Nguyễn Hữu Vinh, nhà sáng lập Công ty cổ phần IPP Sachi: Đưa bánh tráng “xứ Nẫu” đến Hoa Kỳ
Nâng tầm đặc sản xứ Nẫu
Những ngày này, xứ “Nẫu” Bình Định bắt đầu bước vào mùa mưa. Việc sản xuất bánh tráng của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn vì không thể phơi khô dưới nắng. Nhưng với anh Nguyễn Hữu Vinh, nhà sáng lập Công ty cổ phần IPP Sachi, thời tiết không ảnh hưởng đến năng suất lao động trong nhà máy. Hệ thống sấy và tráng tự động của IPP Sachi, do 20 công nhân phụ trách, đều đặn cho ra 5 tấn sản phẩm mỗi ngày.
“Từ nay đến Tết, nhu cầu thị trường có khi tăng tới 200%, chúng tôi đã sẵn sàng để đáp ứng”, anh Vinh hồ hởi chia sẻ.
Năm 2017, sau hai lần khởi nghiệp thất bại trên TP. Quy Nhơn, anh Vinh trở về quê tiếp quản xưởng sản xuất bánh kẹo của gia đình tại Tam Quan (Bình Định). Thay vì tiếp tục chế biến nhiều dòng bánh khác nhau như cha mẹ mình, anh lựa chọn chỉ tập trung phát triển đặc sản duy nhất là bánh tráng. Bởi theo anh, bánh tráng sử dụng chính nguồn nguyên liệu phong phú của quê hương như lúa gạo và dừa để làm ra, từ đó giúp chi phí sản xuất thấp hơn. Trong khi các loại bánh khác, ví dụ bánh bông lan, phải dùng bột mỳ nhập khẩu, không thể phát huy lợi thế bản địa.
Xác định được hướng đi, 2 năm tiếp theo, Nguyễn Hữu Vinh lại dày công nghiên cứu từ máy móc đến công thức sản xuất, để cho ra những mẻ bánh tráng phù hợp.
Ngoài ra, món bánh tráng, đặc biệt là bánh tráng nước dừa của miền quê Tam Quan vốn nổi tiếng tại Bình Định và các tỉnh lân cận, thế nhưng loại bánh này khá dày, nên mỗi lần ăn phải có bếp than để nướng. Khi nướng xong, thông thường bánh sẽ nhanh bị ỉu nếu không ăn ngay. Điều đó khiến cho những người dân phố thị khó có thể thưởng thức được món bánh tráng giòn giòn, béo béo vị dừa. Đó là chưa kể, bánh tráng hầu như chỉ làm được trong những tháng mùa nắng, còn mùa mưa thì không đủ nắng để phơi bánh nên không thể sản xuất.
“Tôi nhận ra, nếu được sản xuất dựa trên công nghệ, cộng với thuận lợi về vùng nguồn nguyên liệu sẵn có, bánh tráng nước dừa sẽ tăng cơ hội tiếp cận với những vùng đất mới cả trong và ngoài nước”, nhà sáng lập sinh năm 1987 chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Vốn sẵn kiến thức tự động hóa, anh mày mò nghiên cứu, phát triển hệ thống sản xuất bánh tráng nướng toàn diện, từ khâu sấy cho đến tráng. Dù trên thị trường đã có một số máy móc làm bánh tráng, nhưng theo Nguyễn Hữu Vinh, máy móc của anh có ưu điểm là sản xuất được nhiều lớp bánh chồng lên nhau, tạo độ giòn, xốp cho sản phẩm. Trong khi các loại máy khác chỉ làm được một lớp. Ngoài ra, trên cùng dây chuyền làm bánh tráng, anh có thể dùng để sản xuất nhiều dòng sản phẩm khác như bánh hỏi khô, bún khô, phở khô...
Đến nay, anh Vinh chia sẻ bản vẽ kỹ thuật hệ thống của mình cho nhiều xưởng sản xuất khắp trong Nam, ngoài Bắc. Anh cũng không đăng ký bằng độc quyền sáng chế vì cho rằng, không nhất thiết phải giữ riêng mọi thứ cho mình. “Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ kiến thức với mọi người, thứ tôi giữ lại chỉ là bí quyết trong nghề làm bánh tráng”, đại diện Sachi tiết lộ.
