Làm sao để khơi thông nội lực start-up Việt?
CEO Nguyễn Lâm Viên: nội lực và sự say mê khởi nghiệp của các bạn trẻ rất mãnh liệt! |
CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên: Ngày xưa ấy, tôi phải dùng từ này, là những những năm đầu thập kỷ 90 - thời tôi khởi nghiệp, không có những người đi trước truyền lại kinh nghiệm cho những người đi sau, không có “thế giới phẳng” kết nối để học hỏi nâng cao sản phẩm. Ngày xưa không biết được trong quản trị gồm những thứ gì. Ngày xưa chỉ cần làm ra một sản phẩm là thấy mừng rồi, không biết được công nghệ để đi được đích đến cuối cùng.
Còn các bạn trẻ khởi nghiệp ngày nay có công nghệ, kĩ thuật và cả “thế giới” chỉ trên màn hình để so sánh trong và ngoài nước, biết được vị thế sản phẩm của mình.
Ngày nay, các bạn cũng chỉ cần “google” mấy giây là biết được quản trị doanh nghiệp bao gồm nhân sự , tài chính, marketing, sales…Đó là chưa nói được ủng hộ từ các chính sách, địa phương và với mạng lưới xã hội đa dạng như Tiktok, Zalo, Facebook..
Tất cả lợi thế đó giúp ai cũng có thể trở thành doanh nhân. Và ngày nay tôi rất mừng khi thấy nội lực và sự say mê khởi nghiệp của các bạn trẻ rất mãnh liệt.
Điển hình như mới đây, tôi đi khai mạc “Lễ hội Tinh hoa Gia vị Việt” ở TP.HCM thấy hàng trăm doanh nghiệp trẻ từ khắp mọi vùng miền, người đi máy bay, người đi tàu mang tới trên 1.000 loại gia vị trong lãnh thổ Việt Nam. Các bạn mang tới, không phải để bán kiếm tiền mà là để tìm sự kết nối với chuyên gia, thị trường, cộng đồng để xây dựng thương hiệu.
CEO Nguyễn Lâm Viên tại Lê hội tinh hoa gia vị Việt |
Thương trường khốc liệt
Phóng viên: Thời ông không nhiều thuận lợi nhưng lại khởi nghiệp thành công khi làm nên thương hiệu Vinamit. Còn thời nay ngược lại nhưng tỷ lệ Start-up thất bại không nhỏ?
CEO Nguyễn Lâm Viên: Điểm nghẽn chính là phương pháp xây dựng thị trường. Ngày xưa vì thiếu thốn nên chỉ cần làm ra sản phẩm người dân cần là bán được. Thị trường bây giờ khác lắm, người tiêu dùng mua khi có niềm tin. Chúng ta không thể chỉ quảng bá tung hô sản phẩm mình tức chạm vào “não” của người tiêu dùng mà còn phải chạm vào trái tim, tức cho họ niềm tin từ hiệu quả thực tế, cho họ một cộng đồng tiêu dùng để củng cố niềm tin.
Có nhiều doanh nghiệp trẻ như thương hiệu 25 FIT (Tập Gym với công nghệ EMS) thành công được bởi các bạn xây dựng trung tâm TDTT để người dùng trải nghiệm miễn phí, đánh giá. Khi khách hàng cảm nhận được giá trị thực sự thì con đường thành công mới hiện ra.
Điều đó lại cần phải có thời gian, phải đủ chín nhất là đối với các sản phẩm xu hướng mới, nhìn theo cách mới thay mới cái cũ. Hơn thế nữa, ngoài sản phẩm, xây dựng các trung tâm trải nghiệm cần phải có những chiến lượt đúng nếu không sẽ lạc đường. Và xây dựng nó lại phải cần vốn lớn. Ngay cả Vinamit muốn xây dựng chuỗi trải nghiệm từ Bắc vào Nam đôi khi cũng sẽ không đủ lực huống hồ các bạn là Start-up.
