Internet ở Nga: Vinh quang hay lạc lối
Nga là một trong những quốc gia tiên phong trong phát triển các công nghệ như Internet hiện đại, trí tuệ nhân tạo, tiền kỹ thuật số. Đây cũng là nơi sản sinh ra các thiên tài trong lĩnh vực toán học ứng dụng như Andrei Yuryevich Okounkov, Stanislav Smirnov, Vitalik Buterin (người sáng tạo đồng tiền điện tử Ethereum). Nhưng, trong quá trình phát triển của Internet bản địa ở quốc gia này, có một điểm chung là chúng không có sự phát triển liên tục, bền vững hay có sự tồn tại của một công ty Internet lớn nào có ảnh hưởng tầm cỡ thế giới.
Đây là một trong những điều bí ẩn về Internet ở Nga, quốc gia vốn đã ẩn chứa rất nhiều bí mật còn chưa sáng tỏ.
Sự tách biệt khỏi Internet toàn cầu
Nếu phân tích sâu về Internet và các dòng vốn đầu tư ở quốc gia này, nhiều người sẽ nhanh chóng nhận thấy một hiện tượng thú vị: Tất cả các sự kiện lớn có liên quan, về cơ bản đều xảy ra trong giai đoạn 2008-2012.
Theo báo cáo từ Statista, hiện người dùng mạng Internet tại Nga đã lên tới hơn 100 triệu người, chiếm gần 70% dân số. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với cả Ấn Độ hay Trung Quốc. Nhưng dù mạng Internet truyền thống tại Nga có tỷ lệ phổ biến cao, mạng Internet di động lại phát triển rất lạc hậu. Chính quyền nước này không cấm các công ty Internet lớn của các quốc gia Âu Mỹ như Google và Facebook xâm nhập, nhưng các công ty này cũng chỉ có thể chiếm tỷ lệ rất nhỏ về thị phần so với các công ty bản địa.
Trong số 10 công ty Internet hàng đầu của Nga hiện nay, có hai hãng với giá trị thị trường cao nhất là Yandex và Mail.ru (chủ sở hữu mạng xã hội lớn nhất tại Nga là Vkontakte). Năm 2010, nhà cung cấp dịch vụ email Mail.ru niêm yết trên thị trường chứng khoán London của Anh, với giá trị hơn 6 tỷ USD. Tháng 5/2011, Yandex niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, với giá trị thị trường tương đương 1,3 tỷ USD. Nhưng cũng từ đó tới nay, quốc gia này không còn xuất hiện thêm một công ty Internet nào lớn hơn nữa.
Một bảng xếp hạng vào tháng 6/2018 cho thấy, trong top 100 công ty công nghệ có giá trị thị trường cao nhất thế giới, Mỹ có số lượng công ty lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc. Nga không hề xuất hiện trên bảng xếp hạng này.
Tương tự, việc đầu tư vào lĩnh vực Internet ở Nga cũng như vậy. Nên nhớ rằng để có thể tạo nên những tập đoàn công nghệ lớn không thể thiếu sự hỗ trợ phía sau của các quỹ đầu tư với dòng tiền khổng lồ không kém.
Ở Nga, nhà đầu tư nổi tiếng nhất được biết tới là Yuri Borisovich Milner, một doanh nhân với tiền thân là một nhà vật lý. Milner là người đồng sáng lập và cựu chủ tịch của Mail.ru Group. đồng thời là người sáng lập công ty đầu tư DST Global.
