Luật đặc khu kinh tế chỉ vượt trội khi so "ta với ta"
Một góc Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: MAI LƯƠNG
Cần có tầm nhìn để vượt trội về thể chế
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, cả ba “đặc khu” kinh tế nói trên phải được xây dựng thành nền kinh tế thị trường tự do, hiện đại và hội nhập. Xây dựng hệ thống thể chế cho ba khu vực này phải có ý nghĩa sống còn thay vì chỉ có những ưu đãi thuần túy về thuế, phí. “Thể chế cho ba đặc khu phải khác biệt so với phần còn lại của đất nước để chúng trở nên vượt trội và có khả năng cạnh tranh quốc tế”, ông Cung góp ý tại một cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này, tổ chức ở Quảng Ninh gần đây. Lúc hội thảo này ông còn nói giao thương từ các đặc khu với phần còn lại của nền kinh tế phải tương tự như hai nền kinh tế khác nhau.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Cung cho rằng, hệ thống thể chế, chính sách phải tạo ra một cách ít nhất có thể các rào cản mà vẫn đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro. Theo ông Cung, cần có tòa án dân sự, thương mại độc lập; các cơ quan cạnh tranh công bằng và độc lập; trong khi nhà đầu tư được phép chọn trọng tài, tòa án để giải quyết tranh chấp thương mại. Bên cạnh đó, đồng tiền sử dụng ở đặc khu là tất cả các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi và tiền đồng của Việt Nam, không hạn chế tiền mặt mang vào, mang ra. Về thuế, ông đề nghị chỉ áp dụng thế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, không thuế quan cho hoạt động xuất nhập khẩu, miễn visa cho phần lớn khách đến. Về giáo dục, hệ thống nhà trường sau khi có đặc khu, cần theo cơ chế thị trường, và nội dung, cách thức, ngôn ngữ giảng dạy là tùy nhu cầu, cho nhà trường quyết định. Ủy ban hành chính đặc khu được thiết kế sao cho can thiệp hành chính ít nhất có thể.
Quan điểm của ông Cung về thể chế vượt trội như trên được nhiều chuyên gia đồng tình. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, góp ý thêm: “Thể chế và chính sách vượt trội chứ không phải ưu đãi vượt trội mới là nhân tố quan trọng nhất”. Ông Vũ Thành Tự Anh phân tích, kinh nghiệm của các đặc khu kinh tế trên thế giới cho thấy, điều quan trọng nhất không phải là ưu đãi hay khuyến khích tài khóa, mà quan trọng hơn là môi trường thể chế và chính sách thông thoáng, ổn định, và có thể tiên liệu được. Nhấn mạnh quá mức vào tác ưu đãi tài chính có thể dẫn đến hệ quả ngược, đó là chỉ thu hút được các doanh nghiệp “chân chạy” (foot-loose), chạy từ chỗ này qua chỗ khác, từ nước này qua nước khác để tìm kiếm ưu đãi vượt trội.
Ông Vũ Thành Tự Anh nhận xét thêm, ngay cả các chính sách ưu đãi cứng như miễn, giảm thuế và tiếp cận đất đai, như dự thảo luật quy định, cần tính toán một cách căn cơ hơn. Chẳng hạn, quy định miễn/bỏ thuế giá trị gia tăng đối với các nguyên liệu, vật tư, linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được có thể gây tác động ngược với nền kinh tế nói chung, làm các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vốn đã yếu càng kém thêm. Ông phân tích, tỷ lệ nhập khẩu cũng lên tới 60-70% đối với ngành dệt may, da giày và 80-90% đối với hàng điện tử. “Nếu những linh kiện, nguyên liệu này được nhập miễn thuế thì liệu các doanh nghiệp ở ngoài ba đặc khu có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu hay không, và tương lai của ngành công nghiệp chế tạo chế biến có thoát được phương thức gia công thuần túy hay không?”, ông đặt vấn đề.
Thời hạn thuê đất ưu đãi là 70 năm và tới 99 năm, như dự thảo, là “quá dài và khó có thể biện minh về mặt kinh tế”, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh. Ông phân tích, các đặc khu không phải là “nhượng địa”, vì vậy không cần và không thể giao đất và ưu đãi vượt khung quá xa so với mặt bằng chung của quốc gia. Thứ hai, chu kỳ thu hồi vốn của các hoạt động sản xuất - kinh doanh thường không vượt quá 20-30 năm. Thứ ba, rất nhiều ngành nghề hiện nay được coi là “hiện đại” thì 20-30 năm trước hoặc mới chỉ ở tình trạng sơ khai, hoặc thậm chí còn chưa tồn tại. “Không ai có đủ tự tin để đoán trước 20-30 năm nữa những ngành nghề nào sẽ là tương lai của nền kinh tế. Vì vậy, nếu quy định danh mục và các điều kiện ưu đãi trong một thời gian quá dài là tự ràng buộc mình vào những cam kết vừa không cần thiết vừa không hiệu quả.
