Danh hài Chiến Thắng: "Tôi bị người ta chửi nhiều, còn bị đấm sưng cả mắt…"
Dịch Covid - 19 ảnh hưởng như nào đến công việc đi diễn của anh?
Thời gian vừa rồi là thời điểm cưới xin, nhiều sự kiện. Tôi cũng nhận được nhiều lời mời biểu diễn các nơi. Có ngày tôi phải chạy đến 3 tỉnh, vẫn đủ sức diễn.
Nhưng vì diễn biến phức tạp của Covid - 19 nên các sự kiện tôi đã nhận lời đồng loạt bị hủy. Trong vòng hai tuần, tôi bị hủy hơn 10 show. Khó khăn đấy, nhưng đó là tình hình chung, mình phải chịu, phải chấp nhận.
Ế show, tôi về quê với vợ con, chơi với con, chăm con cũng vui. Vì đã trải qua những lần hủy show vì Covid- 19 nên giờ mình cũng không quá hốt hoảng nữa. Tôi cũng có kinh nghiệm không dám chi tiêu hoang phí, biết tiết kiệm để phòng thân.
Nhưng tôi cũng thấy, nhiều người còn chủ quan quá, ý thức phòng tránh dịch chưa tốt. Tôi vẫn thấy có người ra đường không đeo khẩu trang, vẫn còn tụ tập đông người…
Sở hữu biệt thự, xe sang, đồ nội thất bằng gỗ cầu kỳ… nghe nói, nhờ chăm chỉ "cày show" nên Chiến Thắng giàu có lắm?
Thật ra, đó là sự tích góp nhiều năm chứ không phải tự nhiên mà có. Tôi là người chăm chỉ nên biết tiết kiệm thôi. So với nhiều người thì mình cũng ổn, chứ không đến mức giàu có như lời đồn.
Bạn không biết đâu, có người gọi Chiến Thắng là ca sĩ "hội chợ". Nhưng tôi kệ. Mùa dịch thấy tôi ít show, thì họ chê hết thời, đi diễn nhiều thì bảo nghệ sĩ thị trường chuyên đám cưới hội chợ, show gì cũng nhận...
Nhiều nghệ sĩ diễn hội chợ, đám cưới mà cơ ngơi của họ đáng nể đó chứ, Lâm Chấn Huy là một ví dụ. Nghệ sĩ cũng là người, cũng cần kiếm tiền nuôi gia đình. Diễn ở đâu cũng là diễn, cũng có khán giả xem là được rồi. Không có nghệ sĩ sang hay hèn. Nơi nào có khán giả yêu mến, đón nhận thì mình đều biểu diễn hết mình.
Có thông tin anh nhận mức cát - sê cao kỷ lục lên tới cả tỷ đồng, thực hư thế nào?
Đúng là mức cát - sê cao nhất tôi từng nhận được là 1 tỷ đồng. Đó là dự án đóng phim ca nhạc dài hơi. Tôi vừa hát vừa diễn rất nhiều ca khúc. Cái giá đó cũng là nhà sản xuất tự trả, tôi không hét cát - sê.
Nhiều người cho rằng nghệ sĩ… dễ kiếm tiền lắm, vì thế rất nhiều người theo đuổi giấc mơ trở thành ca sĩ, diễn viên dù tài năng, thực lực không có. Là người trong nghề, anh nghĩ sao về điều này?
Nghề diễn cũng có nhiều chông gai lắm. Mọi người chỉ nhìn vào thứ hào nhoáng mà không biết nhiều nghệ sĩ vất vả thế nào đâu.
Như tôi, có lúc kiếm tiền tỷ nhưng cũng nhiều lúc diễn show… 0 đồng. Với những chương trình của người quen, chương trình từ thiện mình diễn không nhận cát - sê. Nhưng cũng có show diễn bị bầu show quỵt tiền. Ấm ức, cay đắng lắm!
