Nhiều người nghĩ làm BĐS lời rất nhiều, "đại gia" khó cũng không phải cứu!
Đại gia BĐS: Giá nhà tăng vì thủ tục lâu, đừng nghĩ doanh nghiệp lời nhiều!
Tại tọa đàm Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - cho rằng: Giá căn hộ tại Việt Nam rẻ hơn nước ngoài. Ở Việt Nam, giá trung bình khoảng 1.000 -2.000 USD/m2, trong khi đó với Singapore, giá vào khoảng 15.000 - 20.000 USD/m2. Trong khi đó, cấu thành toà nhà, chi phí vật liệu, chất lượng... gần như nhau.
“Nhiều người nghĩ bất động sản lời rất nhiều, thực tế không phải vậy. Lợi nhuận chỉ vài phần trăm. Nhưng tại sao nhìn các nhà bất động sản lại giàu có thế, vì họ làm rất lớn thôi” - ông Dũng chia sẻ.
Khẳng định giá nhà hiện nay dù không phải đắt đỏ, song ông Dũng cũng thừa nhận giá nhà tăng cao suốt 5 năm qua. Một phần nguyên nhân là do yếu tố pháp lý và chính sách tín dụng của ngân hàng liên tục thay đổi.
“Nhiều người từng nói không cần cứu bất động sản, để “chết” mua nhà cho rẻ”
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản đang gặp những khó khăn hậu Covid-19 và có nhiều điểm giống với thời kỳ 10 năm trước.
Kể lại về thời điểm thị trường bất động sản giai đoạn năm 2009-2010, ông Hà cho biết: Lúc đó rất khó khăn. Chính phủ họp rất nhiều lần để bàn giải pháp. Trước đó cũng có rất nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng bất động sản chỉ là dịch vụ thôi, không cần cứu. Thậm chí có thể để “chết” cho giá nhà xuống, khách hàng có cơ hội mua.
Tuy nhiên, theo ông Hà, sau đó Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ. Đến năm 2013, đã hoàn chỉnh thêm một bước về các luật điều chỉnh thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp cũng rất nỗ lực, tìm mọi cách vượt qua khó khăn.
Bộ TN và MT muốn siết phân lô bán nền, Bộ trưởng Xây dựng lên tiếng
Liên quan đến quy định về phân lô bán nền được đưa ra tại dự thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, điều 194 luật Đất đai 2013; điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (Nghị định 43) quy định mang tính nguyên tắc về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở và giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định chi tiết.
Tuy nhiên, theo quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì hiện nay không còn hình thức thông tư liên tịch giữa 2 bộ. Do vậy, hiện đang thiếu quy định pháp luật đồng bộ để triển khai thực hiện quy định nêu trên.
"Về bản chất, các quy định tại điểm b, khoản 1; khoản 2, điều 41, Nghị định 43 được căn cứ theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và là điều kiện theo pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, phát triển đô thị, nên không cần thiết phải quy định cụ thể tại Nghị định 43, mà chỉ cần dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, phát triển đô thị để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo”, Bộ Xây dựng cho biết.
CEO Coteccons: Kusto sẽ phải chịu trách nhiệm vì bôi nhọ lãnh đạo Coteccons
Ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Coteccons đã chính thức lên tiếng trước những cáo buộc của nhóm cổ đông Kusto.
“Trong bối cảnh Coteccons đã được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 6, chúng tôi khẳng định những cáo buộc vô căn cứ trong thông cáo báo chí của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Sỹ Công cho biết.
Ông Công cho biết, vào ngày 23/04/2020, vẫn với những cáo buộc cũ, Kusto một lần nữa gửi yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường.
"Nghiêm trọng hơn, Kusto tiếp tục đơn phương ra thông cáo báo chí vào ngày 2/06/2020. Bên cạnh đó, với những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự của Ban lãnh đạo Coteccons, Kusto sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này", Tổng giám đốc Coteccons nói.
Đề xuất chủ đầu tư không thu phí bảo trì 2% nhà chung cư: Lo thả gà ra đuổi
Sở Xây dựng TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng, UBND TPHCM báo cáo về tình hình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP trong năm 2019. Theo đó, sở này kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị theo hướng các bên khởi kiện tại tòa.
Về lâu dài, Sở kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu sẽ dựa theo tỉ lệ % mà hội nghị nhà chung cư quyết định.
“Nếu chúng ta bỏ phần phí bảo trì này, đồng nghĩa với việc tạo ra một hành lang pháp lý để rất nhiều chủ đầu tư sẽ trốn tránh trách nhiệm phải nộp và được hưởng lợi từ 2% này, không gắn trách nhiệm của chủ đầu tư và bỏ đi quyền lợi thiết yếu của người mua nhà, đi ngược lại với bản chất của việc bảo trì, bảo dưỡng nhà theo quy định của pháp luật”, Luật sư Bùi Sinh Quyền (Đoàn Luật sư Hà Nội) bình luận.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.