Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.
Trao đổi với báo Lao Động, luật sư Nguyễn Thanh Hà nói: “Với điều kiện kinh tế, đời sống và mức thu nhập của người dân Việt Nam như hiện nay, đề xuất về việc đánh thuế đất ở và nhà ở từ 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng trở lên là rất bất hợp lý. Đối với một người dân bình thường, để sở hữu một căn nhà hoặc đất rất là gian nan và khó khăn với những khoản lãi suất ngân hàng khá cao.
Cũng theo ông Hà, ở các quốc gia khác trên thế giới, chính phủ đánh thuế từ căn nhà thứ hai hoặc thứ ba trở đi. Nếu đánh thuế vào ngay ngôi nhà đầu tiên thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân. Thêm nữa, để hình thành được một căn nhà, chủ đầu tư cũng phải đóng các loại thuế khác nhau như thuế nguyên vật liệu xây dựng, thuế về quyền sử dụng đất,…
“Theo tôi, giải thích của Bộ Tài chính về việc đánh thuế đối với nhà ở và đất đai là để gia tăng công bằng xã hội là không hợp lý. Một căn nhà từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng là rất khó khăn với một người dân bình thường, nhưng hiện nay để mua được một căn nhà ở đô thị thì số tiền phải có khoảng 1.5 đến 2 tỷ đồng.
Thực tế, đánh thuế này để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước chứ không có tác dụng làm giảm sự phân hóa giàu nghèo hay cải thiện an sinh xã hội. Bởi theo tôi, đánh thuế như vậy là đã đánh cả vào người có thu nhập thấp và trung bình chứ không phải chỉ đánh thuế với người giàu” – luật sư Hà thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Với hy vọng tránh đầu cơ tài sản nhà đất, có lẽ Bộ Tài chính sẽ phải xem xét kỹ lưỡng việc nên đánh thuế này vào cá nhân hay hộ gia đình.
Theo luật sư Hà, “sẽ xảy ra tình trạng lách luật, đứng tên ảo các “bất động sản”, tuy nhiên để làm chuyện này lại không đơn giản. Về mặt pháp lý, nếu họ lách luật bằng cách như vậy thì tức là đang nhờ người khác đứng tên tài sản của họ. Như vậy, họ sẽ phải lựa chọn giữa việc sở hữu căn nhà thứ hai và đóng thuế, hoặc nhờ người khác đứng tên với một rủi ro lớn hơn. Bên cạnh đó, cũng có thể nảy sinh ra lách luật bằng hình thức để cho mỗi thành viên trong một gia đình sở hữu một căn nhà/miếng đất”.