Chính điều này dẫn tới Start-up mong manh nhỏ lẻ nhiều và tỷ lệ thất bại vì "đuối sức" nhiều.
CEO Nguyễn Lâm Viên trò chuyện cùng các bạn trẻ khởi nghiệp |
Phóng viên: Quan sát của tôi, dường như tỷ lệ, xu hướng Start-up Việt nhưng lại “Tây hóa” nhiều hơn? Tỷ lệ Start-up “lướt sóng” dạng dịch vụ thương mại nhiều hơn là sản xuất để mang lại giá trị thực cho cộng đồng?
CEO Nguyễn Lâm Viên: Đúng! Thậm chí tôi thống kê thì cứ 10 Start-up có tới 7 “ông” khởi nghiệp dạng “lướt sóng”. Bởi thời gian dài qua, những người kiếm được nhiều tiền không phải là nhờ sản xuất mà là chứng khoán, bất động sản, vàng. Đầu tư lướt sóng nhưng tạo thành cái trend không đem lại giá trị cho cộng đồng, chỉ mang tiền về cho cá nhân. Cái nguy hiểm, việc giàu có siêu tốc trên thị trường tài chính lại từ những cái không thực, tức thị trường này không lành mạnh. Anh sản xuất thua lỗ mà chứng khoán vọt lên thì rõ là phi logic.
Nên thời gian gần đây, tôi thấy Nhà nước với nhiều biện pháp mạnh tay để làm lành mạnh hóa thị trường tài chính, thì các Start-up tư duy “lướt sóng” cần phải điều chỉnh lại, nếu không sẽ thất bại.
Còn Start-up sản xuất thì hiện vẫn ít lắm so với tiềm năng tài nguyên nước ta, đặc biệt thế mạnh nông nghiệp. Bởi, các bạn khởi nghiệp nông nghiệp vô cùng khó khăn trong tiêu thụ. Nguyên nhân do tâm lý của người tiêu dùng luôn luôn thích sản phẩm đó giống ngoại hoặc nó là ngoại nhưng giá nó phải rẻ…, dù chi phí làm hàng sạch rất cao. Đó là lý do tại sao ngành trái cây Việt Nam lại bán ra Trung Quốc nhiều hơn thì mới tồn tại được, còn bán trong nước rất khó.
Có thực tế trong thị trường sản phẩm nông nghiệp rất nguy hiểm là việc “phá” lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp tôi được nhiều Start-up chào mời hàng hóa và tôi phải ngỡ ngàng khi Start-up này chào giá 10 đồng thì Start-up khác sẵn sàng bán còn 5 đồng dù lỗ. Hiện tượng này xuất phát từ việc trồng mà không bán được nếu để sẽ hư hỏng thì thà bán lỗ.
Tôi cho rằng đó là một sai lầm, rất sai lầm và hay xảy ra ở doanh nghiệp nhỏ lẻ trong lĩnh vực nông nghiệp. Giải quyết thì phải từ gốc là quy hoạch nông nghiệp phù hợp theo nhu cầu thị trường chứ không thể theo phong trào rồi lại rơi cảnh đốn bó hoặc kêu nhờ giải cứu như thời gian qua.
Còn “Tây hóa” sản phẩm Việt cũng chính xác, xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng Việt. Thực tế có nhiều sản phẩm tốt nhưng người dân mình vẫn “sính ngoại” buộc các doanh nghiệp phải thương mại hóa bằng việc đặt cho những cái tên “hướng ngoại” thì mới bán được! Đó là cách “đi thị trường” bằng bán cái người ta thích, còn nguồn gốc thì… “tính sau”. Về lâu dài, cách này khó bền bởi một ngày nào đó, người tiêu dùng không khó để nhận ra nguồn gốc, để rồi vỡ òa bức xúc, cảm giác bị gạt. Lúc đó thì Start-up sẽ đổ Domino. Thực tế cũng xảy ra rồi, với nhiều nhãn hàng!
