Phó chủ tịch Tập đoàn TTC – Huỳnh Bích Ngọc: Duyên nợ cùng cây mía
Gắn bó với ngành mía đường 37 năm, bà Huỳnh Bích Ngọc – Phó chủ tịch Tập đoàn TTC đã chia sẻ tầm nhìn chiến lược của tập đoàn trước những cơ hội mới để hiện đại hóa ngành mía đường, không chỉ cho Tập đoàn TTC mà cho cả ngành mía đường Việt Nam.
– Gần đây, nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đầu tư cho nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn TTC đã có những hoạt động nào để tiếp tục tăng cường đầu tư, mở rộng mảng nông nghiệp?
Tập đoàn TTC có 5 lĩnh vực hoạt động chính là nông nghiệp, giáo dục, bất động sản, du lịch và năng lượng, nhưng mía đường là mảng chủ lực của tập đoàn. TTC khởi đầu từ mía đường nên tôi và Đặng Văn Thành xem nó như là máu thịt của mình, vì gắn bó đã 37 năm nay.
Có được 8 nhà máy mía đường của Tập đoàn TTC hôm nay, chúng tôi cũng đã trải qua thời kỳ lập nghiệp, khai phá và đổi mới. Năm 1979 gia đình tôi thành lập tổ hợp sản xuất mang tên Thành Công bằng nguồn vốn của gia đình, quy mô chỉ có vài lao động. Tổ hợp chủ yếu thu gom mật rỉ đường, sản xuất khí CO2 bán cho các cơ sở sản xuất nước ngọt rồi dần dần phát triển với quy mô lớn hơn ở TP.HCM. Giai đoạn này, sản xuất được cái gì cũng là tốt lắm rồi. Lúc đó anh Thành và tôi cứ thế mà làm, thu mua mật rỉ, sản xuất đường. Đó là cả một quá trình lao động, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng, học hỏi, phát triển không ngừng và liên tục lập lại những chu kỳ xoắn ốc mới.
– Với khởi đầu như thế, đến thời điểm nào chị nhận thấy ngành mía đường bắt đầu bứt phá? Lúc đó, anh chị nghĩ đến điều gì để có thể phát triển ngành mía đường tốt hơn?
Cột mốc để ngành mía đường bứt phá chính là “Chương trình 1 triệu tấn đường” của Chính phủ vào năm 1995. Cũng thời gian này, chương trình cổ phần hóa của Chính phủ được triển khai. Đây là những yếu tố khiến doanh nghiệp có nhiều hy vọng vào sự thay đổi, phát triển. Khi đó Chính phủ mong muốn phát triển ngành mía đường lớn mạnh để có thể tự đáp ứng nhu cầu trong nước, không còn lệ thuộc nhiều vào đường nhập khẩu. Một tín hiệu tốt và chúng tôi nhận thấy chương trình này mở ra tương lai tươi sáng cho ngành mía đường của Việt Nam nói riêng. Với niềm tin đó, chúng tôi đã mạnh dạn đi theo ngành này. Chúng tôi tập trung đầu tư tối đa cho niềm đam mê kinh doanh mía đường.
– Khi nào thì TTC nhận ra phải quyết liệt thay đổi công nghệ?
Với xuất phát điểm từ một đơn vị kinh doanh thương mại ngành đường từ rất sớm, chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm và hiểu biết nhất định về thị trường trong nước. Đó là cơ sở để chúng tôi chuyển hướng sang đầu tư sản xuất theo định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị ngành đường khép kín như hiện nay. Việc tham gia sản xuất còn góp phần giải quyết các vấn đề nội tại về nông nghiệp, đặc biệt là áp dụng các giải pháp quản trị điều hành bằng công nghệ theo như mong muốn và đề xuất của con gái chúng tôi, Ức My.
Qua những khó khăn ban đầu, chúng tôi đã dần thích nghi, học hỏi và liên tục đổi mới. Chúng tôi là những người làm thật, sản xuất thật, kinh doanh thật, gắn bó với ngành nghề nên luôn luôn ý thức phải học và thay đổi từ thực tế. Không có một ai thúc ép, nhưng khi nhìn thấy quá trình sản xuất đường cần gì, thiếu gì hoặc muốn có sản phẩm tốt hơn, chất lượng cao hơn… là TTC phải thay đổi, cải tiến quy trình, máy móc, quản trị và cả con người. Hầu như tất cả mọi việc này ở TTC diễn ra rất tự nhiên và tập trung.
