Phản đòn, Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ tố Lê Hoàng Diệp Thảo tự làm "hồ sơ giả" -PV (tổng hợp)
Động thái này diễn ra sau khi bà Thảo đề nghị Tòa án tỉnh Bình Dương chuyển toàn bộ hồ sơ giả mạo sang cơ quan công an để điều tra làm rõ, đồng thời đề nghị Tòa án hủy bỏ các quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà tại Trung Nguyên IC.
Ngày 3/7 vừa qua, TAND tỉnh Bình Dương đã mở phiên họp xem xét yêu cầu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo về việc hủy quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà khỏi vị trí là người đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên Instant Coffee - Trung Nguyên IC).
Trước khi phiên xử diễn ra, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã công bố các kết luận của Viện Khoa học Hình sự ngày 30/1/2019 và ngày 24/5/2019, trong đó kết luận các tài liệu đã bị cắt ghép. Dựa trên các kết luận này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng, các giấy tờ mà đại diện theo ủy quyền của Trung Nguyên IC và Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương cung cấp cho Tòa án Bình Dương đã có dấu hiệu cắt ghép, sửa chữa so với bản gốc để lập ra Giấy đăng ký kinh doanh lần 8 trái pháp luật, cướp tài sản của bà tại Trung Nguyên IC.
Vì vậy, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đề nghị Tòa án tỉnh Bình Dương chuyển toàn bộ hồ sơ giả mạo sang cơ quan công an để điều tra làm rõ việc giả mạo theo quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị Tòa án hủy bỏ các quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà tại Trung Nguyên IC và khôi phục lại giấy đăng ký kinh doanh lần 7 mà bà là người đại diện theo pháp luật tại công ty này.
Vụ kiện tranh chấp về quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trung Nguyên phản pháo, tố Lê Hoàng Diệp Thảo “vu cáo”
Trong thông cáo báo chí được Trung Nguyên Legend phát đi ngày 11/07, tập đoàn này cho biết vào ngày 30/06/2019 đã nhận được đơn khiếu nại của bà Lê Hoàng Diệp Thảo về việc khiếu nại công văn số 56/TA-KT ngày 28/6/2019 của TAND tỉnh Bình Dương về việc trả lời đơn kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bình Dương về hành vi Công ty Trung Nguyên làm giả tài liệu, con dấu.
Nội dung thông cáo báo chí dài 5 trang được phát đi dành phần lớn để tố cáo bà Lê Hoàng Diệp Thảo có hành vi "vu khống", "bịa đặt thông tin sai sự thật" về việc Công ty Trung Nguyên giả mạo hồ sơ, tài liệu.
Phía Trung Nguyên khẳng định: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo chính là người cung cấp hồ sơ, tài liệu có dấu vết cắt ghép. Theo Trung Nguyên, tài liệu có dấu vết cắt ghép (ký hiệu A3-2) là tài liệu do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cung cấp cho Tòa án và tài liệu này do chính bà Lê Hoàng Diệp Thảo cung cấp cho Phòng Đăng ký kinh doanh / Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương.
"Một điều đặc biệt vô lý là tài liệu có dấu vết cắt ghép (ký hiệu A3-2) do chính bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp cho Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương, thì chính bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại yêu cầu cơ quan chức năng giám định chính tài liệu của mình, động cơ xấu này của bà Lê Hoàng Diệp Thảo là nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, chiếm giữ trái phép chi nhánh Công ty cổ phần Hòa Tan Trung Nguyên tại Bắc Giang (nhà máy Bắc Giang) để hưởng lợi càng lâu càng tốt. Điều này thực sự đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp của Trung Nguyên" phía Tập đoàn Trung Nguyên phản pháo.
