Nhà sáng lập D Home Âu Mạnh Quang: Xây dựng chuỗi homestay “đi đâu cũng là nhà”
“Đi đâu cũng là nhà”
Âu Mạnh Quang (nhà sáng lập Công ty cổ phần Du lịch và dịch vụ D Home) gây ấn tượng với người đối diện bởi nụ cười tươi tắn, phong thái trẻ trung, lạc quan. Chưa đầy 30 tuổi, nhưng Quang đã là chủ của chuỗi homestay D Home, gồm 3 cơ sở tại Sapa, 3 cơ sở tại Đà Lạt và 1 cơ sở sắp khai trương ở Hà Giang.
“Chữ ‘D’ viết tắt của ‘đi’, còn ‘home’ trong tiếng Anh có nghĩa là ‘nhà’. Chúng tôi mong muốn mang đến cho khách hàng một không gian gần gũi, để họ đến bất cứ cơ sở nào của D Home cũng như đang trở về nhà”, Quang chia sẻ.
So với các thương hiệu homestay đã và đang tồn tại trên thị trường, D Home không quá khác biệt. Nhưng ngay từ khi khai trưởng cơ sở đầu tiên vào đầu năm 2022, nhà sáng lập trẻ xác định sẽ tập trung chăm chút, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đáp ứng những nhu cầu mà “khách hàng không biết họ sẽ cần”.
Ví dụ, trong khi nhiều homestay tập trung vào việc trang trí để du khách “check-in”, “sống ảo”, thì D Home đề cao sự thoải mái, tiện nghi và nhu cầu thực sự của khách. Tại mỗi cơ sở, D Home luôn đặt sẵn trứng trong tủ lạnh để khách ăn nếu đói, trang bị sẵn bình lọc nước và chai thủy tinh để khách dùng, có một hộp thuốc riêng cho những bệnh thông thường như đau bụng, sốt…
Không chỉ cung cấp chỗ ở, D Home còn tạo ra những trải nghiệm đặc biệt. Ở mỗi địa phương, D Home liên kết với các đơn vị để tổ chức tour khám phá văn hóa địa phương, lớp học nấu ăn với nguyên liệu đặc trưng vùng miền và những buổi giao lưu với người dân bản địa. “D Home không cố gắng để khác biệt một cách gượng ép, mà tìm cách tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng bằng những phương pháp thông minh hơn, hiệu quả hơn, áp dụng xuyên suốt toàn chuỗi”, Quang khẳng định.
Đặc biệt, D Home rất chú trọng yếu tố công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nhà sáng lập trẻ cho biết, bằng cách sử dụng camera trí tuệ nhân tạo (AI) do một thương hiệu Việt phát triển, chuỗi D Home giúp khách tự động mở cửa homestay và nhận phòng mà không cần đội ngũ tiếp tân. Tuy nhiên, mỗi cơ sở luôn có đội ngũ kỹ thuật viên, sẵn sàng xuất hiện sau 3 - 5 phút để hỗ trợ khách.
Quang tiết lộ, AI được ứng dụng trong tất cả các bộ phận của start-up, từ quản lý đặt phòng, quản lý nhân sự đến quản lý tài chính. Do nguồn ngân sách còn hạn hẹp, nên D Home phải sử dụng công nghệ do bên thứ 3 cung cấp, nhưng về lâu dài sẽ tự phát triển công nghệ của riêng mình. Từ cuối năm 2023, start-up dành riêng một khoản ngân sách để nghiên cứu, phát triển sản phẩm và đến nay đã tự chủ khoảng 30% công nghệ lõi trong ngành lưu trú khách sạn.
Sứ mệnh gắn liền với ngành du lịch
Đam mê du lịch, nên từ năm 18 - 20 tuổi, Quang rong ruổi trên chiếc xe máy, khám phá hầu hết các địa phương ở phía Bắc và một nửa số tỉnh, thành phố ở miền Trung. Quang từng bỏ ngang chuyên ngành tài chính để thi vào Khoa Du lịch (Đại học Quốc gia Hà Nội). Một lần tình cờ xem truyền hình, người hướng dẫn viên trả lời phỏng vấn rằng: “Mỗi hướng dẫn viên là một đại sứ văn hóa, truyền tải văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, Quang rất ấn tượng với câu này và xác định, sứ mệnh của mình là gắn bó với du lịch.
Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Quang đã tham gia một số công việc về du lịch, như làm lễ tân khách sạn, dẫn tour... Nhà sáng lập trẻ khởi nghiệp lần đầu tiên với dự án đại lý du lịch tại Sapa vào năm 2019. Anh dùng số vốn tích lũy để “ôm trước” quỹ phòng khách sạn vào các dịp lễ, Tết, sau đó bán ra để hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, Covid-19 khiến du lịch bị đóng băng. Quang phải trở lại làm thuê vì cạn vốn.
Nhưng, đại dịch cũng mở ra cho Quang một cơ hội mới, để anh bước chân vào thị trường homestay tại Sapa. Quang nói, anh đã ấp ủ kế hoạch mở homestay tại Sapa từ khá lâu, nhưng không thể thực hiện được vì quỹ đất giới hạn. Hơn nữa, không chủ nhà, chủ homestay nào từ bỏ khi thị trường còn nhộn nhịp. Đến lúc đại dịch bùng nổ, Quang quyết định không thể chần chừ thêm nữa.
Dùng nguồn vốn rút ra từ thị trường chứng khoán, Quang làm việc với chủ nhà để thuê cơ sở đầu tiên tại Sapa vào tháng 10/2021. Từng góc trong ngôi nhà đều được Quang cải tạo, chăm chút cẩn thận. Mỗi ngày, Quang tự mình liên hệ với khoảng 40 - 50 nhà cung cấp để chọn đơn vị hợp tác phù hợp. “Tôi xác định từ đầu là sẽ mở chuỗi, nên luôn cố gắng chọn kỹ đối tác. Danh sách nhà cung cấp của tôi đã lên tới 200, sẵn sàng để mở mới bất cứ cơ sở ở đâu”, Quang tự tin.
Tháng 2/2022, cơ sở D Home đầu tiên đi vào hoạt động và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của khách hàng. Trên đà đó, trong năm 2022, Quang mở thêm cơ sở thứ 2 tại Sapa và cơ sở thứ 3 tại Đà Lạt. Năm 2023, số cơ sở tăng lên gấp 3, đạt 6 cơ sở tại Sapa và 3 cơ sở tại Đà Lạt.
Mọi việc tiến triển khá thuận lợi. Quang thừa nhận, bản thân quá tự tin vào triển vọng thị trường, nên không chuẩn bị đủ vốn cho những ngày “giông bão”. Năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều người cắt giảm chi tiêu cho những dịch vụ không thiết yếu, trong đó có du lịch. D Home phải đóng cửa cơ sở đầu tiên tại Sapa. Bước sang đầu năm nay, Quang tiếp tục đóng thêm 2 cơ sở nữa tại thị trường này, dù tại thời điểm đóng cửa, cả 2 cơ sở bắt đầu có doanh thu ổn định.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, cuốn sổ đỏ mượn của bố mẹ để vay vốn kinh doanh vẫn nằm trong ngân hàng, thậm chí khoản lỗ trong năm 2023 lên tới tiền tỷ, nhưng Quang vẫn lạc quan về tương lai. Anh nói, sau quá trình tái cơ cấu, doanh thu của 6 cơ sở D Home trong nửa đầu năm 2024 đạt 3,6 tỷ đồng, trong khi đó, cả năm 2023, doanh thu của 9 cơ sở chỉ đạt 4,3 tỷ đồng. Dù vẫn còn lỗ, nhưng dòng tiền của start-up đã tăng trưởng tích cực. Mỗi tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, D Home dư khoảng 50 - 100 triệu đồng.
Nhà sáng lập đã hoàn thiện toàn bộ quy trình, sẵn sàng mở rộng quy mô trong nửa cuối năm nay. Từ chỗ tự phát triển các cơ sở D Home, Âu Mạnh Quang hướng tới nhượng quyền thương hiệu cho chủ nhà và tiếp tục hỗ trợ chủ nhà quản lý, vận hành hiệu quả. Cơ sở thứ 7 sắp khai trương tại Hà Giang chính là cơ sở đầu tiên mà D Home triển khai nhượng quyền thương hiệu.
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.