Thêm “đôi cánh” cho Tập đoàn Tín Thành
Acuity Funding tài trợ 6,4 tỷ USD thực hiện các dự án xanh
Chiều 25/9, Tín Thành Group cùng Tổ chức sắp xếp và quản lý vốn Acuity Funding (Australia) tổ chức lễ ký kết chấp thuận tài trợ vốn. Theo nội dung ký kết, Acuity Funding xác nhận nguồn vốn đồng ý cung cấp cho Tín Thành Group tổng cộng lên tới 6,4 tỷ USD.
Ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tín Thành Group đánh giá, lễ ký kết là một cột mốc lịch sử đánh dấu một giao dịch thương mại xuyên quốc gia quy mô lớn giữa Việt Nam, Mỹ và Australia, cùng sự quan tâm sâu sắc từ Hàn Quốc và Ấn Độ với các đại diện Chính phủ các nước tham dự buổi lễ.
Theo nội dung ký kết, Acuity Funding sẽ tài trợ khoảng 1 tỷ USD để Tín Thành Group phát triển 4 nhà máy điện sinh khối và hàng ngàn héc-ta trồng cao lương tại miền Trung và miền Nam Việt Nam. Tại Mỹ, Acuity Funding cam kết tài trợ khoảng 1,7 USD cho Tín Thành Group để xây dựng nhà máy đắp lốp và dịch vụ xe tải tại bang Nam Carolina và khoảng 3,7 tỷ USD tài trợ để xây dựng cơ sở sản xuất hydrogen xanh ở Nam Carolina.
Thông tin chi tiết về các dự án, ông Trần Đình Quyền cho biết, tại Việt Nam, Tín Thành Group đang thực hiện dự án công - nông nghiệp khép kín. Đây là một quy trình khép kín từ nghiên cứu, ươm tạo giống và phát triển vùng nguyên liệu, đến khai thác chế biến các loại sản phẩm chuỗi giá trị từ cây cao lương. Tín Thành Group có Viện Nghiên cứu và phát triển cây cao lương để nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống và khả năng sinh trưởng, phát triển của các chủng loại cây cao lương phù hợp với điều kiện của nhiều vùng miền khác nhau.
Ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tín Thành Group
Riêng với các nhà máy điện sinh khối, Tín Thành Group đang hợp tác với Tập đoàn Air Products (Mỹ) áp dụng các công nghệ độc quyền như đồng đốt co-firing sinh khối và than; công nghệ độc quyền làm giàu oxy đưa vào buồng đốt của lò hơi nâng cao hiệu suất cháy; sử dụng khí nitơ và nhiệt thừa để giảm độ ẩm nhiên liệu.
Do đó, Tín Thành Group sẽ xây dựng 4 nhà máy điện sinh khối đã được đưa vào Quy hoạch Điện VIII, trong đó có một nhà máy tại Đà Nẵng, Kon Tum và hai nhà máy tại An Giang, với tổng công suất 165 MW.
Tại Mỹ, Tín Thành Group đang đầu tư vào chương trình vận tải tuần hoàn giảm phát CO2 và nền móng đầu tiên là nhà máy đắp lốp, tái chế lốp xe và sản xuất dầu nhớt tại bang Nam Carolina, được động thổ vào tháng 3/2023. Cùng với nhà máy này, Tín Thành dự kiến hợp tác với hơn 50 nhà máy vệ tinh trên toàn nước Mỹ chuyên gia công cho Tín Thành. Đồng thời, phát triển 2.000 xe kỹ thuật để phục vụ di động liên quan đến dự án vận hành trọn gói các loại xe vận tải trên khắp nước Mỹ.
“Chiến lược của Tín Thành là kinh doanh vận hành trọn gói, sẽ là công ty tiên phong, đi đầu trên nền tảng của 20 bằng phát minh để trở thành chuỗi hệ sinh thái tuần hoàn, gồm công nghệ - công nghiệp - sản xuất - thương mại - tái chế”, ông Quyền nói.
Cụ thể, ứng dụng app “Ecore” và chip thông minh với hơn 10 tính năng sẽ mang lại tiện ích độc đáo cho chương trình vận hành trọn gói các loại xe tải. Trong đó, App “Ecore” có tính năng nổi trội như các phần mềm có nhiều tính năng mới thích hợp cho các loại xe vận tải đường dài. Con chip có tính năng thông báo nguồn gốc xuất xứ, áp suất, nhiệt độ, vận tốc, địa điểm, xe vận hành có tải hay không có tải, sau khi lốp xe hết sử dụng thì lốp xe đó được tái chế thế nào... và chủ xe có thể biết được ở bất kỳ nơi đâu nếu có sóng điện thoại.
Hơn nữa, khi xe đến trạm dừng chân, Tín Thành có đội xe kỹ thuật lưu động để phục vụ như dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng của các hãng máy bay. Lái xe được chăm sóc sức khỏe tại trạm dừng chân và cho phép tiếp tục hành trình hay không tùy vào tình trạng sức khỏe của tài xế.
Ngoài ra, Tín Thành sẽ bơm khí nitơ lỏng vào mỗi lốp xe, được cung cấp bởi Air Products tại 2.000 trạm của Tín Thành tại Mỹ. Lốp xe được bơm nitơ tinh khiết thay không khí để tăng hơn 9 tính năng có lợi cho quá trình vận hành và sử dụng.