Cái thời đi diễn ở các quán cà phê ca nhạc, cát-sê của tôi chỉ được 50 ngàn đồng. Mà có lần còn bị quỵt, đứng đợi dưới trời mưa cả tiếng đồng hồ mà bầu show lặn mất tăm.
Sau này, gặp phải bầu show không tử tế, tình trạng mình diễn xong cả tháng trời mà tiền cát-sê chưa nhận được vẫn xảy ra.
Đi diễn tỉnh, sân khấu ngoài trời, hội chợ mình cũng gặp nhiều rủi ro chứ. Tôi cũng bị khán giả chửi nhiều. Họ thích thì chửi thôi, chẳng có lý do gì. Thậm chí, mình đang hát còn bị ném chai lọ, ném đá lên sân khấu, suýt trúng mặt.
Một số ca sĩ đi hát hội chợ không tránh khỏi việc bị dọa đánh, xảy ra xô xát, anh gặp phải tình trạng này không?
Đã làm nghề thì không tránh khỏi. Đôi khi gặp phải mấy ông say rượu, không làm chủ hành vi, lời nói, mình bị dọa đánh là… chuyện bình thường. Cũng có mấy cậu choai choai, sĩ diện cà khịa nọ kia.
Nhưng nghề "làm dâu trăm họ", tôi cũng rèn luyện cho mình bản lĩnh, kinh nghiệm ứng phó với các tình huống. Thực ra, người chửi mình, cà khịa, ném chai lọ… chỉ là những phần tử quá khích. Đôi khi cũng là sự nghịch ngợm, tò mò hay suy nghĩ tích cực hơn là vì chuộng nghệ sĩ nên họ muốn gây chú ý, đụng chạm, cấu véo…
Có một kỷ niệm như này. Cách đây hơn chục năm, tôi theo đoàn về một cái làng biểu diễn. Ngày đó, ban ngày nghệ sĩ ngồi xe rồi chạy quanh làng cho dân nhìn mặt, loa quảng cáo giới thiệu chương trình tối sẽ có nghệ sĩ A, nghệ sĩ B… Mời bà con mấy giờ tối có mặt tại địa điểm mua vé xem. Khi xe đang đi chầm chậm có một ông lao từ nhà ra đấm thẳng vào mắt, khiến tôi choáng váng. Bị người dân ra can ngăn nên ông kia mới lảng dần, đi vào nhà…
Có lẽ ông ta say rượu hoặc khó chịu bởi tiếng ồn phát từ loa xe quảng cáo, nhưng đó đâu phải lỗi tại tôi? Tôi và mọi người cũng không làm căng vì không muốn ảnh hưởng đến chương trình biểu diễn. Mắt sưng mà tối tôi vẫn phải lên sân khấu diễn…
"Làm dâu trăm họ" khổ vậy đấy. Nhưng tôi chỉ làm nghề, không đôi co, không xô xát. Vậy mới bền lâu được.
Không phải nghệ sĩ nào cũng đủ bình tĩnh để ứng xử khéo léo với các tình huống phát sinh khi đi diễn tỉnh, các hội chợ…
Sở dĩ, bao nhiêu năm đi diễn, mình vẫn được khán giả đón nhận là vì biết ứng xử mềm mỏng, khéo léo và cả sự nhẫn nhịn. Thực ra, mình làm căng với khán giả thì được gì?
Khi đi diễn tỉnh, tôi chỉ có đi một mình, không người thân, không vệ sĩ. Có người hỏi: "Danh hài Chiến Thắng đi diễn mà không có vệ sĩ à?" Họ thắc mắc cũng là bình thường vì có không ít nghệ sĩ trẻ làm màu, làm quá, đi biểu diễn mà cũng mang theo vài nghệ sĩ, khiến người ta ngứa mắt. Vì thế mới xảy ra xô xát, đánh nhau…
Tôi thì nghĩ nghệ sĩ thì cũng là người thường, mình cứ giản dị, khiêm tốn thì đi đến đâu cũng thoải mái.
Nguyễn Hằng
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.