Đội tuyển Việt Nam và Thái Lan giống nhau ở cách sử dụng cầu thủ sinh ra ở nước ngoài
Mới đây, đội tuyển Thái Lan gây xôn xao khi công bố danh sách đội tuyển có nhóm 3 hậu vệ sinh ra ở các nước Italia và Đức. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ bản chất vấn đề, đây lại là chuyện không hề mới, cũng chẳng có gì to tát, tính chất cũng khác so với cách nhập tịch cầu thủ gốc ngoại ở Malaysia, Indonesia hiện nay hoặc Singapore trước đây.
Những cầu thủ Thái Lan vừa được gọi tập trung vào đội tuyển đất Chùa Vàng, tham dự các trận đấu giao hữu quốc tế với Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 11/10 và với Trinidad & Tobago vào ngày 14/10 vừa qua, dù sinh ra và lớn lên tại các nước châu Âu, nhưng có gốc gác Thái Lan, mang trong mình một phần dòng máu Thái, do có ông/bà, hoặc gần hơn nữa là cha/mẹ người Thái.
Những cầu thủ gồm Marco Ballini (sinh tại Italia), Manuel Bihr và Philipp Roller (cùng sinh tại Đức) của đội tuyển Thái Lan, cũng đều đã về Thái thi đấu chuyên nghiệp ở Thai-League được vài mùa, nên họ không chỉ không xa lạ với văn hoá Thái, mà còn dễ hoà đồng với bóng đá Thái Lan, đội tuyển Thái Lan.
Đây là cách mà đội tuyển Việt Nam cũng đã thực hiện. Thủ môn số 1 của đội tuyển Việt Nam hiện tại Đặng Văn Lâm vốn cũng sinh ra và lớn lên ở một quốc gia châu Âu là Nga, bắt đầu tiếp cận với bóng đá tại xứ sở Bạch Dương, sau đó mới quay trở lại quê cha đất tổ và thành danh, khoác áo đội tuyển quốc gia.
Trước nữa là trường hợp của tiền đạo Mạc Hồng Quân, lớn lên tại Cộng hoà Czech, từng khoác áo đội B của CLB nổi tiếng Sparta Prague, rồi quay trở lại quê mẹ khoác áo đội tuyển quốc gia.
Hoặc trường hợp của ngôi sao tấn công nổi tiếng một thời của giải nhà nghề Hà Lan và Mỹ là Lee Nguyễn (hiện mang quốc tịch Mỹ), suýt chút nữa đã khoác áo đội tuyển Việt Nam, nếu như trước đó Lee Nguyễn không được triệu tập vào danh sách đội tuyển U23 Mỹ dự một trận đấu quốc tế, trong khuôn khổ lịch thi đấu của FIFA.
Tức là, các đội tuyển Việt Nam và Thái Lan cũng có ý thức tận dụng nguồn cầu thủ trưởng thành ở nước ngoài, nhất là trưởng thành từ các nền bóng đá mạnh ở Âu, Mỹ. Ngoài chuyện cải thiện khả năng chuyên môn cho đội tuyển, còn cải thiện về tầm vóc của các cầu thủ, tăng khả năng tranh chấp với các đội bóng ngoại ở những giải quốc tế.
Tuy nhiên, thấy rõ là cách sử dụng con người của đội tuyển Việt Nam và Thái Lan nhắm đến những cầu thủ có gốc gác Việt, Thái, không xa lạ với văn hoá, con người Thái Lan hay Việt Nam, vừa có thể tận dụng nguồn lực từ Việt kiều, Thái kiều về đóng góp cho quê hương, vừa không làm giảm tính cạnh tranh ở đội tuyển, không triệt tiêu cơ hội vươn lên của các tài năng trẻ, tiếp tục khuyến khích các lò đào tạo trẻ cho ra lò những nhân tài.
Trong khi đó, gần đây, các đội tuyển ở Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia nhập tịch cầu thủ rất nhiều, hầu hết là những cầu thủ không hề có gốc gác Mã lai hay Indonesia.
Đội bóng xứ vạn đảo hiện sử dụng 2 tiền đạo thuần ngoại, một gốc Brazil là Alberto Goncalves và một gốc Argentina là Esteban Vizcarra. Những người này đều đã rất lớn tuổi (Goncalves 37 tuổi, Vizcarra 32 tuổi), vốn chắc chắn không thể sử dụng lâu dài, đồng thời chỉ mang tính chất chạy theo thành tích trước mắt.
Với đội tuyển Malaysia, việc đội tuyển quốc gia xứ Mã triệp tập tiền vệ gốc Gambia Mohamadou Sumareh đang gây nhiều tranh cãi trong lòng dư luận bóng đá nước này.
Những nhà chuyên môn và dư luận Malaysia vốn đang nhìn sang bài học từ người láng giềng Singapore vài năm trước để cảnh báo chính sách nhập tịch của đội tuyển nước mình.
Singapore dù có giai đoạn đạt nhiều thành tích ở AFF Cup (4 lần vô địch), nhưng sau hàng chục năm sử dụng ồ ạt cầu thủ gốc ngoại, bóng đá của đảo quốc sư tử không những không tiến bộ mà còn thụt lùi. Đặc biệt bóng đá trẻ chẳng tiến thêm chút nào trong nhiều thập niên qua, vì các cầu thủ trẻ cứ phải chứng kiến các cầu thủ nhập tịch được chọn vào đội tuyển, trước khi giảm ý chí phấn đấu rồi thui chột dần!
Trọng Vũ
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.