Diễn giả Francis Hùng: Nếu có mục tiêu và có kế hoạch phấn đấu thì không gì là không thể LỮ Ý NHI 29/3/2018
Với bề dày thành tích nổi bật: Chín lần được thăng chức qua 3 tập đoàn hàng đầu thế giới là Marriott (Mỹ), Princess D' Annam (Pháp) và Ascott International (Singapore), sáng lập Công ty Tư vấn - Đào tạo doanh nghiệp Fresh View Training&Consulting và từng diễn thuyết, tư vấn, đào tạo cho hơn 1.000 doanh nghiệp, trong đó có 80% là tập đoàn đa quốc gia, Francis Hùng (Vương Hữu Hùng) là người Việt Nam đầu tiên được Tổ chức Di trú Hoa Kỳ công nhận danh hiệu Nhân tài trong 3 lĩnh vực diễn thuyết, đào tạo, tư vấn chiến lược kinh doanh vào đầu năm 2018.
* Chúc mừng ông! Nếu chia sẻ niềm vui ấy, ông muốn nói điều gì?
- Xuất phát điểm của tôi cũng như bao bạn trẻ người Việt thế hệ 7X khi phần lớn quá trình học tập, nghiên cứu đều từ các cơ sở đào tạo tại Việt Nam, kết hợp với quá trình làm việc, đúc kết kinh nghiệm từ các tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy, điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ, đó là sự khác biệt và nấc thang thành công chính là sự nỗ lực của mỗi người sau khi đã hoàn thành cơ bản các chương trình học tập và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc.
Là người Việt Nam đầu tiên nhận danh hiệu Nhân tài, tôi rất vui và tự hào vì nếu tôi là người châu Âu thì không có gì đáng ngạc nhiên nhưng tôi là người châu Á, là người Việt Nam - một nước chưa có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, nhưng lại đào tạo cho nhiều doanh nghiệp của thế giới thì đó là điều hiếm. Qua đây, tôi muốn khẳng định thêm với các bạn trẻ: Nếu có mục tiêu và có kế hoạch phấn đấu cho mục tiêu thì không gì là không thể. Bởi khi có mục tiêu, bạn sẽ không bị lạc hướng và có động lực để sống hết mình cho mục tiêu đó.
* Có hai quyết định trong sự nghiệp mà không ít người cho rằng ông "bị lạc hướng", đó là từ bỏ vị trí giám đốc tại các tập đoàn đa quốc gia để mở Nhà hàng bún cá Miền Tây, và trở thành nhà diễn thuyết. Song, cả hai công việc đều thành công. Ông rút ra bài học gì cho thành công này?
- Trước khi làm một việc gì, điều quan trọng nhất là phải biết điểm mạnh, điểm yếu của mình và hãy đặt niềm tin vào những công việc đang làm. Điểm mạnh của tôi lúc đó chính là ngoại ngữ.
Thời đi học, tôi rất thích ngoại ngữ, đến đại học, mục tiêu tôi đặt ra là làm sao nói tiếng Anh như người bản xứ vì tôi thấy nền kinh tế Singapore hay Hong Kong phát triển là nhờ những doanh nhân đi bất cứ nước nào để tìm cơ hội kinh doanh, mà công cụ họ trang bị đầu tiên chính là tiếng Anh. Một kỹ năng nữa phải rèn luyện, đó là sự tập trung cao độ, chỉ làm những việc mình giỏi chứ không ôm đồm, phải biết trân trọng và học hỏi những gì người khác giỏi hơn mình.
Năm 1999, tôi tốt nghiệp cử nhân luật nhưng thấy ngành luật không có nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp, nhất là phát huy điểm mạnh ngoại ngữ, nên tôi không đi theo nghề mà xin làm nhân viên lễ tân cho Tập đoàn Khách sạn Marriott của Mỹ. Mục tiêu của tôi lúc đó là được làm việc trong một môi trường chuẩn quốc tế để được học hỏi, mở rộng tầm nhìn và được gặp gỡ và nói chuyện với nhiều người từ nhiều nền văn hóa.
Với tham vọng học được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất, tôi đã rất chăm chỉ học hỏi kiến thức từ chính công việc và những người quanh mình, liên tục được khen ngợi, thăng chức, được trao giải thưởng Giám đốc bán hàng tốt nhất Việt Nam, hai lần được Tập đoàn Capitaland trao giải thưởng Ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh.
Hơn 10 năm làm việc với các tập đoàn đa quốc gia, tôi học được kế hoạch phát triển bản thân và công việc. Thường khi làm việc với các chủ doanh nghiệp, họ hay hỏi, ông sẽ có kế hoạch gì để phát triển tập đoàn trong vài ba năm tới. Điều đó khiến tôi luôn phải có mục tiêu rõ ràng cho công việc và đặt ra lộ trình thực hiện cụ thể. Cũng từ đây, tôi nhận ra cần phải có kế hoạch 10 năm tới cho bản thân, dù đang nhận mức lương khá cao, hơn 50 triệu đồng mỗi tháng.