Trung Nguyên khẳng định bà Thảo chính là người cung cấp hồ sơ cho Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, thông cáo báo chí ngày 11/07 của tập đoàn Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ 1 lần nữa khẳng định bà Lê Hoàng Diệp Thảo không phải là người sáng lập tập đoàn, đồng thời tố bà Thảo "liên tục mạo danh, thường xuyên mạo nhận là người đồng sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên". Người sáng lập Trung Nguyên là cha mẹ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Bên cạnh đó, phía Trung Nguyên cũng tố bà Thảo "Vu khống và luôn rêu rao, bịa đặt thông tin sai sự thật về việc yêu cầu tuyên bố ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất năng lực hành vi dân sự để âm mưu chiếm đoạt bằng được Tập đoàn Trung Nguyên".
Sắp xét xử vụ bà Lê Hoàng Diệp Thảo giả mạo chữ ký ông Đặng Lê Nguyên Vũ để chiếm đoạt Công ty Trung Nguyen Singapore
Đặc biệt, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn khẳng định hành vi mang tính chất vu cáo, giả mạo tài liệu của bà Thảo không chỉ có 1 lần, mà còn thực hiện ở vụ "chuyển nhượng bất hợp pháp và chiếm đoạt công ty Trung Nguyên Singapore".
Trong vụ việc này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã giả mạo chữ ký của Nhà sáng lập - Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với giá 1 SGD.
Vụ án đã được tòa án tối cao Singapore thụ lý giải quyết trên cơ sở kết luận giám định chữ ký giả mạo ngày 7/4/2016 của Cơ quan giám định Singapore. Hiện tại, phía Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho hay, tòa án Singapore đã có thông báo về việc đưa ra xét xử vào ngày 24 và 30/7/2019.
Góc Cà phê Trung Nguyên tại Marina Sands, một tổ hợp khu kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp casino, tọa lạc bên bờ vịnh Marina của Singapore.
Trước đó, Toà án Tối cáo Singapore đã kết luận do vụ kiện có quá nhiều tình tiết liên quan tới Việt Nam, cả nguyên đơn và bị đơn (trừ một bị đơn tên Tuyết được cho là thường trú nhân Singapore) đều là người Việt Nam.
Ngoài ra, tại Việt Nam giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đang diễn ra rất nhiều tranh chấp, kiện tụng bao gồm cả thủ tục ly hôn giữa hai người. Nếu phía Singapore tiếp tục xử lý vụ án, nhiều khả năng sẽ xảy ra mẫu thuẫn với quá trình thu thập chứng cứ, điều tra và kết luận đang diễn ra tại Việt Nam.
Tuy nhiên do một trong hai bị đơn là một công ty Singapore (Công ty TNHH Trung Nguyen International) và luật pháp Việt Nam sẽ không có thẩm quyền với công ty này nên Toà án tối cáo Singapore quyết định sẽ bảo lưu hồ sơ vụ kiện. Tranh chấp sẽ được toà xử lại phụ thuộc vào kết quả tố tụng tại tòa Việt Nam liên quan tới nguyên đơn - là ông Vũ và bất kỳ bị đơn nào trong đơn kiện kể trên, gồm cả bà Thảo.
Cuối cùng, để hỗ trợ các thủ tục tố tụng tại Việt Nam và bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn tại Trung Nguyen International, Toà án tối cáo Singapore đã ban bố lệnh hạn chế bà Thảo xử lý, giao dịch số cổ phần đang nắm giữ tại Trung Nguyen International cho tới khi có kết quả tố tụng tại Việt Nam.
