Ngân hàng dồn sức hỗ trợ doanh nghiệp- Minh Quân
Cải tiến nhanh quy trình
VPBank mới đây vừa công bố số liệu thống kê việc giảm, giãn và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, tính đến ngày 4/5/2020, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ của NH này gần 12 nghìn tỷ đồng, tương ứng với hơn 14 nghìn trường hợp, tổng số dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33 nghìn tỷ đồng, tương ứng với hơn 22 nghìn hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm từ 0,5-3% mỗi trường hợp.
Đại diện VPBank cho biết, hiện trên toàn hệ thống có hàng nghìn hồ sơ đang chờ giải quyết và VPBank đang nỗ lực rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Nếu như trong tháng 3, thời gian trung bình để giải quyết một bộ hồ sơ mất tới 4 ngày thì nay VPBank đã rút ngắn xuống còn một ngày làm việc. Thậm chí, đối với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, quan hệ tín dụng lâu năm với VPBank thì chỉ sau 4 tiếng là hoàn thiện phương án hỗ trợ gồm cả việc giãn nợ và giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu. Với khách hàng có những khoản vay dưới 100 triệu đồng thì có thể hỗ trợ vay trực tuyến.
Cũng theo VPBank, tính đến ngày 4/5/2020, đã có tổng cộng hơn 13 nghìn hồ sơ được NH giải ngân mới, tương đương 18 nghìn tỷ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh để hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Không chỉ các DN, số lượng hồ sơ xin giảm, giãn nợ vay của các khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh tiểu thương cũng chiếm số lượng đáng kể. Đến thời điểm này, đã có gần 13 nghìn hồ sơ thuộc nhóm khách hàng này được VPBank xử lý với tổng dư nợ lên tới gần 4.000 tỷ đồng, chiếm hơn 91% tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ do dịch bệnh.
Thông tin từ HDBank cũng cho biết, hiện có khoảng 11.000 tỷ đồng tín dụng của HDBank bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tốc độ các khách hàng gửi đơn đề xuất xin cơ cấu nợ, giãn nợ tăng chóng mặt, đội ngũ xử lý phải chạy hết tốc lực.
Đến hết tháng 3/2020, Sacombank cũng đã giải quyết lượng hồ sơ cơ cấu lại nợ cho khách hàng khoảng 20.000 tỷ đồng, còn tới tháng 4/2020 lên tới 32.000 tỷ đồng và NH này cũng đẩy nhanh quy trình giải quyết các hồ sơ đến hạn trước (trong vòng 9 ngày) để tránh tình trạng khách hàng bị quá hạn, không được hưởng hỗ trợ theo Thông tư 01 quy định.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM, đến ngày hôm nay, có nhiều DN trong Hội đã được giãn nợ nên các DN này tiếp tục sản xuất và thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, một số DN khác cũng được các NH giảm lãi suất 2% cho các khoản vay mới để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị chuẩn bị đón sóng hậu Covid-19 .
Kích cầu tín dụng
Không chỉ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19, các NH còn tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong tháng 5 và đưa ra các gói hỗ trợ kích cầu khác. Công bố mới đây của CB Bank cho biết, tùy theo khoản vay, DN có thể được giảm lãi suất tối đa tới 2%/năm so với mức lãi suất cạnh tranh trước đó và còn được CB tài trợ phí thẩm định tài sản, hoàn toàn miễn phí trả trước hạn khi khoản vay tròn 3 năm. Cũng từ tháng 5/2020, CB sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, vay mua, xây sửa nhà, vay mua ô tô, mua nhà dự án... Trước đó, đối với sản phẩm cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, CB cũng có chương trình cho vay tối đa 1 tỷ đồng, tùy theo loại tài sản đảm bảo có thể cấp tín dụng đến 100% giá trị tài sản đảm bảo.
Tương tự, Nam A Bank giảm 2,5%/năm lãi vay, HDBank tung thêm gói 10.000 tỷ đồng, lãi vay giảm 2-4% /năm cho cá nhân và DN nhỏ, SCB giảm 0,5%/năm, nếu kỳ hạn vay dưới 12 tháng, giảm 0,5% trong 6 tháng đầu, kỳ hạn vay trên 12 tháng, giảm 1%/năm trong 6 tháng đầu, OCB không chỉ giảm 2%/năm lãi suất cho vay cho DN một số lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng, dệt may, da giày... mà còn đưa ra gói vay tín chấp đối với lãi suất từ 1%/tháng cho các đối tượng KH khác.
Ngân hàng bị giảm lợi nhuận
Việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ DN cũng làm giảm một phần lợi nhuận của các NH. Bên cạnh đó, các nguồn thu từ dịch vụ NH cũng giảm do các NH phải giữ chân khách hàng nên giảm các thuế, phí chuyển tiền như OCB giảm 30% phí thanh toán L/C, Bản Việt miễn 100% phí giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 trên Internet Banking và Mobile Banking từ nay đến hết ngày 31/12/2020, VietinBank giảm 22,2% phí chuyển tiền liên ngân hàng nhanh 24/7...
Việc các NH giảm lãi suất cho vay khá mạnh, ngoài việc hỗ trợ DN duy trì sản xuất còn mục đích kích cầu tín dụng. Song tín dụng của các NH cũng không tăng là bao. Theo lý giải của các NH là do cầu vốn của DN và khách hàng giảm. Đa số nhu cầu vay vốn của DN chưa trở lại bình thường vì gián đoạn sản xuất, đầu ra thị trường do nguyên liệu đầu vào giảm, tiêu dùng và xuất khẩu chưa thông suốt.
Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect (VNDS), dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 chỉ ở mức 11%, NIM (biên lãi suất ròng) toàn ngành ngân hàng sẽ đi xuống. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay của mỗi NH có thể thấp hơn 2-3% so với năm 2019.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho rằng, trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn ra tại nhiều nước, mặc dù Việt Nam cũng đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn khó có thể đẩy mạnh cho vay như bình thường.
Tăng trưởng tín dụng chậm khiến nhiều NH lo ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận trong năm nay và lo tỷ lệ nợ xấu tăng. Tuy nhiên, các NH đều cam kết không tăng tín dụng bằng mọi cách vì đã có nhiều bài học và hệ lụy trước đây. Các chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo các NH tuyệt đối không cho vay dưới chuẩn và phải xét hồ sơ vay đủ điều kiện trong bối cảnh nhiều rủi ro như hiện nay, vì mất an toàn của một NH sẽ gây ra nguy cơ lớn cho toàn hệ thống.( DOANHNHANSAIGON)
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.