Doanh nhân Trương Chí Thiện: Đôi lúc phải bỏ qua những con số và tập trung vào con người
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Vĩnh Thành Đạt. |
1.
Uống thuốc ngủ là việc làm miễn cưỡng chưa từng được thực hiện trong suốt 51 năm cuộc đời của ông Trương Chí Thiện. Hai lọ thuốc ngủ đã được doanh nhân này uống gần hết trong khoảng 2 tháng qua, từ khi TP.HCM là tâm dịch Covid-19.
Hơn 30 năm kinh doanh trong ngành hàng trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện tưởng rằng, lần khủng hoảng nặng nề nhất trong sự nghiệp kinh doanh của mình đã xảy ra từ cuối năm 2003, với đại dịch cúm H5N1, khi ông rơi vào cảnh gần như trắng tay vì phát sinh nhiều khoản nợ khó đòi. Nhưng điều đó trở nên không còn đúng khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
“Khủng hoảng năm đó không bằng 1/10 của khủng hoảng Covid-19, khi mà sinh mạng con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết kéo theo sự sợ hãi và nỗi ám ảnh”, ông Thiện nói và nhớ lại, từ hồi tháng 7, đập vào mắt ông mỗi sáng thức dậy là quá nhiều thông tin tiêu cực với doanh nghiệp trong ngành, người thân của các nhân viên đang thực hiện “3 tại chỗ”, không khí ảm đạm bao trùm...
Trong một tháng, ông Thiện bị sụt 3 kg. Ông vốn là người dễ ăn, dễ ngủ, không cầu kỳ chuyện phải ăn món ngon hay cần được chế biến như thế nào. Nhưng sau khoảng một tuần thực hiện “3 tại chỗ” cùng công nhân, những món ăn dần trở nên khó nuốt.
Sự lo lắng về dịch bệnh trở thành nỗi ám ảnh. Nhiều đêm, cùng với tiếng xe cấp cứu liên tục hú vang ngoài đường, ông Thiện còn nghe thấy tiếng điện thoại đổ chuông liên hồi, dù thực tế không có cuộc gọi nào đến. Sau đó, một quy định ngầm về việc không được phép gọi điện thoại mà chỉ được nhắn tin, email được thiết lập giữa ông Thiện và các cấp quản lý trong công ty.
“Tôi còn nằm chiêm bao thấy mình dùng que xét nghiệm Covid-19 và kết quả không phải là một vạch, hay hai vạch, mà là rất nhiều vạch màu đỏ. Thấy doanh nghiệp khác có ca F0, tôi lo sợ điều đó xảy đến với các công nhân của mình. Sẽ rất dằn vặt nếu chuyện đó xảy ra ở Vĩnh Thành Đạt”, ông Thiện kể lại.
Ông không thể quên những ngày sống trong phập phồng lo sợ khi một tài xế và một nhân viên tiếp thị trở thành F0. Sự việc xảy ra vào giai đoạn đầu của làn sóng dịch lần thứ tư tại TP.HCM, nên các hoạt động truy vết được thực hiện rầm rộ. May mắn là trước đó, 2 nhân sự này đều thuộc nhóm không được phép bước vào khuôn viên cũng như khu vực sản xuất của Công ty.
Cũng nhờ tự đưa ra các quy định riêng để bảo vệ người lao động khỏi dịch bệnh, nên trong hơn 120 ngày TP.HCM thực hiện giãn cách ở nhiều cấp độ, không một ngày nào dây chuyền sản xuất của Vĩnh Thành Đạt bị ngưng trệ.
2.
Thời điểm trước giãn cách, bình quân mỗi ngày có khoảng 700.000 quả trứng mang thương hiệu Vĩnh Thành Đạt được đưa ra thị trường. Con số này đã tăng hơn 300.000 quả trong giai đoạn cao điểm vừa qua. Nhưng điều nghịch lý là, bán càng nhiều, doanh nghiệp lỗ càng lớn vì chi phí tăng quá cao.
Bên ngoài nhà máy, đối tác phân phối thường xuyên khiếu nại; các sở, ban, ngành phàn nàn vì nhận được phản ánh thiếu hàng cục bộ; quá trình lưu thông hàng hoá tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố thường xuyên ách tắc. Bên trong nhà máy, nhân viên vừa sản xuất, vừa lo lắng về sức khoẻ của người thân ở nhà, hoang mang trước những thông tin trên mạng xã hội… Đã có ít nhất 3 lần ông Thiện nghĩ đến việc tạm ngừng hoạt động trong giai đoạn thử thách vừa qua...
Nhưng mỗi lần muốn đóng cửa, vị doanh nhân này lại nhớ về dịch cúm gia cầm năm 2003, khi chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, làm mất kế sinh nhai của hàng triệu người lao động. “Mình phải ráng. Các báo cáo về doanh thu, lãi lỗ trong giai đoạn vừa rồi chỉ xem cho vui, chứ nếu để tâm thì phải đóng cửa hoặc mua lọ thuốc ngủ thứ ba”, vị doanh nhân người miền Tây nửa đùa, nửa thật nói.
