Điều khiến tôi chú ý nhất ngay khi bước vào là chiếc kệ lớn bày nhiều sản phẩm ly cà phê, thìa, dĩa… làm từ bã cà phê. Đại dịch Covid-19 ập đến đã làm thay đổi rất nhiều thứ ở đây, bao gồm cả định hướng sản xuất và chiến lược kinh doanh của công ty. Anh Lê Thanh cùng tôi ngồi trò chuyện, không quên khiến tôi bất ngờ khi giới thiệu rằng phần lưng của chiếc ghế mà chúng tôi đang ngồi, cũng là sản phẩm từ bã cà phê.
Anh đưa cho tôi xem chiếc móc áo từ bã cà phê do một bên chuyên gia công cho Uniqlo sản xuất. Anh cho biết Uniqlo là một trong nhiều đối tác của công ty. Cách đây không lâu, họ đã tung ra chương trình tặng ly cà phê "Sống xanh" được sản xuất từ bã cà phê tái chế cho khách hàng với mong muốn giảm thiểu lượng nhựa tiêu thụ cũng như tác động xấu lên môi trường.
Veritas chính là đơn vị tạo ra những chiếc ly "Sống xanh" đó. Bạn có thể đã nhìn thấy các sản phẩm làm từ bã cà phê, mang trong mình "sứ mệnh xanh" tại một cửa hàng thời trang hay một khách sạn nổi tiếng nào đó nhưng không hề biết rằng đơn vị sản xuất ra chúng lại là một startup Việt. Họ chấp nhận là người đứng ở phía sau, để các thương hiệu lớn truyền tải thông điệp về những sản phẩm hay chiến dịch thân thiện với môi trường.
Câu chuyện lần này của anh Lê Thanh sẽ xoay quanh những hạt nguyên liệu nhỏ bé cùng các sản phẩm mang trong mình "sứ mệnh xanh".
Veritas khởi nghiệp với một số sản phẩm khác nhau trước khi kinh doanh coffee bio-composite (hạt nguyên liệu kết hợp giữa nguồn nguyên liệu tái tạo và bã cà phê) và sản phẩm từ chúng. Điều gì khiến anh nghĩ là mình cần chuyển sang hướng đi mới này?
Đó là quyết định mang tính thời điểm, để sinh tồn. Ngày trước, chuyện kinh doanh giày từ bã cà phê, kiếm tiền cũng có nhưng tăng trưởng không như mình mong muốn và không ra ngoài thế giới được. Đang loay hoay tìm cách thì đại dịch ập đến.
Để thích nghi và sống sót, chúng tôi sản xuất khẩu trang từ bã cà phê, bình oxy. Khi đó, tôi thấy việc hợp tác với đối tác nước ngoài rất dễ dàng. Hơn nữa, vấn đề rác thải y tế, đồ dùng một lần cũng rất được quan tâm. Một số nước phương Tây đã ra lệnh cấm nhựa và sản phẩm dùng một lần. Tôi nhận thấy đây chính là cơ hội để thực hiện ước mơ tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường toàn cầu.
Lúc mới khởi nghiệp, tôi nghĩ đến chuyện làm ra sản phẩm cuối cùng nên ôm đồm từ R&D (nghiên cứu và phát triển), sản xuất, marketing, dịch vụ sau bán hàng, tài chính… nhưng sau đó, tôi thấy nên chuyên môn hóa vào lĩnh vực mình có lợi thế lâu dài, định hình lại hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, sẵn sàng bỏ hết những thứ không phải trọng tâm, đi sâu vào những thứ có lợi thế cạnh tranh hơn.
Khi nhiều nước châu Âu ra lệnh cấm nhựa, công ty của anh tìm kiếm khách hàng như thế nào?
Một bộ phận khách hàng này là những đơn vị từng mua khẩu trang của chúng tôi trong thời kỳ đại dịch. Nhờ hoạt động kinh doanh này, tôi biết được nhu cầu của họ về thiết kế cũng như việc sản phẩm cần có câu chuyện cho thị trường.