Nhưng nếu chỉ làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, mãi mãi mình là người làm thuê. Vậy nên, thương hiệu Nhà hàng bún cá Miền Tây (Bucamita) đã ra đời với kỳ vọng đem món ăn vốn là món đặc sản quê nhà tôi trở thành món ăn ưa thích không chỉ cho nhiều người trong nước mà còn là người nước ngoài, thông qua mô hình kinh doanh nhượng quyền. Hiện nay Bucamita đã có mặt ở Florida, Mỹ.
Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm từ thời làm thuê và cả làm chủ, cộng với kiến thức học hỏi được để các công ty phát triển nguồn nhân lực và các bạn trẻ có thêm kỹ năng tự tin làm tốt hơn trong công việc, Và tôi quyết định bước vào ngã rẽ thứ hai: diễn thuyết và huấn luyện.
* Chắc là ông có người đứng sau động viên?
- Là mẹ tôi. Hồi nhỏ, tôi thường ngủ tại ruộng lúa với mẹ, Nhiều đêm nhìn lên bầu trời, tôi ước ao rất nhiều điều và chia sẻ với mẹ. Mẹ tôi động viên con sẽ đạt được. Và mẹ luôn khích lệ mọi mơ ước của tôi. Chưa bao giờ mẹ nói những lời làm tôi xuống tinh thần. Trên bước đường tìm sự nghiệp, mẹ đã cho tôi sức mạnh, ươm mầm niềm tin cho tôi trong suốt quá trình học tập, phấn đấu và ghi điểm trên thương trường. Tôi biết ơn mẹ rất nhiều.
* Thành lập công ty đào tạo và trở thành diễn giả, chuyên gia tư vấn vào thời điểm mà ở Việt Nam nghề này còn rất mới, không ít người đã phải bỏ cuộc. Có lúc nào ông lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan?
- Năm 2008, ở Singapore chỉ có bốn triệu dân mà có đến vài nghìn diễn giả, trong khi đó ở Việt Nam, dân số khoảng 90 triệu nhưng số lượng diễn giả chuyên nghiệp, sống bằng nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số lượng diễn giả về kinh tế có thể truyền cảm hứng cho giới lãnh đạo lại càng ít.
Để theo đuổi một nghề mà nhu cầu còn rất mới là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, nghề diễn thuyết là nghề phải có đam mê và giá trị lớn nhất nó mang lại là có thể làm thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy của nhiều người, nên tôi cảm thấy giá trị của người làm nghề. Đó là lý do tôi chưa bao giờ muốn bỏ cuộc.
* Đó là khó khăn khách quan, còn khó khăn nào khác không, thưa ông?
- Cái khó của một diễn giả kiêm tư vấn chiến lược là phải có đủ trải nghiệm và kiến thức vì lãnh đạo các tập đoàn là những người giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp về kinh doanh. Vì vậy, không phải ai cũng làm được diễn giả kinh tế. Thường lãnh đạo các tập đoàn như Mercedes-Bens, Lexus, Toyota chẳng hạn, rất bảo thủ và khó tính, họ khó chấp nhận người khác quốc tịch đào tạo nhân sự của họ. Vì vậy, một diễn giả người Việt được họ chọn đào tạo cho thấy việc nghiên cứu học thuật của người Việt đã có những chuẩn mực cao được thế giới chấp nhận.
Hơn 10 năm qua, với số lượng đào tạo và diễn thuyết lên tới cả ngàn doanh nghiệp, phần lớn là các tập đoàn đầu tư tại Việt Nam, tôi đã giúp họ hòa nhập, hiểu biết và nâng cao văn hóa của cả hai quốc gia, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu được triết lý kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia, tránh cho các doanh nghiệp những lãng phí nguồn lực từ những hiểu lầm về văn hóa kinh doanh.
* Có hai tình huống xảy ra khi nghe diễn thuyết. Một là nhân viên đều muốn bỏ việc ở công ty để khởi nghiệp, hai là nhân viên đều muốn cống hiến nhiều hơn cho công ty. Theo ông thì...
- Tôi nghiêng về tình huống thứ hai. Nhưng khi Chính phủ Việt Nam phát động khởi nghiệp, rất nhiều người nhầm lẫn khái niệm này khi cho rằng khởi nghiệp là ra mở công ty và làm chủ. Song, đó mới chỉ là một vế của khái niệm khởi nghiệp. Vế thứ hai là khởi đầu một công việc. Ví dụ bạn muốn bắt đầu từ một nhân sự giỏi ở một công ty để vươn lên vị trí cao hơn thì đó cũng là khởi nghiệp.
* Từng đoạt giải thưởng Giám đốc bán hàng xuất sắc nhất Việt Nam, bí quyết bán hàng đó là gì, ông có thể chia sẻ?
- Sáng tạo trong kinh doanh là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt bán hàng là lĩnh vực đóng góp trực tiếp vào doanh số cho công ty nên sáng tạo luôn được đề cao. Quá trình nghiên cứu và trải nghiệm, tôi đã đưa ra "bốn con người" phải có trong một người làm công việc bán hàng để làm huấn luyện cho bất cứ ai muốn tăng doanh số bán hàng.