– TTC tham gia cổ đông, trở thành cổ đông chính, chi phối, M&A các công ty mía đường… nhờ đâu TTC đi nhanh như vậy?
Nói thật, mía đường là nghề lập nghiệp của gia đình nên chúng tôi rất yêu quý nó. Đến giờ tôi thấy ngành này vẫn rất ngọt ngào. Nói cho vui là “có đường trong máu”, nhưng rất là khỏe mạnh! Thực ra đó là do đam mê dẫn dắt khiến chúng tôi muốn mình tiến bộ, phát triển và lớn mạnh hơn. Kinh doanh lâu năm trong ngành này giúp TTC có kinh nghiệm thương trường và định hướng rõ con đường mình đi. Thế giới đã thay đổi rất nhanh nên mình cũng phải học hỏi, thay đổi để thích nghi kịp thời.
– TTC xác định mấu chốt để phát triển nông nghiệp là gì?
Làm nông nghiệp trong giai đoạn mới cần phải có kiến thức: hiểu biết công nghệ, giống cấy trồng; hiểu biết thị trường, quản trị và nhạy bén nắm bắt cơ hội. Là lãnh đạo thì phải biết quan sát và lắng nghe. Thế hệ của tôi bây giờ không thể giỏi công nghệ như các bạn trẻ, nhưng mình phải cầu tiến và đổi mới. Nói là vậy, nhưng cũng không dễ lắm đâu. Giá trị của các nhu cầu đầu tư công nghệ không hề nhỏ, mặc dù hiểu đây là việc cần thiết, nhưng đôi khi chúng tôi vẫn thấy khá lạ lẫm. Tuy nhiên, khi lớp trẻ đã thuyết phục cần làm và phải làm, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và cùng bàn bạc, thống nhất rồi ra quyết định thực hiện.
– Giải pháp căn cơ nào giúp Tập đoàn TTC vững tin phát triển mảng mía đường?
Phải sản xuất lớn và hiện đại thì mới cạnh tranh được. Tập đoàn TTC đã quyết định thành lập Công ty CP Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công (SRDC), tiến tới thành lập Viện nghiên cứu mía đường với mục đích là tìm ra giống mía mới, cải tiến năng suất chất lượng. SRDC cũng đang nỗ lực tìm ra giống mía có khả năng chống chọi được điều kiện khí hậu khắc nghiệt tốt hơn các giống mía cũ. Chúng tôi cũng hiểu rằng, phải giúp nông dân làm giàu được từ cây mía thì sự phát triển của doanh nghiệp mới lâu dài và bền vững được.
– Cụ thể hơn, Tập đoàn TTC có thể làm gì cho nông dân?
Anh Thành và tôi gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp từ thuở ban đầu, bởi vậy chúng tôi hiểu rõ những giá trị mà bản thân mình có thể đóng góp cho nông nghiệp, cho ngành và đặc biệt là cho người nông dân. Cụ thể đối với ngành mía đường, chúng tôi xác định giải pháp quan trọng là phải chủ động được vùng nguyên liệu, từ đây, thực hiện các liên kết hiệu quả để triển khai những cánh đồng mẫu lớn. Khi đó việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như cơ giới hóa sẽ dễ dàng hơn, góp phần tăng năng suất cho cây mía.
Chúng tôi cũng tăng cường hỗ trợ người nông dân sản xuất thông qua chính sách bao tiêu sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật, tài trợ cây giống, phân bón, trang thiết bị… Việc này sẽ giúp cho nông dân yên tâm gắn bó lâu dài với cây mía, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bền vững của ngành mía đường cũng như ngành nông nghiệp hiện đại.
– Nhiều người biết đến tên chị trong ngành mía đường; biết đến anh Thành qua lĩnh vực ngân hàng. Cái tên Thành Thành Công có ý nghĩa với chị như thế nào?
