Lấy đâu 10 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu kinh tế?
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Báo cáo Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, tờ trình Chính phủ cho biết nguồn lực để thực hiện kế hoạch này nằm trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế, dự kiến khoảng 10,57 triệu tỷ đồng (tương đương 480 tỷ USD).
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, nguồn lực đầu tư từ xã hội ít nhất phải gấp 5 lần của đầu tư công khoảng 10 triệu tỷ đồng.
"Vì vậy chúng ta phải huy động nguồn lực càng nhiều càng tốt. Phải huy động nguồn lực trong dân, các thành phần kinh tế. Nợ công đã sát trần, áp lực trả nợ lớn, chính sách tiền tệ chật hẹp lắm rồi", Phó thủ tướng cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng cần bàn tới tính khả thi khi huy động số tiền 10,5 triệu tỷ đồng (tương ứng 480 tỷ USD) trong bối cảnh GDP tăng trưởng thấp. Làm rõ vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Cứ nhân tổng mức huy động toàn xã hội là khoảng 30% GDP ra con số. Mỗi năm quy mô GDP 220 tỷ USD thì 5 năm được bao nhiêu rồi tính 30% của số đó thì sẽ ra con số huy động nguồn lực.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, để có 10,5 triệu tỷ đồng nói trên, phải cân đối chung nguồn lực của đất nước và nguồn lực của xã hội để tái cơ cấu chứ không thể chỉ dùng ngân sách Nhà nước.
“Chỉ dùng ngân sách thì không thể có hơn 10 triệu tỷ đồng, ngân sách không đủ. Chủ trương chung trong tái cơ cấu cũng là không dựa, không quá phụ thuộc vào ngân sách”, ông Dũng cho biết, nguồn lực sẽ huy động cả từ nước ngoài và tư nhân trong nước.
Chưa đưa ra con số chính xác về tỷ lệ đóng góp của ngân sách Nhà nước trong tổng số 10,5 triệu tỷ đồng, nhưng theo Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư, dự kiến cơ cấu có thể ngân sách sẽ gánh 1/3, còn lại 2/3 sẽ huy động từ các nguồn lực xã hội khác.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế sáng 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công. Bởi không quyết tâm chính trị cao thì vẫn là cách làm cũ, không ăn thua, kém hiệu quả.
Ở đây phải có bộ máy, cán bộ làm tái cơ cấu. Nhiều ý kiến cho rằng, người đứng đầu phải đứng ra ra chỉ đạo tái cơ cấu hay là có đội đặc nhiệm tái cơ cấu, dám cắt bỏ đi cái gì kém hiệu quả, Thủ tướng nói.
Theo N. MẠnh (Bizlive)
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.