Đi làm thời bình thường mới: Ngày đến văn phòng, ngày ở nhà
Làm việc từ xa - từ kép phụ lên vai chính?
“Thay vì phải đến công ty lúc 9h sáng và check out lúc 5h chiều, khi làm việc ở nhà, mình có thể chủ động làm việc từ lúc 7h sáng và tăng tốc hoàn thành mọi việc trước lúc ăn trưa. Mình có thời gian để nghỉ trưa, buổi chiều có thể thảnh thơi cà phê, trà sữa, miễn luôn available là đươc! Mình cũng tiết kiệm được kha khá tiền xăng và bớt sự mệt mỏi khi phải chạy đua giữa dòng đời kẹt xe. Tâm trạng và hiệu suất công việc tăng lên đáng kể”. Thu Hồng (20 tuổi), thành viên năng nổ thuộc team làm việc tại nhà chia sẻ.
Sau 2 năm làm việc tại nhà trong đại dịch, số lượng người lao động với suy nghĩ giống cô bạn 20 tuổi trên không còn là thiểu số. Khảo sát của Boston Consulting Group tại Mỹ, Đức và Ấn Độ cho thấy 75% nhân viên duy trì hoặc cải thiện hiệu suất làm việc cá nhân khi thay đổi mô hình từ chốn công sở sang “chốn nghỉ ngơi”. Với hiệu suất làm việc tập thể, con số này vẫn đạt tỷ lệ tích cực là 51%. Điều này khiến giới nhân sự không khỏi băn khoăn việc đưa “kép phụ” làm việc tại nhà lên “vai chính”.
Covid-19 và “work from home” có một điểm chung, đó là đến và mãi ở lại |
Thế khó từ vị trí quản lý
Nếu nhân viên dễ thích nghi với việc làm tại nhà, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp lại không khỏi “kêu trời”.
Đăng Vinh, Giám đốc một công ty truyền thông chia sẻ phải dành khá nhiều thời gian để xây dựng lại quy trình quản lý nhân sự trong giai đoạn giãn cách.
“Mọi giao tiếp của tôi với đội ngũ nhân viên hay khách hàng đều diễn ra trực tuyến. Tuy áp dụng nhiều phần mềm giao tiếp, làm việc để không “xa mặt”, nhưng đôi khi vẫn xảy ra tình trạng “không thấy mặt”. Quá trình làm việc với khách hàng cũng có nhiều trở ngại khi các cuộc họp online thường gặp trục trặc kĩ thuật, rớt kết nối”. Vinh chia sẻ.
Làm việc tại văn phòng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết đội ngũ nhân viên |
Hybrid Working – Ngày đến văn phòng, ngày ở nhà
Giữa những cuộc thảo luận chưa có hồi kết với câu hỏi: Nên làm việc tại văn phòng hay cho nhân viên tự do làm việc từ xa, đâu là giải pháp giúp làm hài lòng nhân sự, nhưng vẫn đảm bảo việc vận hành doanh nghiệp?
Bà Tiêu Yến Trinh, CEO công ty tư vấn nhân sự Talentnet, đã chỉ ra các tín hiệu đáng mừng khi áp dụng mô hình Hybrid Working vào quản trị: “Trong giai đoạn sống chung với đại dịch, 81% nhà lãnh đạo đang thay đổi các chính sách về nơi làm việc để tạo ra sự linh hoạt hơn. Trong đó, ‘Hybrid Working’ hay mô hình làm việc kết hợp, sở hữu ưu điểm của cả làm việc từ xa và tại văn phòng, đang là xu hướng đáp ứng mong mỏi của cả hai nhóm nhu cầu. Tuy vậy, để nhân rộng hiệu quả, có không ít thách thức doanh nghiệp cần thích ứng”.
Theo bà Trinh, doanh nghiệp có thể tham khảo các bí quyết để vừa làm đẹp lòng nhân sự, vừa giảm tải áp lực quản trị lên HR và lãnh đạo:
Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng: Điều quan trọng khi triển khai mô hình Hybrid Working là “hiểu trong thấu ngoài” để giảm tải sự xung khắc giữa hai luồng quan điểm. Tiếp đến, doanh nghiệp cần cung cấp một môi trường làm việc bình đẳng cho mọi đối tượng, dù nhân sự làm việc ở đâu, họ vẫn nhận được sự tôn trọng và cơ hội phát triển xứng đáng với kết quả đầu ra.
Bổ sung giải pháp hỗ trợ: Các hoạt động nhân sự cốt lõi như tuyển dụng, giới thiệu, đào tạo cho đến quản lý hiệu suất cần được tái thiết kế để phù hợp với Hybrid Working. Đồng thời, các nhân viên cần nhận được sự hỗ trợ đầy đủ công cụ, hệ thống, quy trình… để có thể “cày cuốc” hiệu quả.
Từng bước nâng cấp: Lãnh đạo cần chú trọng kỳ vọng của nhân viên nhưng vẫn đảm bảo lợi ích công ty, đảm bảo hiệu suất công việc nhằm có những bước điều chỉnh phù hợp. Công ty nên thăm dò ý kiến nhân viên để kịp thời điều chỉnh. Chẳng hạn với các công ty như Google hoặc Ford, mỗi phòng ban sẽ có quyền tự do điều chỉnh lịch trình làm việc tại nhà và tại văn phòng để phù hợp với nhu cầu riêng.
“Mô hình làm việc mới chắc chắn sẽ có những chệch choạch khi bước đầu áp dụng, dẫn tới hiệu quả chưa cao hoặc khó khăn cho nhân viên và quản lý trong quá trình thực hiện. Vì thế, phòng Nhân sự cần có lộ trình phát triển phù hợp, cởi mở đón nhận phản hồi từ các bộ phận khác để liên tục cải thiện mô hình làm việc mới phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp. Làm việc kết hợp chắc chắn sẽ ngày càng thu hút nhiều nhân tài và từng bước trở thành mô hình định hình tương lai của thị trường lao động Việt Nam”, bà Trinh kết luận.
Theo Như Loan - Báo Đầu Tư
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.