Ông được truyền thông thế giới khen ngợi như là "một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất hành tinh", "thiên thần Nga ở Thung lũng Silicon", hay "nhà đầu tư mạnh nhất vũ trụ".... Dù các lời khen hơi quá đà, nhưng rõ ràng Milner và quỹ đầu tư của mình, DST Global, thực sự rất xuất sắc. Công ty này đã đầu tư vào một loạt các công ty lớn nhỏ từ Trung Quốc đến Mỹ như Facebook, Twitter, Zynga, Groupon, Airbnb, JD.com, Alibaba và Xiaomi. Nhưng vấn đề là tất cả các khoản đầu tư này cũng đều được thực hiện trong giai đoạn 2008 – 2012. Sau đó, không còn một ai cũng như công ty nào của Nga vượt qua được thành tích đầu tư này nữa.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự bùng nổ của Internet ở Nga trong giai đoạn 4 năm này chịu một phần ảnh hưởng bởi Dmitry Medvedev, người đảm nhiệm vai trò tổng thống Nga trong nhiệm kỳ này. Sau khi lên làm tổng thống, Medvedev đã khiến khích "thổi những luồng gió mới" vào lĩnh vực Internet và kinh tế. Tuy nhiên sau Medvedev hết nhiệm kỳ, nhiều đại gia Internet bao gồm cả Yuri Milner và Pavel Durov (CEO Telegram), đã di cư ra nước ngoài.
Chân dung Milner - "nhà đầu tư mạnh nhất vũ trụ"
Yuri Milner, nhà đầu tư "mạnh nhất vũ trụ" theo truyền thông Nga.
"Nhà đầu tư thiên thần của nước Nga" này là một trong những người hưởng lợi lớn nhất trong bối cảnh nền kinh tế Internet mới ở giai đoạn phát triển. Ở đâu có các công ty tiềm năng, Yuri Milner mua một vé để bay thẳng qua đó, tới gặp người chủ của nó để đi thẳng vào vấn đề mua bán, thông qua việc định giá cao cùng nhiều điều kiện ưu đãi. Gần như mọi khoản đầu tư của ông đều diễn ra nhanh chóng và không cần quyền biểu quyết của Hội đồng quản trị. Ngay cả với những doanh nhân khó tính, ông vẫn được ví như một người "đáng yêu và giàu có", thân thiện "hơn cả những thiên thần".
Sau khi thành lập DST Global năm 2009, chỉ một năm sau đó Milner đã đầu tư 200 triệu USD vào dự án mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, Facebook, để lấy 2% cổ phần. Không ai biết số tiền này đến từ đâu bởi năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính đã càn quét toàn cầu, đến Facebook cũng bị ảnh hưởng.
Tiếp sau đó, ông đầu tư tiếp 380 triệu USD vào Twitter, với sự hậu thuẫn từ ngân hàng lớn thứ hai ở Nga, VTB. Nhiều người cho rằng Milner và quỹ đầu tư DST Global của ông có mối liên hệ chặt chẽ với các quỹ của chính phủ Nga, nhưng không một ai có bằng chứng rõ ràng. Sự việc càng thêm mơ hồ bởi sau đó nhà đầu tư thiên thần này lại rời Nga và đến định cư tại Mỹ.
Cũng trong giai đoạn 4 năm thần kỳ này, Nga cũng sản sinh ra một ông trùm Internet khác. Đó là Andrey Andreev, người sáng lập Badoo, ứng dụng xã hội theo hướng tính hẹn hò. Thành công với Badoo đã khuyến khích ông lập ra một loạt các công ty khác, trải rộng khắp lĩnh vực hẹn hò trực tuyến bao gồm Bumble, ứng dụng hẹn hò đồng tính Chappy và ứng dụng Lumen cho nhóm người trên 50 tuổi. Vào tháng 10/2007, ông đã thành lập công ty mẹ Worldwide Vision Ltd. tại "thiên đường thuế" Bermuda. Worldwide Vision đã thành lập 15 công ty con tại Mỹ, Anh và đảo Síp. Andreev sau đó đã hợp nhất các ứng dụng thành một nhóm nắm giữ mới có tên "Phòng thí nghiệm ma thuật" với kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới để mang mọi người lại với nhau. Tương tự Yuri Milner, ông sau đó cũng rời Nga và định cư ở London, Anh.
Blockchain và tiền tệ kỹ thuật số
Trong lĩnh vực blockchain và tiền kỹ thuật số, Nga đã sinh ra các nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực này như Vitalik Buterin và đồng Ethereum (ETH).