Cái tên ban đầu của tổ hợp sản xuất chỉ là Thành Công. Hồi đó, những cái tên như Thành Công, Thắng Lợi khá phổ biến. Chính vì thế sau này khi đổi tên công ty, đăng ký thương hiệu, cái tên Thành Công bị trùng lặp rất nhiều. Suy nghĩ mãi, cuối cùng chúng tôi thống nhất chọn là Thành Thành Công, nó như nhân đôi sự mong muốn làm việc gì cũng được thành công.Tôi may mắn có một người rất giỏi. Anh đam mê, nhiệt huyết, nhạy bén trong kinh doanh. Anh là người có tài nên tôi nghĩ lấy tên anh gắn với tên công ty sẽ vừa thiết thực lại có nhiều ý nghĩa. Khi Tập đoàn TTC lớn mạnh, anh Thành là Chủ tịch tập đoàn, tôi thỉnh thoảng hay nói đùa dù sao tôi vẫn là… bà chủ tịch mà. Và đến nay Thành Thành Công thường giao dịch với các khách hàng đối tác quốc tế qua tên gọi TTC, chúng tôi cũng chủ động có bước đi với sự nhận dạng thương hiệu này.
– Đã gắn bó rất lâu trong ngành mía đường, anh chị có mong muốn để lại “di sản” gì cho cuộc đời này?
Chúng tôi vẫn đang suy nghĩ, đang làm…Cá nhân tôi luôn cảm thấy đặc biệt xúc động mỗi khi tới tháng 9, vì đây cũng là thời gian kỉ niệm ngày cưới của anh Thành và tôi. “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Nhìn lại chặng đường đã qua, 37 năm hoạt động của Thành Thành Công (TTC) cũng chính là 37 năm anh Thành và tôi cùng gắn bó dưới một mái nhà. Những giá trị mà TTC đã đóng góp cho xã hội ngày hôm nay, đối với gia đình tôi, luôn được xem là “vị ngọt” của tình yêu gia đình, yêu ngành nghề, yêu đất nước…
Tất cả những gì gia đình tôi đang làm là chung tay phát triển doanh nghiệp, cộng đồng. Anh Thành luôn quán triệt cho toàn thể nhân viên: “Trách nhiệm của chúng ta là làm giàu cho nông dân”. Sản phẩm tâm đắc nhất của chúng tôi chính là thế hệ kế thừa, một thế hệ luôn sẵn sàng nhập cuộc để kiến tạo những giá trị tiếp theo.
Ngoài ra, Tập đoàn TTC cũng đang xin phép thành lập Quỹ Từ thiện TTC. Chúng tôi vẫn thực hiện các công tác từ thiện từ nhiều năm nay. Tôi hy vọng khi quỹ được chính thức thành lập sẽ giúp đỡ được nhiều người, nhiều bạn trẻ có thêm điều kiện học tập, làm việc, xây hoài bão ước mơ tươi đẹp.
– Cảm ơn chị.
Vị ngọt từ mía
Có nền tảng sản xuất và kinh doanh mía đường từ 37 năm, Tập đoàn TTC hiện đang mở rộng lĩnh vực kinh doanh để trở thành một tập đoàn đa ngành, nhưng vẫn khẳng định mía đường là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Tại cuộc họp hồi đầu năm 2016, công bố chiến lược phát triển giai đoạn 5 năm 2016- 2020, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, ngành mía đường tiếp tục duy trì tỷ trọng ưu thế trong cơ cấu đóng góp lợi nhuận của tập đoàn với khoảng 60-70%, tiếp theo là BĐS 10-20%, năng lượng 12-13%, giáo dục 4% và du lịch 3-6%.
Hiện tại Tập đoàn TTC có 8 nhà máy, 10 công ty với doanh thu 9.000 tỷ đồng/ năm. Năng suất 8 nhà máy của TTC (bao gồm TTCS, TTCS Gia Lai, BHS-Tây Ninh, BHS-Trị An, BHS-Phan Rang, BHS-Ninh Hòa, NTS, BHS-Đồng Nai) là 30.300 tấn mía/ngày.
(Nguồn: Tập đoàn TTC)
Thiên Thủy (DDDN)
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.