Hoa Hậu
Phó tổng giám đốc DOJI: Vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh vàng chui thì ra quy định để làm gì?
Đăng lúc: 18h13 | 17/10/2016
Ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI kiến nghị: Quy định đưa ra phải thực tiễn, khả thi, ví như quy định hạn chế, kiểm soát doanh nghiệp vàng không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn có hàng ngàn cơ sở kinh doanh vàng chui hoạt động, vậy ra quy định để làm gì?
Ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji
Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ tháng 8 vừa qua cho biết, các cơ quan chức năng của Bộ đã tiến hành thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng. Qua đó phát hiện hơn 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường; chỉ số hàm lượng vàng không đạt chuẩn so với chỉ số công bố...
Như vậy tính chung trong hai năm qua, đã phát hiện có ít nhất 600 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm về kinh doanh vàng. Từ đó các cơ quan chức năng đã tịch thu số hàng hơn 4.000 mẫu, tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu...
Những con số này vô hình đã tạo tiếng xấu cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, bởi trao đổi tại hội thảo ngày Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA), nhiều doanh nghiệp vàng lên tiếng bức xúc về những khó khăn, khó hiểu khi thực hiện nghị quyết 24, cùng với đó là những quy chuẩn trong đo lường chỉ số, chất lượng vàng.
Cụ thể, các doanh nghiệp vàng cho rằng cơ sở kinh doanh lấy hàng từ nơi bỏ mối sỉ mặt hàng vàng nữ trang, có tiêu chuẩn cơ sở và hợp đồng rõ ràng, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện chất lượng vàng không đúng tiêu chuẩn công bố, tiệm vàng sẽ bị xử phạt. Theo các doanh nghiệp, quy định này mới chỉ kiểm soát được phần ngọn bởi tiệm vàng chỉ là nơi kinh doanh, trong khi chất lượng lại do các cơ sở sản xuất quyết định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nêu vướng mắc về việc tem nhãn sản phẩm phải thể hiện quá nhiều nội dung như tên hàng hóa (ví dụ: lắc tay, dây chuyền, nhẫn vàng…), nhà sản xuất, hàm lượng vàng, khối lượng vàng, ký hiệu của sản phẩm… Theo đó, với diện tích chỉ 2cm x 1cm của tem nhãn vàng trang sức, rất khó để doanh nghiệp có thể ghi được tất cả các thông tin như trên lên đó.
Cùng chung những bức xúc, vướng mắc trên, ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DoJI cho biết: Mục tiêu của nghị định 24 của chính phủ, Thông tư 22 của của Bộ Khoa học và công nghệ có mục tiêu là làm lành mạnh thị trường vàng bạc đá quý, do hiện nay còn chưa có định hướng cụ thể. Mục đích thì tốt, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ví dụ trong nghị định 24 của Chính phủ chỉ có doanh nghiệp lớn mới được kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, doanh nghiệp có vốn pháp định trên 500 tỷ, nộp thuế trong 2 năm gần nhất đạt mức nhất định và phải có 3 cơ sở ở 3 địa bàn 3 thành phố lớn. Nếu áp quy định này thì chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn trên, nhưng hiện nay thị trường vẫn bị thả nổi, có hàng trăm, hàng ngàn hộ kinh doanh nhỏ vẫn kinh doanh chui. Điều này cho thấy luật chưa đi vào thực tiễn, chưa có hiệu lực, hiệu quả và như vậy thì ban hành quy định để làm gì?
Cùng với đó là sự chưa thống nhất về sai số cho phép như thế nào, dưới bao nhiều %. Điều này đang gây khó cho doanh nghiệp, vì trên thực tế việc đo đạc kiểm tra là cũng chưa có, cả nước mấy chục nghìn doanh nghiệp, đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp nhỏ việc kiểm soát chưa tới nơi. Vì vậy, đây cũng là vấn đề cần được đặt ra để giải quyết, làm sao kiểm tra, kiểm soát được các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh không chân chính.
Trả lời về kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp với các chính sách trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết: Luật thì tốt, nhưng quy định phải đi vào thực tiễn, phải có tính khả thi, nếu quy định quá khó khăn, chặt chẽ thì nên thay đổi. Đối với quy định nào ban hành rồi mà thiếu tính khả thi, không kiểm soát được thì chúng ta nên bỏ.
Theo quy định của Nghị định 24, từ ngày 26/5/2013 những đơn vị sản xuất trang sức mỹ nghệ phải có giấy chứng nhận do Ngân hàng Nhà nước cấp sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ vẫn chưa nắm được các quy định của Nghị định này và gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện.
Trước đây, những mô hình chế tác trang sức mỹ nghệ gia đình, cá nhân, hộ kinh doanh không cần có giấy chứng nhận, chỉ cần có vốn tối thiểu 5 tỷ đồng.
Từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, thì đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ phải được có giấy chứng nhận từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp phản ánh vẫn khá lúng túng trong việc đăng ký kinh doanh lại cũng như thực hiện quy trình, thủ tục đăng ký theo quy định của Nghị định 24.
NGUYỄN THOAN
Bình luận
Tin cùng danh mục
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.