NSND Thu Hiền, nhạc sĩ Quang Long tiếc thương sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý -Huy Hoàng
Chia sẻ với Dân Việt, NSND Thu Hiền cho biết, từ sáng, bà đã nhận không biết bao nhiêu cuộc điện thoại của phóng viên hỏi về cảm xúc khi hay tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất. Theo NSND Thu Hiền khi hay tin nhạc sĩ mất, bà đã rất buồn, cảm thấy xót xa khi lại có thêm một nhạc sĩ tài hoa của làng nhạc Việt Nam ra đi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được chụp tại nhà riêng của ông
Nhớ lại những kỷ niệm khi hát các bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, NSND Thu Hiền kể, bài hát đầu tiên bà hát là ca khúc “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”. Bài hát này NSND Thu Hiền không phải là người hát đầu tiên, mà trước đó đã có ca sĩ Hương Loan hát, nhưng bà là người đã truyền tải tình cảm và thành công trong số những ca sĩ hát bài hát này.
“Ngày đó tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam gọi lên thu ca khúc “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, tôi cảm thấy vinh dự và vui mừng lắm. Khi lên đến nơi tôi được biết nhạc sĩ cũng đang ngồi ở phòng thu và chờ ca sĩ đến hát xem có hát được bài của ông hay không.
Tôi bước vào, nhạc sĩ nói luôn, bác đến nghe cháu hát, vì trước cháu đã có một ca sĩ hát rồi, nhưng những âm sắc, nét văn hoá của người Nghệ Tĩnh, tình cảm của bác khi sáng tác ca khúc thì cô ca sĩ chưa truyền tải được. Dù Đài Tiếng nói đã chọn cháu, nhưng tác giả chọn ca sĩ hát còn quan trọng hơn. Vì vậy hôm nay lên đây, bác muốn xem cháu hát thế nào. Cháu đã nghe và cảm nhận về bài hát này chưa?
Tôi trả lời nhạc sĩ, cháu đã nghe và cháu thấy bài hát này hay lắm. Nhạc sĩ liền bảo, vậy bây giờ cháu hát cho bác nghe.
Nghe bác Nguyễn Văn Tý nói vậy, tôi liền hát mấy câu đầu của bài hát, chưa hát hết, bác đã xua tay và gật đầu bảo, hát như vậy là được, là tốt rồi.
NSND Thu Hiền
Sau đó nhạc sĩ dạy tôi cách hát và khi thu xong, bác hỏi tôi, tại sao cháu có thể hát được những câu địa phương của người Hà Tĩnh chuẩn xác như thế?
Tôi trả lời nhạc sĩ: Năm cháu 15 tuổi, cháu đã sống 1 năm ở đó, cho nên cháu hiểu văn hoá, hiểu người Hà Tĩnh và cháu rất yêu mảnh đất này. Khi nhận được lời mời của Đài Tiếng nói lên thu âm bài hát này, đó là vinh dự với cháu. Khi lên đến đây cháu lại được biết tác giả đến để nghe và chọn cháu hát nữa thì đó lại là niềm vui, hạnh phúc lớn hơn nữa với cháu.
Kỷ niệm thứ hai mà tôi cũng không quên được với nhạc sĩ là khi hát ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, tôi và ca sĩ Kiều Hưng là người hát đầu tiên ca khúc này. Chúng tôi đã đi bộ đến thị xã Hà Tĩnh và đứng dưới trời mưa gió để hát ngay trên công trường thuỷ lợi của Kẻ Gỗ.
Với tôi, khi hát các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, điều quan trọng nhất của người hát là truyền tải được tình cảm của tác giả qua ca khúc. Là hát bằng cả tấm lòng, cảm xúc để khán giả khi nghe sẽ không chỉ nhớ tới người hát mà còn nhớ bài hát, nhớ tới tác giả của ca khúc đó”.
Với NSND Thu Hiền thật thà bảo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một nhạc sĩ tài hoa, bất cứ nơi nào có sáng tác của ông cũng đều cảm thấy là vinh dự và hạnh phúc. Sự tài hoa trong sáng tác của ông không phải ai cũng làm được, từ những vấn đề đơn giản trong cuộc sống hàng ngày như về người nông dân, chăn nuôi, về tín dụng ngân hàng, thậm chí cụ thể như lợn béo, phân gio… ông cũng rất tài tình đưa vào ca khúc của mình. Những bài hát đó giai điệu vẫn rất hay, thấm đẫm tình người, sự nhân văn và đời sống.
Nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Quang Long, nhà báo Đỗ Huyền đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Nhạc sĩ Quang Long thì cho hay anh cảm thấy rất buồn và tiếc vì đã không kịp thăm một lần nữa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Theo nhạc sĩ Quang Long, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là người có tên tuổi của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ 20, cha đẻ của nhiều ca khúc bất hủ: "Mẹ yêu con", "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh", "Dáng đứng Bến Tre", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", "Dư âm"...
Chỉ cần nhìn tên những ca khúc ấy, những giai điệu và lời ca đã bay nhảy và vang lên trong trái tim mỗi chúng ta. Đó là những giai điệu bất tận về tình yêu quê hương đất nước, về những vùng đất, con người, tình yêu của mẹ cha dành cho con cái và tình yêu lứa đôi”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và truyền cảm hứng khiến ta yêu lây những vùng đất mà ông đã đến, cảm nhận và kể lại trong tác phẩm của mình. Khiến ta dù có thể chưa đến mảnh đất ông kể cũng cảm thấy gần gũi và yêu nó đến nhường nào.
"Giống như tôi, đã yêu Hà Tĩnh, Bến Tre từ khi tôi mới tuổi thiếu niên vẫn đang ở cùng gia đình tại Thị xã Bắc Giang (nay là thành phố), trung tâm của tỉnh Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh). Cũng là địa phương được ông kể lại bằng âm nhạc trong ca khúc "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa".
Năm 2015, giới âm nhạc liên tiếp đón nhận tin không vui khi nhiều bậc nhạc sĩ lão thành qua đời, như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân. Đồng thời, nhiều nhạc sĩ lão thành ốm yếu hoặc sống trong cô đơn như nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Cũng vì lý do đó, nhóm chúng tôi, Giáng Son, Mai Tuyết Hoa, nhà báo Đỗ Huyền và tôi đã quyết định từ Hà Nội bay vào TPHCM tới tư gia các nhạc sĩ mới qua đời thắp nén nhang vĩnh biệt những bậc tiền bối tài ba. Đồng thời tranh thủ ghé qua nhà thăm các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Nam và cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Trước khi ra về, tôi và nhóm hứa hẹn với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, dịp sau vào Sài Gòn chúng tôi sẽ lại ghé thăm ông, vậy mà chưa kịp ghé vào thăm ông lần nữa, ông đã ra đi. Thật buồn và xót xa quá”.
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.