Với các loại nhớt mà Tín Thành sẽ sử dụng, sản phẩm này được sản xuất tại nhà máy đắp lốp và tái chế lốp, bổ sung thêm phụ gia siêu nano graphene độc quyền của Tín Thành. Khi sử dụng loại phụ gia này, tuổi thọ của nhớt và động cơ sẽ được tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, việc tiết kiệm nhiên liệu cũng tăng thêm đáng kể. Công nghệ này đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ.
Riêng với nhà máy sản xuất hydrogen xanh ở Nam Carolina, Tín Thành Group đặt mục tiêu sản xuất với công suất 150.000 tấn/năm từ nguyên liệu biomass sẵn có tại địa phương và bổ sung thêm nguồn sinh khối từ cây cao lương mà Tín Thành đã dày công nghiên cứu và phát triển.
Dự án trên đang được Tín Thành Group hợp tác với Air Products - một tập đoàn trị giá 67 tỷ USD trên sàn chứng khoán NYSE (Mỹ) - để phát triển. Sản phẩm đầu ra sẽ mang lại thay đổi lớn cho ngành công nghiệp ô tô và đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than đã lỗi thời gây ô nhiễm. Tín Thành Group đã nhận được chấp thuận cấp đất và ưu đãi đầu tư 350 triệu USD trong 20 năm.
Cam kết đồng hành
Theo ông Trần Đình Quyền, việc Acuity Funding cam kết tài trợ 6,4 tỷ USD để Tín Thành Group thực hiện các dự án xanh không chỉ mang lại giá trị riêng cho doanh nghiệp, bởi hoạt động kinh doanh từ các dự án sẽ nâng giao dịch thương mại hàng năm giữa Việt Nam và Mỹ lên hàng trăm tỷ USD và mang lại rất nhiều lợi ích song phương trong việc trao đổi công nghệ, nguồn vốn và lao động để tham gia quá trình phát triển các dự án tại hai nước và mở rộng ra trên toàn thế giới.
Đồng thời, việc này đặt nền móng cho việc xuất khẩu công nghệ, sáng chế và sản phẩm từ Việt Nam có tính đột phá vào các lĩnh vực tiên tiến, đi đầu các xu hướng phát triển, đặc biệt với các giá trị mang lại cho cộng đồng qua việc bảo vệ môi trường, giảm phát khí thải, tiết kiệm năng lượng và chi phí.
Bởi, chỉ tính riêng với chương trình vận tải tuần hoàn giảm phát CO2 toàn cầu, mục tiêu của Tín Thành Group đến năm 2030 sẽ đạt đến 1 triệu xe container sử dụng dịch vụ của Tín Thành mỗi năm và xa hơn là chiếm lĩnh 10 - 20% thị phần vận hành trọn gói các loại xe vận tải tại đất nước này.
Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn và tạo ra hàng ngàn việc làm. Chẳng hạn, với những dịch vụ chăm sóc tài xế từ cung cấp thực phẩm như café, nước khoáng, đồ ăn nhẹ, khăn lau mặt…, đến các loại hàng hóa phục vụ vận hành xe như sử dụng lốp xe mới và lốp đắp của Cao su DRC Đà Nẵng. Đồng thời, Tín Thành cũng sử dụng nhiều sản phẩm khác để phục vụ cho toàn bộ xe và tài xế. Các sản phẩm này, Tín Thành hoàn toàn dùng thương hiệu do Việt Nam sản xuất.
Ngoài ra, Tín Thành có thể cung cấp lực lượng lao động kỹ thuật lên đến 70.000 người bổ sung cho số bị thiếu hụt hơn 200.000 lao động trong ngành vận tải của Mỹ hiện nay.
“Quỹ đầu tư này cam kết đồng hành với hệ sinh thái tuần hoàn của Tín Thành và Quỹ sẽ giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án”, ông Quyền chia sẻ thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ranjit Thambyrajah, nhà sáng lập, kiêm Tổng giám đốc Acuity Funding cho biết, Acuity Funding và Tín Thành Group đã làm việc cùng nhau qua một thời gian dài và trải qua quá trình thẩm định để đạt được bản xác nhận chấp thuận tài trợ vốn.
“Acuity Funding luôn tìm kiếm các dự án tập trung vào con người. Tất cả các dự án chúng tôi thực hiện đều phải mang lại lợi ích cho công chúng và phải giữ cho họ được an toàn trong khoản đầu tư của mình. Ngoài ra, chúng tôi tập trung vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nhà máy điện và năng lượng. Đây là những yếu tố quan trọng của sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia và chúng tôi muốn tham gia vào những dự án như vậy”, ông Ranjit Thambyrajah nói.
Theo ông Ranjit Thambyrajah, Việt Nam là đất nước quan trọng số 1 trong danh mục đầu tư tăng trưởng của Acuity Funding, bởi Việt Nam là quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng trước và trong thời kỳ dịch Covid-19.
Acuity Funding cùng các nhà đầu tư và bên cho vay vẫn cam kết mạnh mẽ hỗ trợ người dân Việt Nam và sự phát triển của đất nước.
“Acuity Funding và tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường cũng như các quy tắc áp dụng rất cẩn thận, do đó, tôi tin là sẽ không có bất kỳ rủi ro lớn nào khi đầu tư vào đây. Trong hơn 40 năm hoạt động,
Acuity Funding chưa từng trải qua bất kỳ khoản nợ xấu nào và đây là bằng chứng cho khả năng thấu hiểu và quản lý rủi ro của chúng tôi hiệu quả thế nào”, nhà sáng lập Acuity Funding khẳng định.
Theo Trọng Tín - Báo Đầu Tư
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.