Một tin vui trong những ngày vật vã chống dịch!
Qima - một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng - vừa thực hiện một cuộc khảo sát hơn 700 doanh nghiệp trên toàn cầu trong tháng 3 vừa qua cho thấy 1/4 doanh nghiệp được hỏi trên toàn cầu đã coi Việt Nam là một trong 3 thị trường cung ứng hàng đầu, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ.
Khảo sát cũng cho tỉ lệ các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ coi Việt Nam là một trong 3 khu vực cung ứng hàng đầu đã gấp đôi trong 4 năm qua, đạt 43% trong đầu năm 2021.
1/3 doanh nghiệp chuyển sang nhà cung cấp khác vào năm ngoái để tránh dịch Covid-19 cho biết Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của họ. Trong số những doanh nghiệp được hỏi có ý định tìm kiếm các nhà cung ứng mới trong 12 tháng tới, có 38% doanh nghiệp Mỹ và 28% doanh nghiệp châu Âu cho biết có kế hoạch chọn Việt Nam hoặc mua thêm từ các nhà cung cấp ở đây…
Trước hết cần phải khẳng định không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được các doanh nghiệp lựa chọn vào chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành hầu khắp thế giới, Việt Nam vươn lên trở thành một điểm sáng về nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển và kiểm soát dịch bệnh tốt. Điều đó khẳng định năng lực điều hành đất nước của Chính phủ với hàng loạt giải pháp mạnh đảm bảo vừa chống dịch - vừa phát triển kinh tế một cách hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ được mở rộng khi đời sống kinh tế, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên là một điểm cộng của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.
Với việc được các doanh nghiệp lựa chọn là chuỗi cung ứng cũng như sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, chúng ta có quyền lạc quan hơn trong thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong và sau dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận khi phần lớn chuỗi cung ứng mà Việt Nam đảm nhận nằm ở công đoạn hạ nguồn (lowstream), tức là gia công, lắp ráp - công đoạn không có yêu cầu quá cao về hạ tầng cơ sở sản xuất cũng như trình độ lao động. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp Việt chủ yếu đang làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Để Việt Nam trở thành sự lựa chọn lâu dài và bền vững, đặc biệt là thu hút dịch chuyển sản xuất và công nghệ từ các "ông lớn" toàn cầu, chúng ta cần có những ưu đãi mạnh mẽ, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
Song song với đó, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng, có khả năng đáp ứng và tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại.
Trong bối cảnh cạnh tranh chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt phải không ngừng nâng cao năng lực để không bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm và trở thành đơn vị gia công đơn thuần.
Đặc biệt, trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta phải tỉnh táo để sàng lọc, lựa chọn, không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư.
Công cuộc phòng chống tái bùng phát đại dịch đang bước vào những ngày quyết lliệt Song, khi mà chúng ta luôn phải thực hiện mục tiêu kép thì thông tin trên là một niềm vui, niềm hi vọng và niềm tin trong thời điểm khó khăn này.
Hoàng Lam
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.