Săn mây, ngắm hoa chi pâu nở tại “thiên đường nơi hạ giới” Tà Chì Nhù
Nóc nhà của tỉnh Yên Bái có chiều cao 2.979 m nằm ở khu vực xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, là một trong ba “thiên đường mây nơi hạ giới” bên cạnh Nhìu Cồ San và Lảo Thẩn ở vùng Tây Bắc.
Du khách thường thuê xe ô tô từ Hà Nội lên thị trấn Trạm Tấu hoặc đi xe khách giường nằm lúc chiều tối lên thị trấn Nghĩa Lộ (có nhiều chuyến xe khách qua đây) để ngủ qua đêm và sáng sớm hôm sau đi đến điểm xuất phát.
Vào dịp đầu tháng 9 đến giữa tháng 10, mỗi dịp cuối tuần có từ 100-200 khách leo tới đây chinh phục Tà Chì Nhì, săn mây và ngắm hoa chi pâu.
Tất cả các đoàn tập trung ở trước khu Mỏ Chì để chuyển đồ cho porters mang hộ, nghe người dẫn đường chia nhóm và cung cấp thông tin trước khi khởi hành.
Nếu hôm leo ít người, khách leo có thể may mắn được đi nhờ qua khu nhà máy của Mỏ Chì, bắt đầu hành trình chinh phục Tà Chì Nhù. Còn nếu đông người, tất cả sẽ phải vượt hai con suối nước chảy xiết.
Bắt đầu leo từ lúc 8 giờ, đoàn chúng tôi phải mất khoảng 1 tiếng để vượt qua 2 con suối này.
Hành trình chinh phục Tà Chì Nhù 2 ngày 1 đêm trên núi có tổng chiều dài khoảng 20km được đánh giá là khó do địa hình núi ở đây dốc, đường leo toàn đá sỏi, từ dưới lên đỉnh đa phần đi qua địa hình không có bóng cây.
Chúng tôi giữ cho hơi thở đều khi leo, và cứ đi 30 phút lại dừng nghỉ uống nước 3-5 phút. Thường leo núi bạn sẽ không nghỉ lâu để tránh bắp thịt lạnh và giãn cơ.
Đến khoảng 12 giờ 30, các đoàn đều tìm chỗ thoáng mát để nghỉ ăn trưa nạp năng lượng và lấy lại sức.
Từ điểm nghỉ, chúng tôi vượt qua con dốc Hai Cây khá dài trước khi đi qua rừng trúc nhỏ và sống lưng khủng long để đến với khu lán nghỉ.
Đoạn đi này được đánh giá là khó khăn nhất hành trình do dốc gắt, dài và đi dưới ánh nắng nên cơ thể dễ mất nước và mất sức. Tuy nhiên, bù lại, cảnh vật, mây và rừng trên đường đi rất đẹp và mộng mơ, khách leo như lạc vào chốn tiên cảnh.
Khoảng 4 giờ 30 chiều, chúng tôi đến khu lán nghỉ. Khu lán với hai dãy nhà bằng gỗ nằm cạnh con suối nhỏ được người dân địa phương xây dựng năm ngoái, có thể chứa được khoảng 120-150 người. Trước đó khi leo Tà Chì Nhù, du khách phải ngủ lều.
Chúng tôi tắm (có dịch vụ cung cấp nước nóng), nghỉ ngơi và ăn tối lúc 7 giờ. Ngay sau đó, tất cả đều đi nghỉ sớm để lấy sức cho ngày hôm sau dự kiến dậy lúc 5 giờ để ăn sáng và 6 giờ xuất phát để kịp ngắm hoàng hôn trên đỉnh và sau đó xuống núi luôn.
Từ lán lên tới đỉnh đi mất khoảng 2 tiếng. Sau khi xuất phát từ lán được 30 phút, chúng tôi tới vùng núi nơi có loài hoa tím dại được mọi người gọi là chi pâu mọc dầy đặc.
Anh Giàng A Long, porter người Mông, cho biết hoa chi pâu (tức là "không biết" theo tiếng Mông) nở rộ nhất vào dịp cuối thu từ tháng 9 đến cuối tháng 10.
“Hai năm trở lại đây số lượng du khách đến khám phá Tà Chì Nhù tăng vọt nhờ có hoa chi pâu. Trong mùa leo núi trước tôi đi được 20 chuyến với thu nhập 700.000/chuyến, tôi hy vọng năm nay sẽ đi được nhiều chuyến hơn”, anh Long chia sẻ.
Theo anh Mạnh Chiến, quản trị của Diễn đàn Hội đam mê leo núi, Tà Chì Nhù không chỉ có hoa tím này mà còn là nơi ngắm mây và đón bình minh đẹp nhất trong các núi mà anh từng đặt chân tới.
Khi chúng tôi lên tới đỉnh thì một số bạn trẻ đang chụp ảnh kỷ niệm với chóp cột mốc. Biển mây bồng bềnh trên các ngọn núi, những hạt mưa nhẹ cùng ánh nắng sáng từ phía xa tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp mà chỉ có trải qua những vất vả và khó khăn mới có thể chiêm ngưỡng được.
Sau khi ở trên đỉnh núi chừng 30 phút để quay phim chụp ảnh, ngắm mây và núi, chúng tôi leo xuống lán để ăn nhẹ rồi thu xếp đồ đạc và đi xuống núi.
Đường xuống núi trời hôm đó mưa nhẹ nên rất trơn trượt. Kinh nghiệm leo xuống, đặc biệt trong điều kiện thời tiết mưa là đi chậm, chắc và xoay ngang bàn chân.
Thời gian leo từ điểm xuất phát lên lán mất 6-7 tiếng thì thời gian leo xuống chỉ mất khoảng 3,5 tiếng. Các nhóm leo lần lượt xuống núi vào chiều muộn và đi về thị trấn Trạm Tấu để nghỉ ngơi, ăn tối trước khi lên đường trở về Hà Nội, kết thúc hành trình 2 ngày 1 đêm đầy ấn tượng chinh phục Tà Chì Nhù.
Đức Hùng
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.