Ngân hàng Nhà nước nói gì khi Nhà máy in tiền Quốc gia báo lỗ?
Không lỗ
Ngày 19/8, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Chắc chắn hoạt động của nhà máy không thể lỗ vì hằng năm đơn vị này làm việc theo kế hoạch đặt hàng trên nguyên tắc cân đối chi phí đầu vào đầu ra. Nguyên nhân giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái cần nhìn vào cơ cấu thu - chi.
“Chỉ cần một khoản chậm hoặc chưa đến kỳ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước có thể dẫn tới hàng tồn. Còn vấn đề ở đây là chi phí tăng do nhà máy mua phí vật tư cho cả năm. Nhà máy có thể tính phí vật tư này vào khoản mục hàng tồn kho. Khi được thanh quyết toán cân đối, trừ chi phí khoản mục lỗ sẽ không còn. Nói chung chỉ là tạm tính”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước này cho biết.
Còn thông cáo phát đi từ doanh nghiệp này cho biết, ngày 17/8/2019, sau khi Nhà máy In tiền Quốc gia thực hiện công bố thông tin về báo cáo tài chính định kỳ theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, một số báo, trang tin điện tử đã đưa tin về số lỗ lũy kế sau 6 tháng đầu năm 2019 của nhà máy. Về kết quả trên, Nhà máy In tiền Quốc gia làm rõ thêm một số thông tin với ba điểm chính.
Thứ nhất, Nhà máy In tiền Quốc gia là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và ngành nghề kinh doanh duy nhất hiện nay là in, đúc tiền.
“Nhà máy là doanh nghiệp công ích, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước không giao chỉ tiêu lợi nhuận đối với nhà máy”, thông cáo nêu.
Thứ hai, số lượng, doanh thu và chi phí từ hoạt động in đúc tiền của nhà máy hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu tiền mặt trong nền kinh tế, việc điều hành chính sách tiền tệ và theo đúng kế hoạch do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.
Thứ ba, đơn vị sản xuất cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, nhà máy thực hiện cơ chế quyết toán giá với Nhà nước. Theo đó, toàn bộ các chi phí sản xuất có liên quan được tập hợp, trình Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính duyệt quyết toán giá sau khi kết thúc năm tài chính.
Tiền mặt lưu thông thế nào?
Hiện số lượng, doanh thu và chi phí từ hoạt động in đúc tiền của nhà máy hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu tiền mặt trong nền kinh tế. Vậy lượng tiền mặt trong lưu thông của Việt Nam hiện nay bao nhiêu? Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tính đến tháng 5/2019 ở mức 11,67%. Tính theo số dư quy mô tổng phương tiện thanh toán nói trên, tỷ trọng tiền mặt lưu thông tương ứng với quy mô 1.132.793,83 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam trong nhiều năm qua xoay quanh mức 11,5%, không nhiều thay đổi hoặc có biến động nào lớn.
Ngoài ra, điểm nhấn là tỷ trọng này hàng năm đều bật lên cao hẳn vào tháng 1 và 2 - khoảng thời gian của Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, lên trong khoảng 14 - 15%, sau đó lại nhanh chóng trở về quanh 11,5% các tháng còn lại. Diễn biến này gần như đồng nhất trong 7 năm qua, theo dữ liệu mẫu từ 2013 đến nay.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của Nhà máy In tiền Quốc gia ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 11,2 tỷ đồng. Cụ thể, nửa đầu năm 2019, doanh thu của nhà máy ở mức 906 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù chi phí tài chính giảm gần một nửa xuống còn 4,8 tỷ đồng, nhưng do chi phí quản lý doanh nghiệp lớn, lên đến 32,6 tỷ đồng (tăng 12%) nên kết thúc nửa đầu năm 2019, Nhà máy In tiền Quốc gia lỗ trước thuế 6,3 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Nhà máy In tiền Quốc gia là 2.266 tỷ đồng, tăng 1,7% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản tập trung ở hàng tồn kho với hơn 950 tỷ đồng (tăng mạnh so với năm ngoái là hơn 424 tỷ đồng), tài sản cố định với 548 tỷ đồng và tiền cùng các khoản tương đương tiền 331 tỷ đồng. “Một phần hàng tồn kho này có thể là tiền hoặc giấy tờ có giá in ra chưa sử dụng. Nếu sau này xuất toán vào nửa cuối năm, khoản này có thể trở thành doanh thu và một phần lợi nhuận”.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.