Khách hàng ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thường thích những gì có sẵn, thay bằng ngôn ngữ và logo của họ là có thể kinh doanh được. Mình chính là người tạo bệ phóng cho họ. Việc tập trung phát triển hạt nguyên liệu, làm ra sản phẩm OEM (mặt hàng được sản xuất bởi một nhà máy hoặc doanh nghiệp chuyên thực hiện những công việc như cung ứng/sản xuất theo đơn hàng của đối tác) là hướng mà chúng tôi muốn đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài. Đường dài của Veritas là kinh doanh nguyên liệu.
Anh có thể tiết lộ một chút về tỷ lệ doanh thu giữa thành phẩm và hạt nguyên liệu của công ty được không?
Tổng doanh số trong 6 tháng đầu năm nay của công ty đạt khoảng 1 triệu USD, dự kiến kết thúc năm nay sẽ tăng gấp đôi số đó. Tôi mong muốn trong tương lai, 80% doanh thu của công ty đến từ hạt nguyên liệu nhưng hiện tại đang ngược lại, nó chỉ chiếm dưới 20%. Nhiều công ty ở các nước phát triển chỉ chú trọng đến việc mua thành phẩm. Thời gian này, để thị trường hiểu rõ hơn về tính ứng dụng và để khách hàng kinh doanh được ngay, chúng tôi tạo ra sản phẩm cụ thể để họ đặt hàng.
Công ty hiện có gọi vốn đầu tư từ bên ngoài không, thưa anh?
Hiện tại, chúng tôi nhận được ba lời đề nghị mở nhà máy. Thậm chí, có công ty Nhật còn muốn hợp tác mở nhà máy bên đó. Tuy nhiên, tôi vẫn theo hướng "chậm mà chắc", tìm hiểu kỹ trước khi "cưới nhau".
Trước mắt, tôi nói với đối tác rằng họ cứ mua sản phẩm về kinh doanh. Sau một thời gian, nếu thấy thị trường đủ lớn, hướng đi bền vững, hai bên hài hòa, thì góp tiền mở rộng cũng chưa muộn..
Theo anh, đâu là lợi thế cạnh tranh của công ty?
Công ty hiện đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho nguyên liệu và công thức đã ổn định. Chúng tôi hướng tới thị trường nước ngoài nên làm như vậy để họ yên tâm hợp tác với mình. Việc đăng ký không phải phải để độc quyền ở Việt Nam mà để chứng minh cho đối tác là chúng tôi nghiêm túc trong chuyện đi đường dài với dự án.
Ngoài ra, tôi muốn biến Việt Nam thành sân nhà, có lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc ở góc độ chúng ta là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil. Vì thế, việc thu gom bã cà phê sẽ dễ dàng hơn, sản phẩm hạt nguyên liệu tốt hơn Trung Quốc về giá thành đầu vào. Họ có nền tảng sản xuất công nghiệp tốt nhưng nguyên liệu thô chưa chắc đã hơn Việt Nam.
Nhiều người hỏi tôi tại sao lại dùng bã cà phê. Tôi trả lời rằng tôi muốn khi bán sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, chúng có DNA của Việt Nam, mang dấu ấn Việt Nam.
Chúng tôi không chạy quảng cáo hay tung ra các chiến dịch marketing rầm rộ. Theo tôi, chỉ cần làm tốt việc đang làm, tiếng sẽ lành đồn xa. Ví dụ đơn hàng của khách hàng lớn, chúng tôi phục vụ họ tốt, những khách hàng nhỏ và trung bình nhìn vào sẽ muốn hợp tác với chúng tôi hơn.
Việc là người đi đầu là lợi thế nhưng cũng là thách thức. Các đối thủ có thể cải tiến và hưởng lợi từ những gì công ty đã bỏ công nghiên cứu, anh nghĩ sao về điều này?
Đã có những công ty ở Đức, Úc về vật liệu này từ năm 2013. Tại Mỹ, năm 2019, McCafe hợp tác với Ford để sản xuất một số chi tiết bằng nhựa trong xe hơi từ bã cà phê. Xét về quy mô toàn cầu, chúng tôi chỉ là người trong nhóm đầu thôi. Các thị trường và đối thủ toàn cầu có hướng kinh doanh tương tự tạo cho tôi niềm tin rằng lĩnh vực này có triển vọng.
