí, có chủ nhà giảm trực tiếp 30% hoặc miễn phí 2 tháng thuê nhà nhưng vẫn không tìm được khách mới.
Tương tự, tại TP.HCM, một số tuyến phố như Đồng Khởi, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (quận 1); đường Cách mạng Tháng 8, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3),... vẫn còn nhiều nhà phố có mặt bằng cho thuê để trống. Tình trạng này đã kéo dài từ đầu năm 2020 cho tới nay vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan.
Giải thích cho hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Đính cho hay, phân khúc bán lẻ không thể hồi phục ngay lập tức và phải phụ thuộc vào nhiều ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch.
“Khi nền kinh tế gặp khó bởi dịch bệnh, du lịch sụt giảm khách quốc tế, đương nhiên không một doanh nghiệp nào dại dột thuê mặt bằng kinh doanh cả, nếu thuê đồng nghĩa là không có khách và chắc chắn sẽ thua lỗ. Vì vậy, muốn mảng bán lẻ hồi phục thì nền kinh tế phải đi trước đã”, ông Đính nói.
Ông Đính nhìn nhận thị trường bán lẻ sẽ phải cần ít nhất 1 - 2 tháng nữa mới tạo ra một làn sóng khách thuê mặt bằng mới.
“Đây là một kịch bản tương đối sáng sủa, song còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, ví dụ như dịch bệnh phải được kiểm soát và hoạt động du lịch bắt đầu tăng nhiệt”, ông Đính nói thêm.
Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội cho rằng, để có thể vượt qua giai đoạn trầm lắng của thị trường, chủ mặt bằng nên tận dụng cơ hội từ các gói hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ. Đồng thời, mặt bằng cho thuê nên tiếp tục duy trì mức giảm từ 20 - 30% như hiện nay và linh động trong việc thanh toán theo tháng, thay vì đóng dài hạn như trước.
“Với mức giảm từ 20 - 30%, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để tìm mặt bằng kinh doanh. Tuy nhiên, còn phải dựa vào ban kinh doanh sản phẩm gì, nếu là kinh doanh ẩm thực, cà phê hay bất kỳ sản phẩm gì gắn liền với cuộc sống thường ngày thì đây là cơ hội hiếm có, còn nếu là thời trang, quần áo, dịch vụ lưu trú, khách sạn mini, homestay, hàng lưu niệm thì nên chờ 2 - 3 tháng nữa, khi ngành du lịch hồi phục”, ông Tuấn nói.
Việt Vũ
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.