Ông Phạm Văn Tam nói gì về quyết định dừng hoạt động Asanzo?
Ngày 30/8/2019 là thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải có kết luận thanh tra về cáo buộc gian lận xuất xứ sản phẩm của Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Asanzo.
Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan chức năng có chuyên môn vẫn chưa đưa ra kết luận thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Điều này khiến Asanzo chưa thể thoát khỏi thời gian khủng hoảng rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính lẫn tinh thần.
Đại diện tập đoàn Asanzo thông tin, sau hơn 2 tháng từ ngày báo Tuổi trẻ đăng bài đầu tiên phản ánh vi phạm, mỗi ngày cty phải chi ra ít nhất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động.
Cty Asanzo của ông Phạm Văn Tam đã phải đóng cửa sau hơn 2 tháng "cầm cự" chờ kết luận thanh tra.
“Trong hoàn cảnh chưa có kết luận thanh tra, chúng tôi bất đắc dĩ phải thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng.” thông cáo của Asanzo.
Trao đổi với Dân Việt về nội dung trên, ông Phạm Văn Tam, chủ tịch HĐQT tập đoàn Asanzo, cho biết việc các cơ quan ban ngành chậm ra kết luận là thiếu trách nhiệm và “ép” chết doanh nghiệp (DN).
“Trong thời gian vừa qua, chúng tôi phải tiếp đến 5 bộ chưa kể các đơn vị cơ sở, chắc trong lịch sử chưa có doanh nghiệp nào có nhiều đơn vị chức năng đến kiểm tra như vậy. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng làm việc, các cơ quan chức năng vẫn cứ yêu cầu bổ sung hồ sơ mãi chưa có kết luận.
Tòa án cứ lấy căn cứ của một bên khác nói mình vi phạm, phía công an, hải quan cũng chờ kết luận của tòa. Nếu các bên cùng kết luận là cty Asanzo vi phạm thì tôi chấp nhận nhưng ở đây là sự chồng chéo không thống nhất giữa các cơ quan, sau đó, lại bắt doanh nghiệp phải tự thanh minh.” CEO Phạm Văn Tam bức xúc.
Cũng theo ông Phạm Văn Tam, việc các cơ quan chậm ra kết luận thanh tra và không nhanh chóng tìm giải pháp hỗ trợ khiến doanh nghiệp điêu đứng và việc đóng cửa là khó tránh khỏi.
“Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo ngày 30/8 có kết luận thanh tra, nhưng đến nay, các cơ quan ban ngành vẫn yêu cầu bổ sung giấy tờ mà không có kết quả. Doanh nghiệp đã hơn 2 tháng nay không làm ăn được gì, chắc chắn chúng tôi không thể đợi được nữa, buộc phải đóng cửa để tránh thiệt hại quá lớn.
Theo tôi, vấn đề ở đây không phức tạp, tại sao không làm một cái công văn sang đơn vị cơ quan chức năng có chuyên môn để đánh giá xem Asanzo có vi phạm không, được cấp phép chưa? Nếu có chồng chéo nhau thì ngồi lại tìm hướng giải pháp cho người ta, đằng này cứ bắt DN hết chứng minh cái nọ sang cái kia.” Ông Tam nói.
CEO của tập đoàn Asanzo cũng cho biết thêm, hiện tại, công ty đang rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, vừa thiệt hại kinh tế, vừa mất uy tín, dù có kết luận có lợi thì doanh nghiệp cũng khó có thể trở lại thời kỳ “hoàng kim”.
“Hiện giờ tôi chỉ mong sớm có kết luận dù tốt hay xấu doanh nghiệp cũng chấp nhận, nếu sai chúng tôi chịu trách nhiệm nhưng để làm lại được như ban đầu chắc chắn không dễ vì doanh nghiệp đã thiệt hại quá lớn. Bây giờ một cái hóa đơn tiền điện có 2 - 3 triệu người ta cũng đòi gấp vì sợ chúng tôi vỡ nợ” CEO Phạm Văn Tam buồn bã chia sẻ.
Mới đây, tổ công tác của VCCI đã có buổi làm việc với đại diện tập đoàn Asanzo của ông Phạm Văn Tam. Theo đó, VCCI khẳng định, Asanzo không vi phạm các quy định của pháp luật về thông tin xuất xứ trên nhãn hàng.
Cụ thể, theo VCCI, hiện nay, pháp luật về xuất xứ hàng hóa (như Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018) hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết (như FTA ASEAN-Trung Quốc) chỉ có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, không có quy định về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước như trường hợp của Công ty Asanzo.
“Theo quy định hiện hành, nếu Việt Nam là nơi thực hiện hoạt động lắp ráp các linh kiện nhập khẩu thành hàng điện tử thành phẩm thì sẽ là nước sản xuất ra hàng hóa này. Việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật.” VCCI khẳng định.
Tuy nhiên, kết luận của VCCI cũng không thể thay thế cho kết luận thanh tra của các cơ quan chức năng. Chính vì thế, Asanzo của ông Phạm Văn Tam “bất đắc dĩ phải thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng.”
LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO thông tin thêm: “Về vấn đề nhãn hàng, vì chúng ta đã có quy định yêu cầu bắt buộc phải ghi ở nghị định 43 nên theo tôi, nếu có xảy ra tranh chấp, chỉ trong 15 phút có đánh giá sơ bộ, sau 3 ngày phải trả lời dứt khoát có vi phạm hay không. Ở đây, tôi thấy vấn đề là lỗ hổng của pháp luật gây ra tình trạng xập xí xập ngầu, làm ngơ, vô trách nhiệm làm giết chết không chỉ một mà hàng nghìn doanh nghiệp”.
Trước đó, ông Phạm Văn Tam đã viết tâm thư gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cơ quan chức năng chậm trễ đưa ra kết luận thanh tra sản phẩm thương hiệu Asanzo khiến doanh nghiệp lâm vào bước đường cùng. Nếu ngày 30/8/2019 vẫn chưa có kết luận, Asanzo phải xem xét vấn đề tuyên bố phá sản.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.