Sẵn sàng chinh phục những vùng đất mới
“Sachi” là tên viết tắt của “Sáu Chiến”, tên thường gọi của cha anh Vinh, cũng là tên xưởng bánh truyền thống của gia đình. Đồng thời, Sachi đại diện cho các giá trị cốt lõi của thương hiệu gồm: Safety (An toàn), Accountability (Trách nhiệm), Compliance (Tuân thủ), Hygiene (Vệ sinh) và Integrity (Chính trực).
Khắc phục được các nhược điểm của bánh tráng nướng truyền thống, nhưng giá bán chỉ tương đương, bánh tráng Sachi nướng sẵn nhanh chóng được người tiêu dùngđón nhận. Từ những hương vị cơ bản như bánh tráng nước dừa, bánh tráng mè…, Sachi mở rộng thêm nhiều hương vị mới như bánh tráng rong biển, bánh tráng ruốc biển. Đại diện Sachi cho hay, bên cạnh bánh tráng nướng, thương hiệu đã phát triển dải sản phẩm snack bánh tráng như snack vị phô mai, vị tôm cay, mực cay... và nhận được nhiều tín hiệu tích cực.
Cuối năm 2021, Sachi nhận gia công sản phẩm bánh tráng cho Công ty cổ phần IPP Group. Nhận thấy tâm huyết của anh Vinh, cùng với dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp và tiềm năng phát triển sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố, đầu năm 2023, IPP quyết định rót vốn vào Sachi. Công ty Sachi lúc này đổi tên thành Công ty cổ phần IPP Sachi, anh Vinh vẫn giữ chức danh Giám đốc.
Với nguồn lực từ đối tác, sản phẩm bánh tráng nướng và snack bánh tráng Sachi nhanh chóng xuất hiện tại các hệ thống siêu thị như Winmart, Lotte Mart, Aeon Mall, hay hệ thống cửa hàng tiện lợi của 7-Eleven, Circle K. Ngoài ra, thương hiệu cũng mạnh dạn đầu tư 70 tỷ đồng để xây dựng nhà máy mới lên tới 2 ha ngay tại quê hương Tam Quan.
Dự kiến, cuối tháng 11/2025, doanh nghiệpsẽ xuất khẩu 1 container, gồm toàn bộ 21 mã sản phẩm, sang thị trường Mỹ. Đây là đơn hàng đầu tiên Sachi tự mình xuất khẩu chính ngạch vào xứ sở cờ hoa, trong đó gồm cả bánh tránh nướng, bánh tráng cuốn, snack bánh tráng, bún khô, phở khô... Đơn hàng được đối tác nhập về với mục tiêu trước mắt là thử nghiệm thị trường.
Từ nay đến cuối năm 2024, Sachi cũng dự kiến xuất khẩu đơn hàng đầu tiên đi Canada. Dù giá trị đơn hàng chỉ hơn 7.000 USD, nhưng anh Vinh khẳng định, cùng với đơn hàng đi Mỹ, đây là những bước tiến mới, ghi nhận thành tích tự xuất khẩu chính ngạch của Sachi, thay vì chỉ gia công hay phải xuất khẩu thông qua bên thứ ba.
“Tôi muốn mang sản phẩm của quê hương Bình Định đi khắp năm châu. Người Mỹ có món snack khoai tây chiên, người Nhật Bản có bánh gạo, thì người Việt Nam cũng có thể tự hào về món bánh tráng”, đại diện Sachi hào hứng.
Với mục tiêu đó, trong năm 2025, Sachi xác định tích cực tham gia các hội chợ tại quốc tế để tìm kiếm cơ hội, cụ thể là Thái Lan vào tháng 5/2025 và Trung Quốc vào tháng 7/2025. Thương hiệu cũng phấn đấu đưa sản phẩm vào 50% siêu thị trong nước và mở rộng số lượng mã hàng bán trong siêu thị, chứ không chỉ giới hạn ở hai nhóm sản phẩm chính là bánh tráng nướng và snack bánh tráng như hiện nay.
Theo Nhung Bùi - Báo Đầu Tư
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.