Diễn biến tranh chấp cổ phần do bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm giữ tại Trung Nguyên International Theo văn bản của Tòa án Tối cao Singapore, ngày 26/11/2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên đệ trình đơn kiện lên tòa án, tố cáo bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã chuyển giao trái phép và gian lận số lượng 7.520.800 cổ phiếu của ông Vũ. Ngày 29/3/2016, trong văn bản bổ sung, ông Vũ cho biết sai phạm trên của bà Thảo đã gây nhiều thiệt hại phát sinh cho nguyên đơn và các bên liên quan. Tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ cho rằng giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu này là phi pháp. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 8/7 đến ngày 10/7, chữ ký của ông Vũ trên giao dịch cổ phiếu đã bị giả mạo bởi một trong (hoặc cả) ba người liên quan, gồm có bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đơn kiện tố cáo rằng ngày 8/7/2015, bà Thảo đã gửi một đơn chuyển nhượng cổ phần để trống từ Singapore về Việt Nam cho bị đơn khác, là Lê Thị Cẩm Tú, rồi nhờ bị đơn này đóng dấu bằng con dấu của ông Vũ mà không được phép. Sau đó Tú đã chuyển mẫu đơn đã đóng dấu về Singapore cho bà Thảo. Bà này sau đó dùng mẫu đơn để thực hiện giao dịch cổ phần dưới danh nghĩa người mua, có sự làm chứng của Đoàn Thị Ánh Tuyết, một công dân Singapore. Tuy nhiên, chính bà Tuyết cũng thừa nhận không đích thân nhìn thấy ông Vũ ký vào mẫu đơn chuyển nhượng. Bên cạnh việc tố giao dịch cổ phiếu bất hợp pháp, ông Vũ cũng tố cáo bà Thảo vi phạm hợp đồng kinh doanh giữa hai bên trong lĩnh vực cà phê, gây ra nhiều thiệt hại cho ông và những bên liên quan. Đồng thời, ông Vũ còn cho rằng bà Thảo đã trộm con dấu của của ông Vũ, Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty con, công ty liên kết (15 con dấu) và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 16/10/2015. Ông cáo buộc bà Thảo sử dụng sai những con dấu bị đánh cắp này, để bổ nhiệm mình làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của Tập đoàn Trung Nguyên và Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, một cổ đông nắm 70% cổ phần của Tập đoàn Trung Nguyên. Đồng thời bà Thảo đã sử dụng con dấu của Cà phê hòa tan Trung Nguyên để phá vỡ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này, bằng cách đóng cửa hai nhà máy từ ngày 9/11/2015 đến ngày 12/11/2015 và vào tháng 3/2016, cấm nhân viên chủ chốt vào nhà máy và cản trở việc giao hàng. Ông Vũ yêu cầu được bồi thường, bao gồm giá trị cổ phần đã được giao dịch, số tiền chuyển sai sang cho Công ty TNHH Trung Nguyen International (Singapore) và số tiền mà họ có thể yêu cầu hoàn thuế. Ông cũng đề nghị bồi hoàn cho những thiệt hại liên quan đến sản xuất kinh doanh gây ra bởi những sai phạm mà ông cáo buộc bà Thảo. Được biết, cổ phần trên của Tập đoàn Trung Nguyên và cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ ban đầu được nắm giữ bởi bà Thảo, khi Trung Nguyen Internatioanl (Singapore) mới được thành lập vào năm 2008. Sau đó, theo Trung Nguyên và ông Vũ, vào ngày 11/1/2011, bà Thảo đã chuyển nhượng số cổ phần bà Thảo đang nắm giữ cho ông Vũ, với giá 372.000 USD. Việc chuyển giao cổ phần được hoàn thành vào ngày 23/1/2013, với kết quả là nguyên đơn nắm giữ 520.800 cổ phần phổ thông. Vào tháng 8/2014, tổng lượng cổ phần của doanh nghiệp tăng lên 7.520.800 cổ phần, với ông Đặng Lê Nguyên Vũ là cổ đông duy nhất. Xung quanh tranh chấp tại Trung Nguyên International Singapore (TNI). Một bên là ông Vũ cáo buộc vợ mình và người liên quan "giả chữ ký" để thực hiện giao dịch chuyển nhượng cổ phần. Một bên là bà Thảo khẳng định bà là người duy nhất điều hành công ty từ khi thành lập, hà cớ gì phải gian lận và giả mạo nhằm lấy chút tài sản nho nhỏ mà lại là của chính mình? |
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.