Startup đi lên từ Nhân tài Đất Việt góp công trong chuyển đổi số quốc gia
Tự hào giá trị Việt Nam
Theo đánh giá của List25, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ khó học, khó phát âm nhất trên thế giới do có nhiều thanh điệu, làm nghĩa của một từ thay đổi.
Do vậy, việc xây dựng nên những phần mềm, giải pháp ứng dụng AI để phát âm, xử lý chuyển đổi tiếng Việt là điều không hề đơn giản, ngay cả khi đó là những tập đoàn quốc tế hàng đầu về AI như Google, Microsoft hay Apple.
Tuy nhiên, thật tự hào khi ngay tại Việt Nam chúng ta cũng đã có những startup phát triển rất mạnh về lĩnh vực chuyển đổi ngôn ngữ, gặt hái nhiều thành quả ấn tượng, điển hình như VAIS nổi tiếng trong mảng chuyển đổi tiếng nói sang văn bản (Speech to Text), hay Vbee trong chuyển đổi từ văn bản sang giọng nói (Text to Speech).
Điều đặc biệt đó là cả hai startup này đều đã thành danh nhờ tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vào các năm 2018, 2019 và nhận được giải cao. Tính đến nay, cả hai đều đã có tập khách hàng lên tới hàng chục ngàn người dùng cuối, và hàng trăm doanh nghiệp từ các công ty tư nhân cho tới cơ quan nhà nước.
Mới đây, Vbee và VAIS tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giới thiệu như 2 trong số các nền tảng số "Make in Vietnam" tiêu biểu, nhằm hỗ trợ đẩy nhanh “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giải pháp phù hợp với doanh nghiệp là quan trọng nhất
"Giá trị đích thực của những giải pháp công nghệ lõi như Vbee đó là mang tính chất lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước", ông Hồ Minh Đức, CEO Vbee cho biết.
"Điều này được thể hiện thông qua giúp rút gọn chi phí, mở rộng phạm vi kinh doanh, tăng trải nghiệm khách hàng, và tạo giá trị chuyển đổi số nhanh hơn, rộng hơn".
"Tìm được giải pháp tốt là quan trọng, nhưng giải pháp phù hợp với doanh nghiệp còn quan trọng hơn rất nhiều", ông Hồ Minh Đức chia sẻ.
Vbee hiện là nền tảng số tiên phong về công nghệ lõi “Text - to - Speech”, tức là sử dụng trí tuệ nhân tạo để chuyển đổi từ văn bản tiếng Việt sang giọng nói.
Theo giới thiệu của đại diện nhóm phát triển Vbee, với hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển chuyên sâu, nền tảng công nghệ Vbee có những đặc trưng cơ bản như: công nghệ Vbee có thể học theo bất kỳ giọng của một người nào đó trong vòng 4 giờ đồng hồ với độ tương tự trên 95%; giọng nói Vbee đa dạng vùng miền (Bắc, Trung, Nam...), giới tính và độ tuổi (Nam, Nữ). Công nghệ giọng nói nhân tạo Vbee còn có thể dự đoán cách đọc, các từ viết tắt, từ vay mượn, các từ ngữ đặc trưng của tiếng Việt mà các giải pháp nước ngoài không thể.
Bên cạnh đó, Vbee cũng đã xây dựng thành công nền tảng Vbee cloud (https://www.vbee.vn), cho phép người sử dụng, doanh nghiệp, lập trình viên có thể sử dụng trực tiếp hoặc qua tích hợp (API) một cách dễ dàng và thuận tiện.
"Bước đệm" Nhân tài Đất Việt khai phóng sức mạnh startup
Tham dự Nhân tài Đất Việt 2018, Vbee là một trong hai đội thi may mắn bước lên bục vinh quang để đoạt giải thưởng cao nhất.
