Nhưng ngày 7.6, ông Dương đã về nước sớm hơn dự kiến. Đại diện Sở Y tế Hoà Bình cũng cho hay, ông Trương Quý Dương đã nghỉ hưu nên việc ông đi đâu, làm gì không thuộc sự quản lý của đơn vị này. Sau khi ông Dương nghỉ hưu, chính quyền địa phương là nơi sẽ quản lý.
Nói về việc ông Trương Quý Dương về nước, luật sư Nguyễn Văn Chiến, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, cho biết: Hội đồng xét xử đã khi trả hồ sơ cho Viện KSND TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình đã kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn trong việc ký kết thực hiện hợp đồng liên doanh liên kết mua bán máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị vật tư y tế; Căn cứ để thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy chạy thận nhân tạo; có hay không thỏa thuận khác giữa hai bên trong thực hiện này. Làm rõ trách nhiệm đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước phát sinh từ các hợp đồng liên kết giữa Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn và BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Vai trò của ông Trương Quý Dương trong vụ tai biến chạy thận được dư luận quan tâm. Việc ông Dương về nước chắc chắn là để thực hiện theo yêu cầu trả hồ sơ này. Quá trình điều tra bổ sung sẽ phải đòi hỏi không những ông Dương mà tất cả những người liên quan để làm rõ bản chất sự việc, xem vấn đề thực chất của nó là như thế nào, có sai phạm hay không, từ đấy sẽ có hướng xử lý theo quy định của pháp luật.
"Có thông tin ông Dương sức khỏe đang rất yếu, phải chăng cứ dính đến điều tra là cáo bệnh?", luật sư Chiến đặt câu hỏi nghi vấn.
Luật sư Chiến cho biết thêm: Việc chứng minh tình trạng sức khoẻ của ông Dương là trách nhiệm của cơ quan cảnh sát điều tra. Họ phải xác định, nếu người ta đủ sức khỏe thì thực hiện việc điều tra, nếu không thì sẽ phải chờ đợi người ta hồi phục sức khỏe để tiến hành làm việc. Như thế bảo đảm tính khách quan cũng như những nội dung người ta cung cấp phải thực sự minh mẫn tỉnh táo và người ta nhận thức đầy đủ. Như vậy ý kiến của người ta mới có giá trị.
Trong suốt quá trình diễn ra phiên sơ thẩm, rất nhiều lần cái tên Trương Quý Dương được nhắc tới. Trong sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân chết, cần xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác, trong đó BV đa khoa tỉnh Hoà Bình phải có trách nhiệm lớn nhất vì đã không ban hành quy trình bảo dưỡng, vận hành máy lọc nước RO. Đây là trách nhiệm rất lớn mà bệnh viện phải nhận. Cần điều tra xác định trách nhiệm của những cá nhân về quản lý bảo dưỡng sửa chữa, đương nhiên người đứng đầu là ông Trương Quý Dương.
Trong suốt những ngày xét xử vừa qua, ông Dương được cho là “mắt xích” quan trọng để làm sáng tỏ các uẩn khúc vụ án đã vắng mặt gây khó khăn trong quá trình xét xử.
Tại phiên tòa, các luật sư liên tục đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập và đặt câu hỏi đối với những người này hoặc người đại diện nhưng vì lý do khác nhau họ đều không có mặt khi cần.