Trong 30 năm kinh doanh trong ngành hàng trứng gia cầm, chưa bao giờ ông thấy mặt hàng này lại “hot” như thời điểm TP.HCM siết chặt hơn các quy định giãn cách. Một trong những nguyên nhân làm trứng khan hiếm là nhiều mạnh thường quân tìm mua với số lượng lớn để làm từ thiện và đưa đến các khu cách ly. Ông đã động viên nhân viên trong Công ty rằng, trong tình hình dịch bệnh khó khăn, hãy bỏ qua những tiêu chí về lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh, cố gắng đưa ra thị trường càng nhiều hàng càng tốt.
Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh và rơi vào tình cảnh khốn khó, con người sẽ gắn kết hơn. Đoàn kết và đồng lòng đã kết thành hàng rào bảo vệ sản xuất suốt giai đoạn vừa qua của Vĩnh Thành Đạt. Mô hình “3 tại chỗ” giúp đội ngũ quản lý cũng như mọi nhân viên trong Công ty xích lại gần nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn sau những lần tâm sự ngoài giờ làm việc. Ở cấp lãnh đạo, ông Thiện cũng nhận ra sự nhiệt tình và khả năng sẵn sàng cống hiến của mọi người, mà nếu không cùng tham gia “3 tại chỗ”, ông sẽ khó có thể cảm nhận hết được.
Từ một xưởng sản xuất thủ công, sau trận dịch cúm gia cầm năm 2003, ông Thiện quyết định cho ra đời thương hiệu Vĩnh Thành Đạt và bắt đầu xây dựng công ty bài bản hơn. Đây cũng là đơn vị đầu tiên tại TP.HCM đạt bộ tiêu chí được phép hoạt động trở lại trong ngành sản xuất trứng gia cầm và cũng là thương hiệu đầu tiên đưa trứng sạch vào hệ thống siêu thị từ hơn 15 năm trước.
Trong “nguy” có “cơ”, sau đại dịch năm 2003, khách hàng dần hình thành thói quen mua trứng có thương hiệu tại siêu thị, thay vì mua sản phẩm không rõ nguồn gốc. Từ xu hướng này, Vĩnh Thành Đạt hợp tác với các hộ nuôi, đầu tư máy móc sản xuất trứng sạch và dần phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng.
“Với đại dịch Covid-19, tôi chưa thấy cơ hội nào, mà chỉ thấy bị bầm dập, nhưng quan trọng là anh em không bị hao hụt và đều bình an”, ông Trương Chí Thiện chia sẻ khi 400 nhân viên của Công ty đều đã được tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Tất cả đều khoẻ mạnh là điều khiến ông cảm thấy nhẹ lòng.
Vị thuyền trưởng Vĩnh Thành Đạt đang chuẩn bị cùng vợ sang Canada đoàn tụ với 3 người con sau 2 năm xa cách. Ông đã yên tâm với công việc ở Công ty khi có đội ngũ quản lý thừa hành đã được “thử lửa” thời gian qua…
Đã 30 năm trong ngành hàng trứng nghĩa là ông bắt đầu kinh doanh từ năm 1990?
Từ năm 1990, khi còn là sinh viên năm thứ hai, tôi bắt đầu bán trứng ở Sài Gòn, vì anh hai ở quê chuyển hàng lên. Hồi đó, tôi mải mê bán trứng đến năm thứ tư thì đi làm, nhưng lãnh lương được mấy tháng, tôi nhận thấy vẫn nên tập trung tiếp tục bán trứng. Đến năm 1996, tôi chính thức thuê mặt bằng làm cơ sở kinh doanh trứng. Vĩnh Thành Đạt được ra đời sau khi dịch cúm gia cầm năm 2003 qua đi.
Vĩnh Thành Đạt vừa công bố là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng nhận chăn nuôi nhân đạo được cấp vào đầu tháng 9/2021. Dự án này được bắt đầu thực hiện từ khi nào, thưa ông?
Dự án được thực hiện từ lâu và vừa được Tổ chức phi lợi nhuận Humane Farm Animal Care (HFAC) cấp chứng nhận. Khoảng 6.000 con gà mái tại trang trại thí điểm của Vĩnh Thành Đạt sẽ được giải phóng khỏi những chiếc lồng nhốt chật chội trong năm đầu tiên của dự án. Đây là dự án đầy tâm huyết và đã có một số đối tác như khách sạn 5 sao, các hãng sản xuất bánh xuất khẩu… đặt hàng. Tuy nhiên, dự án ra mắt không đúng thời điểm vì nhu cầu thị trường có vẻ giảm dần, có thể khó tiếp thị và bán sản phẩm mới.
Nghĩa là tình hình kinh doanh sắp tới sẽ ảm đạm?
Có vẻ từ đầu tháng 10 đến giờ, sức mua của thị trường yếu đi. Nhưng chúng tôi vẫn đưa ra thị trường một số sản phẩm mới. Nếu chỉ nuôi gà để lấy trứng rồi làm sạch thì giá trị không cao. Để phát triển, cần tìm cách phục vụ thị trường ngách với sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.