Bốn tố chất này đã được các công ty áp dụng trong kinh doanh và nó cũng là bằng chứng để Hoa Kỳ công nhận ý tưởng sáng tạo. Bốn tố chất trong một con người bán hàng, đó là: Người nghệ sĩ (tính sáng tạo), vận động viên (để chịu được áp lực cao từ công việc), nhà tâm lý (để hiểu khách hàng) và nhà toán học (để có tư duy logic và hiểu những con số).
* Được biết kế hoạch sắp tới của ông là xây dựng chương trình đào tạo "thay đổi tư duy" cho hộ kinh doanh cá thể. Cụ thể, thay đổi đó là gì, thưa ông?
- Ở nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, nhiều tập đoàn lớn đều xuất thân từ hộ kinh doanh cá thể, rồi dần dần học hỏi, phát triển và trở nên hùng mạnh. Nhưng tại Việt Nam, rất nhiều hộ gia đình kinh doanh có quy mô lớn vẫn không chịu trở thành doanh nghiệp dù lực lượng lao động này đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Nếu được hỗ trợ kỹ năng kinh doanh và nhiều yếu tố khác, những hộ kinh doanh bún bò, hủ tiếu, xôi... cũng có thể phát triển thành tập đoàn.
Mong muốn của tôi và cộng sự là kinh doanh nhỏ có thể phát triển thành kinh doanh khá, có thể thành doanh nghiệp lớn. Những mặt hàng kinh doanh như bánh chưng, mì Quảng đều có thể tiếp cận thị trường nước ngoài nếu người kinh doanh được hỗ trợ tốt. Tại sao dân Nhật, dân Hàn Quốc mang sushi, kim chi đi khắp thế giới mà chúng ta lại không?
Theo tôi, điểm yếu của những người làm kinh doanh Việt Nam là không ai phục ai, sự nghi ngờ nhau cũng phổ biến. Thực tế cho thấy, ở nơi nào lòng tin thấp thì chi phí luôn tăng. Bởi lòng tin thấp nên cần có rất nhiều giấy tờ phải công chứng, phải trải qua kiểm tra chéo, thậm chí khi có đầy đủ tiêu chuẩn vẫn không tin nhau. Vì vậy, nỗ lực của tôi là phải góp phần thay đổi tư duy để hiểu chữ tín trong kinh doanh.
Tâm lý chung của hộ kinh doanh cá thể là sợ phiền phức, thậm chí là "né” khai thuế để tiết kiệm, nhưng giá trị của một doanh nghiệp sẽ được quyết định bởi số tiền mà doanh nghiệp nộp cho Nhà nước và một doanh nghiệp đóng thuế nhiều thì giá trị thương hiệu của được đánh giá cao. Ở các quốc gia tiên tiến, trách nhiệm đóng thuế rất được khuyến khích. Vì vậy, tôi muốn chung sức thay đổi tư duy đối với doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời chứng minh giá trị thương hiệu của họ khi hoàn thành nghĩa vụ thuế minh bạch.
* Ông vừa tiết lộ nhiệm vụ sắp tới làm là vai trò cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Mỹ, và ngược lại, Ông sẽ tư vấn điều gì cho những doanh nghiệp này?
- Điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào thị trường Mỹ là không biết nhiều về pháp lý vì luật pháp của Mỹ vô cùng phức tạp, ngay cả luật sư cũng chỉ hiểu một vài lĩnh vực. Vì vậy, khi mình kinh doanh lĩnh vực nào phải tìm đúng luật sư lĩnh vực đó. Thậm chí giấy phép hành nghề cũng bị giới hạn bởi lãnh thổ của tiểu bang và mỗi luật sư cũng chỉ được hành nghề ở một bang nào đó.
Khi doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào Hoa Kỳ thì không chỉ cạnh tranh với hàng nội địa của Hoa Kỳ mà còn phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa từ khắp thế giới. Cho nên doanh nghiệp Việt không thể chỉ chăm chăm tìm hiểu xem Hoa Kỳ đang sản xuất gì để cạnh tranh mà cần phải quan tâm các đối thủ khác tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan, Trung Quốc... đang có mặt hàng gì, tiêu chuẩn của các mặt hàng đó ở Hoa Kỳ ra sao.
Ngoài yếu tố pháp lý, tiêu chuẩn hàng hóa, các doanh nghiệp còn phải tìm hiểu kỹ văn hóa kinh doanh và thị trường Hoa Kỳ. Ba yếu tố này chính là cầu nối quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam muốn kinh doanh tại Hoa Kỳ. Nhiệm vụ tư vấn của tôi là giúp rút ngắn quá trình mày mò, khảo sát cho họ. Ngược lại, tôi cũng phải giúp doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn kinh doanh tại Việt Nam hiểu luật pháp và kỹ năng của lao động Việt Nam, biết được các lĩnh vực đầu tư tiềm năng và dự kiến thời gian hoàn vốn để họ có quyết định đầu tư chính xác.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.