Mới chỉ so ta với ta
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét: do Việt Nam đi sau, nếu hệ thống thể chế của các đặc khu không cao hơn, hiệu quả hơn của các đặc khu có trước của thế giới thì sự “thua trận” là không thể tránh khỏi. Ông nhận xét trong hội thảo trên, dự thảo luật vẫn còn khá rụt rè, chưa thể hiện tinh thần đi sau “cần và có thể vượt lên trước” và khẳng định, các điều khoản về trao quyền, các chính sách về ưu đãi cho ba đặc khu của Việt Nam chưa vượt mức của các đặc khu thấp của thế giới.
Ông Thiên cho biết, giới học giả ủng hộ trao chính quyền đặc khu nhiều quyền lực tầm quốc gia để xử lý. Tuy nhiên, chính quyền đặc khu lại được quy định thuộc tỉnh, mức độ rất thấp xét về nghĩa “đặc biệt và độc lập” và khó mà nhận thấy bóng dáng của yêu cầu “thể chế vượt trội” ở tầm quốc tế ở ba đặc khu này.
Theo ông Thiên, cách tiếp cận xây dựng dự luật vẫn theo tư duy “ta so với ta” chứ chưa theo tầm nhìn toàn cầu. Các điều khoản của dự thảo luật chủ yếu vẫn là dành mức độ ưu đãi cao nhất của Việt Nam, chứ không phải tư duy tạo cho ba đặc khu của Việt Nam điều kiện tốt hơn các đặc khu trong khu vực để đảm bảo cạnh tranh quốc tế.
Nhận xét về khoản 3, điều 15 của dự thảo luật về các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ông Thiên cho rằng đó vẫn là các quy định như của các khu kinh tế hiện nay ở Việt Nam, nghĩa là “không có gì vượt trội”.
Tiến sĩ Trần Du Lịch góp ý, đặc khu trưởng cho ba đặc khu cần quy định là chủ tịch ủy ban nhân dân kiêm bí thư Đảng bộ đặc khu. Trong khi đó, chủ tịch hội đồng nhân dân chỉ tập trung vào nhiệm vụ giám sát và ban hành quyết sách cho phúc lợi của nhân dân. Tuy nhiên, ông góp ý, dự luật không nên chế định các nội dung liên quan đến Đảng.
Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo luật này trong kỳ họp cuối năm nay.
Một số chính sách áp dụng chung cho ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc: Áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao hơn đối với đầu tư nước ngoài và ngành, nghề cần thu hút Dự thảo luật quy định áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư thêm hai năm miễn thuế và bốn năm giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho thu nhập từ dự án đầu tư của 500 công ty hàng đầu thế giới và nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nghề ưu tiên phát triển và đáp ứng điều kiện về thời hạn thực hiện và quy mô vốn đầu tư. Về chính sách đất đai - Cho phép tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài; - Cho phép tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trực tiếp từ tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư như tổ chức kinh tế trong nước; - Cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được quyền nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, cho thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, bao gồm nhà ở chung cư và căn hộ riêng lẻ, trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án bất động sản nghỉ dưỡng. - Tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh đối với một số ngành, nghề ưu tiên phát triển lên không quá 99 năm. Về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh - Bổ sung cho phép nhà đầu tư được lựa chọn luật nước ngoài để điều chỉnh hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài mà không áp dụng quy định “pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” nêu tại điểm a, khoản 1, điều 670 Bộ luật Dân sự; - Cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư với các tổ chức, cá nhân khác tại tòa án nước ngoài có thẩm quyền hoặc với cơ quan nhà nước Việt Nam tại trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương Luật quy định chính chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) được tổ chức một cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND. Ở cấp xã, phường hiện tại, không tổ chức HĐND và UBND mà tổ chức thành các khu hành chính với tính chất là cơ quan hành chính đại diện của UBND để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý hành chính nhà nước, giải quyết các thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công cho các tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn khu hành chính. Về cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương - Số lượng đại biểu và cơ cấu tổ chức của HĐND, Thường trực HĐND do Quốc hội quy định tại nghị quyết thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị HCKTĐB. - Số lượng thành viên và cơ cấu tổ chức, số lượng tối đa cơ quan chuyên môn của UBND do Quốc hội quy định tại Nghị quyết thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. HĐND ở đơn vị HCKTĐB quy định cụ thể tổ chức và hoạt động các cơ quan chuyên môn của UBND ở đơn vị HCKTĐB. |
Tư Giang
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.