Phạm Văn Long, Giám đốc Lolifood: Thúc đẩy xu hướng tiêu dùng thực phẩm tốt cho sức khỏe
Tìm hướng đi mới để hóa giải thách thức
Miệt mài ghi lại những chia sẻ của diễn giả tại một hội thảo về khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức tại TP.HCM, chốc chốc, Nguyễn Phương Liên lại quay sang thảo luận với chồng về những ý tưởng cải tiến cho “đứa con tinh thần” Lolifood, chuyên sản xuất sản phẩm ngũ cốc.
Vợ chồng chị đi chuyến bay từ Nghệ An vào TP.HCM không chỉ để tham dự hội thảo này, mà còn để gặp gỡ đối tác cung cấp nguyên liệu cho dòng sản phẩm mới của Công ty.
Ngũ cốc là thực phẩm dễ chế biến, có dinh dưỡng cao, giúp giải phóng chậm glucose, cung cấp năng lượng cho hoạt động chính của tế bào não. Người tiêu dùng trên thế giới cũng như ở Việt Nam ngày càng có xu hướng chọn bổ sung đạm, protein từ thực vật thay cho đạm động vật, mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất ngũ cốc.
Lolifood là tên ghép lại từ Long và Liên. Tôi và vợ luôn cùng nhau giải quyết những vấn đề của Công ty.
- Phạm Văn Long, Giám đốc Lolifood
Thành lập cuối năm 2018, Lolifood đối mặt với thách thức cạnh tranh lớn khi trên thị trường đã có rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Đó là lý do Lolifood hợp tác với Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (VietNipa) để tạo ra những dòng sản phẩm khác biệt thông qua việc sử dụng đường ăn kiêng mật dừa nước làm nguyên liệu sản xuất.
“Mật dừa nước có chỉ số đường huyết thấp, lại giàu khoáng, chất chống oxy hóa và vitamin C, nhưng chưa có nhà sản xuất nào sử dụng đường ăn kiêng, nhất là đường ăn kiêng mật dừa nước để sản xuất ngũ cốc. Chúng tôi lựa chọn hướng đi này và bắt đầu đưa sản phẩm mới ra thị trường từ đầu tháng 4/2022”, Long hồ hởi chia sẻ.
Sản phẩm chính của Lolifood gồm ngũ cốc lợi sữa, ngũ cốc cho mẹ bầu, cho người ăn kiêng, cần tăng cân hoặc tập thể thao…, có thành phần dinh dưỡng cao, sử dụng nguyên liệu là quả óc chó, hạt chia (nhập khẩu) kết hợp với các hạt quen thuộc như đậu xanh, đậu đỏ, mè đen... Các loại đậu được ủ lên mầm trước khi đưa vào sản xuất, giúp giải phóng các chất ức chế enzyme gây khó tiêu hóa trong vỏ hạt.
Đặc biệt, tất cả các loại hạt này đều đạt tiêu chí “4 không”: không biến đổi gen, không dùng chất kích thích tăng trưởng, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng chất bảo quản.
Nhằm từng bước chủ động nguồn nguyên liệu, Long quyết định hợp tác với nông dân ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) để phát triển cánh đồng liên kết trồng các loại đậu. Còn tại quê hương (xã Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An), Long xây dựng nhà xưởng 600 m2 trên khu đất 1.500 m2, sử dụng công nhân làm việc toàn thời gian.
Doanh thu của Lolifood tăng trưởng đều đặn 50%/năm. Các sản phẩm của Lolifood đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2019 và đạt 3 sao.
Hành trình khởi nghiệp trên quê hương
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Phạm Văn Long (sinh năm 1991), trở thành kỹ sư công nghệ kỹ thuật ô tô và từng làm việc tại Panasonic Việt Nam. Công việc có thu nhập tốt, nhưng Long luôn mong muốn trở về quê hương khởi nghiệp.
Dự án đầu tiên của Long là mở trại chăn nuôi tại Nghệ An, kết hợp bán các loại cám chăn nuôi. Năm 2017, giá thịt lợn liên tục lao dốc, Long buộc phải dừng dự án, quay trở lại công việc như thời mới ra trường “trụ” lại ở Hà Nội là bán nem chua Thanh Hóa và giò bê Nghệ An để duy trì cuộc sống.
Cũng trong giai đoạn đó, chứng kiến vợ dành nhiều thời gian để lựa chọn thực phẩm ngũ cốc trong vô số sản phẩm đang có mặt trên thị trường, Long nảy ra ý tưởng kinh doanh các sản phẩm ngũ cốc tốt cho sức khỏe, do mình tự sản xuất và quyết định khởi nghiệp lần thứ hai.
Cuối năm 2017, Long bắt đầu nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và đưa ra thị trường để kiểm tra phản hồi và đánh giá nhu cầu của người tiêu dùng.
Ban đầu, khách hàng chủ yếu là người quen. Khi thấy sản phẩm chất lượng, họ tiếp tục giới thiệu tới bạn bè... Lolifood dần dần chinh phục và mở rộng tệp khách hàng.
Sau 1 năm thử nghiệm, thay đổi công thức, vợ chồng Long Liên quyết định thành lập công ty để tập trung sản xuất bài bản và quy mô hơn. Lolifood còn hợp tác với chuyên gia Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Trung ương Quân độ 108 để có thêm những điều chỉnh trong quá trình sản xuất.
Nói về đam mê công việc của chồng mình, Phương Liên chia sẻ: “Anh Long miệt mài tìm tòi, nghiên cứu mỗi ngày, nhiều đêm không ngủ để tìm ra cách cải tiến sản phẩm”.
Hiện nay, thị trường chủ yếu của Lolifood là Hà Nội và TP.HCM. Long kỳ vọng trong năm nay có thể mở kho hàng tại 2 thành phố này nhằm rút ngắn thời gian giao hàng cho khách. Anh cùng với người bạn đời, người đồng hành trong công việc không ngừng trăn trở tìm hướng đi mới để đưa Lolifood bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Họ đang tìm kiếm nhân sự có chuyên môn trong mảng tiếp thị, bán hàng - lĩnh vực không phải là thế mạnh của cả hai vợ chồng.
“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay không phải là vốn, mà là thiếu người đồng hành”, Long chia sẻ.
Theo Hồng Phúc - Báo Đầu Tư
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.