Theo ông Hồ Minh Đức, giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã giúp startup này có những chuyển biến rõ rệt, thương hiệu được nhiều người biết đến hơn. Tính đến nay, Vbee đã thành công tiếp cận được 20.000 người dùng cuối, và hợp tác với hơn 500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong 3 lĩnh vực chính bao gồm Tổng đài tự động, giải pháp tương tác thiết bị thông minh, nội dung số tự động.
"Từ sau giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018, Vbee ghi nhận tốc độ phát triển người dùng mỗi tháng tăng 150%, tốc độ tăng trưởng doanh số 200%", ông Hồ Minh Đức cho biết. "Có thể nói rằng Nhân tài Đất Việt 2018 đã tạo ra bước ngoặt, giúp những giải pháp của Vbee được cộng đồng đón nhận và sử dụng, và tạo ra những chuyển biến tích cực".
Là đơn vị dẫn đầu lĩnh vực tổng đài thông minh nhân tạo, cung cấp các giải pháp cho lĩnh vực fintech, banking, nhà thông minh... Vbee hiện đang phát huy những giá trị của mình trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia với tốc độ phát triển "mơ ước" mà một startup mong muốn.
Giống như Vbee, VAIS cũng là một startup đi lên từ Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và gặt hái thành công rực rỡ. Ông Đỗ Quốc Trường, CEO của VAIS cho biết kể từ khi nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019, công ty đã triển khai thêm được nhiều cơ quan mới, tăng 2.000 người dùng cuối trên hệ thống.
"Mức độ nhận diện, uy tín của công ty được nhiều người biết đến hơn, nhiều cơ quan nhà nước tin dùng hơn từ sau khi nhận được giải Nhân tài Đất Việt", ông Đỗ Quốc Trường cho biết. "So với cùng kỳ năm ngoái, số đơn vị triển khai công nghệ lõi của VAIS tăng gấp đôi".
Chia sẻ thêm, đại diện của VAIS cũng cho biết sự góp mặt của những giải pháp công nghệ lõi, đã có những tác động tích cực đến công cuộc chuyển đổi số trong khối cơ quan chính phủ.
"Thông thường các công ty tư nhân thường đi trước về công nghệ so với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, chuyển đổi số tại cơ quan nhà nước đã diễn ra rất mạnh, cho thấy chuyển biến rõ rệt từ việc áp dụng phần mềm, chính sách hành chính công, cổng thông tin điện tử,...".
Tính đến nay, nền tảng VAIS đã được nhiều cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương sử dụng như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ TT&TT, UBND TP.Hà Nội cùng hơn 50 đơn vị báo chí, truyền hình để phục vụ gỡ băng bài phát biểu tại các kỳ họp, sự kiện.
Đối với VAIS, nền tảng công nghệ chuyển giọng nói tiếng Việt thành văn bản (ngược lại so với Vbee) này có những sự thú vị riêng, khi có thể thực hiện "gỡ băng" (tức xử lý các bản ghi âm), sau đó chuyển thành văn bản để tiết kiệm thời gian cho người làm nội dung.
Điểm đặc trưng của VAIS đó là có thể nhận dạng được đầy đủ giọng nói cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với độ chính xác lên đến 95%; chuyển đổi giọng nói tiếng Việt thành văn bản với kết quả tức thì, với tốc độ vượt trội có thể nhanh gấp 500 lần thời lượng âm thanh.
VAIS cũng hỗ trợ nhận dạng tốt trong môi trường nhiễu và ở khoảng cách xa. Đặc biệt, nền tảng này có tính năng chuẩn hóa văn bản đầu ra: tên riêng, ngày, tháng, số…, hỗ trợ nhiều loại định dạng âm thanh đầu vào; cung cấp giải pháp cho người dùng trực tiếp hoặc kết nối thông qua API tại https://vais.vn.
Từ thực tế quá trình chuyển đổi số trong thời gian gần đây, có thể thấy xu thế tự động hoá và tương tác giọng nói vào các thiết bị thông minh như nhà thông minh, thiết bị trên ô tô, giao thông thông minh, thành phố thông minh, tương tác người máy… đều là xu thế bắt buộc trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Nguyễn Nguyễn
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.