Tôi không lo lắng lắm về cạnh tranh từ đối thủ nội địa. Thứ nhất, công ty đã đăng ký sở hữu trí tuệ, thứ hai, thị trường nhắm tới là thế giới, vô cùng rộng lớn. Nếu có các công ty khác tham gia vào cuộc chơi thì cũng không sao, anh em cùng nhau đem tiền về cho Việt Nam thì càng tốt. Chúng tôi đã có những phương án tiếp theo cho việc sản xuất từ 3-5 năm tới.
Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã nghiên cứu xem ngoài bã cà phê, nguyên liệu sinh học nào là lợi thế tiếp theo để phát triển hay thậm chí là đăng ký sở hữu trí tuệ. Chúng tôi mất 2 năm để ổn định công thức với bã cà phê như hiện tại. Giả sử 2 năm nữa, có người làm giống chúng tôi thì chúng tôi đã chào thị trường nguyên liệu và sản phẩm tiếp theo rồi.
"Bão giá" ảnh hưởng ra sao việc kinh doanh của công ty, thưa anh?
Không chỉ Veritas, những người làm kinh doanh hiện nay ai cũng rất áp lực về đầu vào, đầu ra và quản lý trong bối cảnh "bão giá" hiện nay. Chỉ cần giá sản phẩm đầu ra tăng là có thể mất khách hàng, vì thế mọi người quay qua chế độ "gồng lỗ". Tuy nhiên, đây cũng không phải cách hay vì đâu thể "gồng" được mãi.
Dịch chuyển sang sản xuất nguyên liệu và OEM là mô hình tương đối an toàn ở thời điểm này vì không đặt nặng việc sở hữu nhà xưởng, máy móc con người mà tập trung sở hữu công thức của nguyên liệu.
Xương sống của mô hình này là bán sỉ, tập trung vào công thức. Khi có đơn hàng, chúng tôi gia công theo yêu cầu của họ. Khi phục vụ thị trường toàn cầu và đa dạng hóa đối tượng khách hàng, chúng tôi có thêm nguồn thu, từ đó, có thêm cơ hội sinh tồn.
Bên cạnh đó, việc sản xuất ở quy mô lớn của chúng tôi đang rẻ hơn việc sản xuất nhựa nguyên sinh. Thậm chí khi so sánh với đối thủ từ Trung Quốc, sản phẩm của chúng tôi đang rẻ hơn vì nguyên liệu từ bã cà phê ở Việt Nam gần như miễn phí.
Quan niệm về thành công của anh là gì?
Tôi thấy thành công và trọn vẹn khi những người phía sau mình cũng được hưởng sự trọn vẹn và niềm vui của việc ủng hộ, làm việc cùng và cả giúp đỡ tôi. Tôi thích cảm giác mọi người sát cánh bên nhau, cùng nhau đặt ra mục tiêu và cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được. Doanh nghiệp thành công đối với tôi là một doanh nghiệp không có mình (người đứng đầu) mà vẫn vận hành và tăng trưởng. Mình tạo ra hệ thống và con người có khả năng kế thừa, phát triển chứ không phải kế thừa các khoản nợ (cười).
Lời khuyên của anh dành cho các startup?
Lời khuyên chân thành nhất của tôi là hãy nhắm đến thị trường đủ lớn và phải thực tế. Ai cũng ôm nhiều mộng mơ khi khởi nghiệp. Thị trường phải đủ lớn để hấp thu sự mộng mơ đó thì bạn mới tồn tại được. Nếu không có Covid-19, có thể bây giờ chúng tôi vẫn đang theo con đường bán giày, phục vụ một số đối tượng nhất định. Đại dịch đã giúp chúng tôi có tầm nhìn toàn cầu, tạo ra sản phẩm đa dạng hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài viết: Thanh Huyền | Thiết kế: Hà Mĩ | Photo: JacksonN