Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh lúa giống giả ở Đồng Tháp: Nông dân lãnh đủ
Hàng chục tấn lúa giống nghi làm giả được phát hiện
Đợt thanh kiểm tra được thực hiện theo Quyết định thanh tra số 253/QĐ-TTr ký ngày 18/5/2018 của Thanh tra Bộ NNPTNT với nội dung thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, đại lý về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm giống cây trồng thuộc phạm vi quản lý của Bộ NNPTNT tại một số tỉnh, thành phía Nam.
Đoàn liên ngành kiểm tra một đại lý kinh doanh lúa giống. Ảnh: IT.
Kiểm tra hoạt động của một số đơn vị cấp lúa giống tại huyện Cao Lãnh, Đoàn liên ngành đã phát hiện một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh giống và sản phẩm giống cây trồng theo Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT, ban hành ngày 15/12/2015 của Bộ NNPTNT quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng
Cụ thể, ngày 23.5, đoàn điểm tra trực tiếp 3 đơn vị (Đại lý vật tư nông nghiệp Văn Tấn, Đại lý vật tư nông nghiệp Thật Hiền ở ấp 1, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tại đây đoàn phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm của hai cơ sở này như vi phạm về nhãn mác, đóng gói…,
Thực tế kiểm tra cho thấy trên vỏ bao lúa xuất hiện những chữ viết tay: hạn sử dụng, mã số lô mà thông thường các công ty giống phải in số. Trong khi cả một kho hàng khoảng 40 tấn lúa giống, trên vỏ bao đều xuất hiện những ký hiệu như vậy. Theo hai đơn vị này, họ đã mua và tự trồng lúa giống rồi sau đó đem sấy và đóng bao để bán cho bà con nông dân, hạt giống lúa không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ không đầy đủ,…trong khi trên bao bì lại ghi giống xác nhận cấp 1.
Tiếp tục kiểm tra tại DNTN Tâm Thoa ở ấp 4 Mỹ Đông II, xã Mỹ Quý, huyện Cao Lãnh, đoàn đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, như: giả bao bì của một số đơn vị khác, hạt giống lúa không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ không đầy đủ,… với số lượng đã đóng bao lên đến gần 30 tấn. Đoàn đã lập biên bản những dấu hiệu vi phạm và lấy mẫu về kiểm tra.
Nguyên liệu đã đóng bao được kiểm tra. Ảnh: IT.
Theo ghi nhận của PV, những cơ sở này đã hoạt động ở đây nhiều năm, thậm chí còn có cả máy để đóng bao, rồi vận chuyển đi tiêu thụ rất chuyên nghiệp. Khi đoàn kiểm tra, chủ doanh nghiệp hầu như không lý giải được thỏa đáng tại sao lại có những ký hiệu lạ như vậy và không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc thật của những bao lúa giống này.
Nông dân lãnh đủ
Với diện tích đất lúa hơn 1,6 triệu hecta, sản xuất 3 vụ/năm nên nhu cầu lúa giống ở ĐBSCL là rất lớn. Theo thống kê, lượng lúa giống do các doanh nghiệp, đơn vị làm ra chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, còn lại nông dân tự để giống, trao đổi, mua bán trôi nổi rất khó kiểm soát.
Đơn cử như tại Đồng Tháp, bình quân mỗi năm cần 70.000 tấn giống/3 vụ, riêng vụ ĐX cần hơn 20.000 tấn giống để gieo sạ. Trong khi đó các DN trong tỉnh chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trên 50% nhu cầu giống xác nhận cho cánh đồng lớn được kiểm soát. Số lượng giống còn lại nông dân tự làm hoặc mua nguồn giống trôi nổi kém chất lượng nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Nhiều nông dân đã lãnh đủ khi mua phải lúa giống kém chất lượng.
Thực tế, ngay tại xã Gáo Giồng, năm 2017, nông dân đã phải đứng ngồi không yên vì chọn mua nhầm giống lúa kém chất lượng. Và không biết trong số lúa giống ấy có của hai đại lý Văn Tấn, Thật Hiền vừa bị phát hiện sai phạm hay không nhưng người dân cho biết, sau một thời gian gieo sạ, lúa chín không đều.
Trước hiện tượng trên, Phòng NNPTNT huyện Cao Lãnh đã cử cán bộ xuống ghi nhận hiện trạng và yêu cầu công ty sản xuất lúa giống cũng như đại lý bồi thường. Tuy nhiên, với mức đền bù là 50.000 đồng/tấn lúa thu hoạch, bà con nông dân vẫn chưa thấy thỏa đáng.
Ông Ngô Hữu Phát, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát làm việc với cơ quan điều tra. Ảnh do Công an Cần Thơ cung cấp.
Mới đây, ngày 6.3.2018, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Cần Thơ phối hợp với các ban, ngành của huyện Cờ Đỏ tiến hành kiểm tra Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát, trụ sở tại ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ và lò sấy lúa Ngô Hữu Phát thuộc công ty này đặt tại khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở đang sơ chế bán lúa giống giả của nhiều thương hiệu; đồng thời cũng không có giấy phép bán lúa giống.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này có hành vi sản xuất lúa giống giả nhãn mác các loại như: Đài Thơm 8, OM 5451, Nàng Hoa 9 và RVT-ST. Lực lượng chức năng đã thu 58,25 tấn lúa giống mang các nhãn hiệu trên. Lực lượng công an còn phát hiện và thu giữ hơn 9.000 bao bì in đầy đủ nhãn mác của các công ty sản xuất lúa giống trong nước. Ngoài ra, còn có 800 tấn lúa nguyên liệu đang chờ đóng gói của các hãng sản xuất lúa giống khác.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Hữu Phát, chủ doanh nghiệp thừa nhận ông mua lúa ở ngoài thị trường với giá 6.000-6.500 đồng/kg, sau đó sơ chế, đóng bao bì mang các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường để bán cho nông dân với giá từ 13.000-15.000 đồng/kg để thu lợi.
Để tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng trên, theo TS.Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để hạn chế tình trạng giống lúa chất lượng thấp như hiện nay, các tỉnh cần chỉ đạo ngành nông nghiệp, nhất là trung tâm giống của các địa phương phối hợp chặt chẽ với viện để nhân giống cung cấp ra thị trường. Có như vậy tình trạng lúa giống chất lượng thấp trên thị trường mới giảm, bà con nông dân yên tâm sản xuất cũng như bảo đảm chất lượng gạo cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.