Lời khuyên của người đi trước
CEO Nguyễn Lâm Viên truyền kỹ năng khởi nghiệp cho Start-up |
CEO Nguyễn Lâm Viên: Khởi nghiệp không phải chỉ cần một ý tưởng hay là được. Muốn làm cái gì đó thì phải nghiên cứu, tìm hiểu nó cho đàng hoàng chứ không thể lao vào vay mượn khắp nơi, thế chấp cả nhà của bố mẹ rồi đổ vỡ ra thì…
Muốn thành công, đầu tiên và quan trọng nhất là phải chịu khó học cho thành CEO thực thụ. Chứ tài chính không biết, kế toán không biết, kế hoạch không biết, marketing không biết, sản xuất cũng phải giao cho người khác toàn bộ… thì khó có thể làm chủ.
Song song, Start-up phải xác định được mình làm doanh nghiệp này ra để làm gì? Để kiếm tiền, để bán hay vì đam mê, để lên sàn IPO… tất cả đều phải có kịch bản đàng hoàng.
Một yếu tố nữa là startup là phải biết đề phòng với rủi ro, phải tính đến những điều khó khăn sẽ xảy ra để có được dự tính phù hợp. Có nhiều cách để phòng tránh rủi ro như mua một cây vàng cũng là đầu cơ, mua một căn nhà, mua đất… để phòng khi thất bại thì còn có cái cứu mình.
Tóm lại, là phải có tư duy về chiến lược và phải tạo ra chiến lượt thật rõ, nhất quán, chi tiết và kiên trì theo đuổi triết lý đó. Nếu như các bạn không nhìn ra được cái chiến lược của sản phẩm và giá trị mà khách hàng mong đợi thì rất khó thành công. Start-up mà không có những tư duy trên thì không đi được quá 5 năm. Hiện nay, một doanh nghiệp phải đứng vững trên thương trường khoảng 20 năm thì mới gọi là thành công. Gọi vốn nhiều cũng chưa đánh giá được họ có thành công hay không mà còn phải qua cả hành trình dài.
Kinh nghiệm thế giới
Phóng viên: Với kinh nghiệp khởi nghiệp từ…nước ngoài, ông thấy các nước có chính sách hay giải pháp thế nào cho Start-up phát triển?
CEO Nguyễn Lâm Viên: Ở Đài Loan thập niên 80, các nhà quản lý tập trung định hướng phát triển về công nghệ và đến giờ họ đã có những tập đoàn điện tử hàng đầu. Hoặc có thời gian Đài Loan định hướng và dồn lực tập trung vào sinh học nên giờ họ cũng có nông nghiệp, y sinh…không còn thua các nước khác.
Thực tế đó nghĩa là, cơ quan chức năng cần có một định hướng rõ ràng tùy từng giai đoạn nhưng phải dựa trên tiềm năng lợi thế đất nước mình.
Thời gian gần đây, tôi thấy Nhà nước xác định được nguồn lực từ nông nghiệp, đưa giải pháp quyết liệt đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long để đánh thức vựa lúa gạo thủy hải sản và trái cây lớn nhất nước vùng dậy. Đây chính là định hướng để “cuốn” các hệ sinh thái khác đi theo. Đó là tín hiệu mừng!
Tuy nhiên định hướng phải kết hợp với chính sách cụ thể và thực tế, ví như cho các Start-up nông nghiệp vay lãi suất 1% chẳng hạn để sản xuất kinh doanh.v.v để kích thích. Tất nhiên chính sách phải đi kèm với giải pháp thẩm định, kiểm soát, thị trường .v.v phù hợp.
Nếu tất cả những điều đó được triển khai thì không chỉ định hướng không chỉ Start up mà còn cả các doanh nghiệp và thế hệ sau đi theo sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, bền vững thì việc ghi tên sản phẩm Việt trên bản đồ thế giới không còn khó!
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.