Do các bất ổn tài chính toàn cầu, biến động giá dầu và các lệnh trừng phạt từ các quốc gia Âu Mỹ, nền kinh tế Nga trong thời gian dài qua có tốc độ tăng trưởng thấp, chỉ khoảng 1,8% so với mức tăng trưởng trung bình 3,8% của thế giới. Điều này dẫn đến sự mất giá mạnh của đồng Rúp.
Trong nửa cuối năm 2017 đến 2018, chỉ trong vòng một năm, tỷ giá của đồng Rúp đã mất gần 20%. Đồng thời, giá cả hàng hóa đã tăng vọt, thậm chí có thời điểm giá nhu yếu phẩm hàng ngày tăng gấp đôi sau một đêm. Do đó, giới đầu tư bắt đầu sợ hãi các rủi ro kinh doanh ở Nga và dẫn đến trào lưu theo đuổi, thậm chí đam mê blockchain và tiền kỹ thuật số. Người ta ước tính rằng cứ 70 người Nga thì có một nhà đầu tư tiền điện tử.
Vào cuối năm 2013, Ethereum (ETH) được tạo ra bởi Vitalik Buterin, huy động được 18 triệu USD vốn từ cộng đồng. Đây là đợt ICO (một hình thức kêu gọi vốn đầu tư cộng đồng trong các dự án tiền điện tử) lớn thứ hai tại thời điểm đó. Đến năm 2018, Ethereum trị giá 122,3 tỷ USD, đứng thứ hai trên thế giới sau Bitcoin.
Pavel Durov Valerievich là người sáng lập ra VKontakte, trang mạng xã hội nổi tiếng nhất tại Nga và khu vực châu Âu. Nhưng sau khi bị cách chức CEO năm 2014, ông rời khỏi Nga và sang Đức thành lập Telegram, đồng thời tiến hành ICO và bán token TON (Telegram Open Network). Theo WSJ, Telegram đã huy động được 1,6 tỷ USD và trở thành dự án ICO lớn nhất thế giới. Đồng thời, ứng dụng này cũng là công cụ giao tiếp ưa thích cho cộng đồng blockchain và tiền kỹ thuật số do các nội dung nhắn tin được mã hóa và ẩn danh. Theo một số báo cáo, hơn 80% cộng đồng ICO đang hoạt động trên Telegram.
Nhưng với chính quyền Nga, đối với công nghệ blockchain và tiền kỹ thuật số "vừa yêu vừa ghét". Một mặt, Nga hy vọng sẽ sử dụng công nghệ mới này để nâng cấp nền kinh tế vốn bị đánh giá là yếu kém ở hiện tại, đồng thời vượt qua sự phong tỏa kinh tế do các áp đặt từ Mỹ. Năm 2017, người sáng lập ETH Vitalik Buterin đã hai lần gặp mặt với tổng thống Putin để trao đổi về các vấn đề liên quan.
Nhưng mặt khác, chính phủ Nga cũng đưa ra các lo ngại pháp lý liên quan tới công nghệ mới, nhằm ngăn chặn tác động không mong muốn tới quản lý và trật tự kinh tế. Hiện tại, Nga vẫn duy trì mức độ giám sát cao đối với tiền kỹ thuật số. Trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, ông Putin trực tiếp tuyên bố rằng Nga sẽ không có đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Nước Nga hiện tại đang háo hức với những sự thay đổi mới, thông qua các nỗ lực nhằm hi vọng tái hiện lại thời kỳ huy hoàng lộng lẫy như giai đoạn 4 năm trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn tồn đọng không dễ giải quyết. Nếu không vượt qua được những thử thách này, có thể Internet ở quốc gia này sẽ tiếp tục phải nán lại trong vinh quang của quá khứ, bị các quốc gia khác như Mỹ và Trung Quốc bỏ qua, mãi mãi lạc lối ở hiện tại.
Tham khảo iFeng, NYTimes, Wikipedia
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.