Đại gia ô tô phá sản, khối tài sản ngàn tỷ đồng bán rẻ không ai mua
Nợ như “chúa chổm”
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục rao bán hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là lần thứ 4 Vietcombank thông báo phát mãi tài sản nhằm giải quyết khối nợ xấu lâu năm này.
Vào đầu tháng 4/2020, Vietcombank đã rao bán tài sản của Vinaxuki Thanh Hóa với giá khởi điểm 44,3 tỷ đồng nhưng không có người mua. Tiếp tục những lần rao bán sau đó, giá liên tục giảm, lần lượt xuống còn 42,9 tỷ đồng, 39,5 tỷ đồng và giờ đây là 36,3 tỷ đồng.
Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa bao gồm tài sản gắn liền với đất và máy móc thiết bị, được hình thành thuộc dự án xây dựng: Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng... diện tích sử dụng đất là 456.344 m2 và diện tích nhà xưởng xây dựng khoảng 36.000 m2. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 26/1/2059. Máy móc thiết bị của Vinaxuki Thanh Hóa gồm có: cẩu trục 10 tấn, cẩu trục 5 tấn, 2 máy nén khí, máy sấy khí, 4 máy cán tôn thủy lực và các loại máy xúc, máy ủi cùng những máy móc thiết bị khác...
Đầu năm 2019, Ngân hàng Vietcombank đã khởi kiện Công ty TNHH MTV Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa ra TAND huyện Hậu Lộc. Vietcombank yêu cầu Vinaxuki thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với số tiền gần 188 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm: nợ gốc xấp xỉ 98 tỷ đồng; nợ lãi trong hạn hơn 78 tỷ đồng; nợ lãi quá hạn gần 11,7 tỷ đồng (tính đến 10/4/2019). Đồng thời, buộc Vinaxuki Thanh Hóa tiếp tục thanh toán lãi phát sinh cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ; xử lý các tài sản bảo đảm theo các hợp đồng thế chấp đã ký kết.
Về phía Công ty Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đã xác nhận trước tòa khoản nợ gốc gần 98 tỷ đồng nhưng không có khả năng trả. Vinaxuki Thanh Hóa đồng ý cho Vietcombank xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ và xóa nợ như đã thỏa thuận vào năm 2015.
Theo ông Huyên, năm 2009 Vinaxuki đã đầu tư giai đoạn 1 dự án Nhà máy ô tô Thanh Hóa với số vốn 200 tỷ đồng. Bao gồm các phân xưởng lắp ráp, phân xưởng sản xuất thùng xe và kho chứa linh phụ kiện. Còn tới năm 2012, tổng giá trị của các tài sản là 297,227 tỷ đồng.
Không chỉ Vietcombank, giữa tháng 2/2020, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Thái Nguyên. Đây là khoản nợ đã được ngân hàng giải ngân cho Vinaxuki và Nhà máy tại Thái Nguyên, để vận hành sản xuất ô tô “Made in Vietnam” từ những năm trước đó.
Tính đến giữa tháng 9/2019, tổng dư nợ gốc và lãi của khoản vay này là 1.265 tỷ đồng. Khoản nợ trên có tài sản bảo đảm, gồm một lô đất và tài sản gắn liền tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội) với tổng diện tích 138.814 m2. Đây chính là nơi đặt nhà máy sản xuất của Vinaxuki. Cùng với đó là máy móc thiết bị tại nhà máy Vinaxuki Mê Linh; quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại xã Đắk Drông, huyện Cư Jút (Đắk Nông); tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên.
Ngàn tỷ thành sắt vụn
Trong khi các ngân hàng rốt ráo phát mãi tài sản của Vinaxuki để giải quyết nợ xấu thì chẳng ai hỏi mua. Đầu tư sản xuất ô tô từ năm 2004, Vinaxuki tiến hành xây dựng nhà máy tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm. Giai đoạn 2006-2008, nhà máy này đã sản xuất trên 20 dòng xe tải, với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Từ khi hoạt động, nhà máy đều có lãi; sau 3 năm đã thu hồi vốn, trả nợ cho các ngân hàng.
Giai đoạn từ 2006-2009 là “thời hoàng kim” của Vinaxuki. Theo ông Bùi Ngọc Huyên, khi ấy chỉ cần nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất một số chủng loại thùng xe tải, không đòi hỏi công nghệ cao nhưng cho “lợi nhuận khủng”. Năm thấp nhất Vinaxuki cũng lãi 90 tỷ đồng, năm cao nhất lãi tới 160 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ 2010, Vinaxuki đầu tư vào sản xuất ô tô con dưới 9 chỗ ngồi. Với sự khuyến khích của Chính phủ cùng các chương trình ưu đãi, hỗ trợ, Vinaxuki tự tin đầu tư cho dự án lớn: Sản xuất ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Hơn 900 tỷ đồng từ vốn vay và lợi nhuận tích lũy được Vinaxuki rót vào luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot,... rồi đầu tư thêm các nhà máy tại Thái Nguyên và Thanh Hóa.
Giai đoạn này, Vinaxuki cũng hợp tác với các công ty Nhật Bản nhận chuyển giao công nghệ thiết kế thân, vỏ xe và xây dựng một trung tâm thiết kế các sản phẩm ô tô. DN đã sản xuất được cabin, khung gầm xe tải và thân vỏ xe khách, xe con 5 chỗ. “Chúng tôi còn kết hợp với một số công ty của Bộ Quốc phòng, nghiên cứu, để sản xuất xe bọc thép, với khung gầm của CHLB Nga nữa”, ông Huyên kể.
Tuy nhiên, mọi việc phải dừng lại vào năm 2012 khi Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và bị nợ quá hạn các ngân hàng. Theo quy định, khi đã nợ quá hạn thì cũng không thể tiếp tục được vay vốn nữa. Từ 2012 trở đi, Vinaxuki không thể vay được vốn ở đâu, dù chỉ là vốn lưu động. Kết cục, từ đi đầu trong đầu tư dây chuyền hiện đại và đẩy mạnh nội địa hóa, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh.
Các dây chuyền sản xuất đã “đắp chiếu” suốt từ đó đến nay. Trong hai năm 2017 và 2018, ngân hàng đã bán một số máy móc thiết bị là tài sản đảm bảo để trừ nợ, còn lại vẫn để nguyên.
Mấy năm qua, cũng có một số nhà đầu tư tìm đến, nhưng họ chủ yếu muốn mua lại máy móc dưới dạng chẻ nhỏ và giá... sắt vụn. Thậm chí, có nhà đầu tư chỉ quan tâm tới đất và muốn mua để chuyển thành dự án bất động sản, thương mại. Thương vụ đáng chú ý nhất là một DN ô tô lớn trong nước đã khảo sát và đưa ra giá mua lại toàn bộ các dây chuyền sản xuất ô tô 670 tỷ đồng, nhưng đáng tiếc đối tác ngoại không đồng ý.
Ngay các tài sản đảm bảo cũng đã được Vietcombank bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thuộc Ngân hàng Nhà nước (VAMC), nhưng sau đó lại phải mua lại.
Ông Huyên cho rằng, thời điểm 2013, nếu Vinaxuki được tiếp tục vay vốn, chỉ với 200 tỷ đồng, thì nhà máy đã hoạt động trở lại và sau 3 năm có thể trả hết nợ ngân hàng bởi khi đó, thị trường ô tô bắt đầu tăng trưởng cao. Tuy nhiên, do không có vốn, nên các dây chuyền bị đắp chiếu đến tận bây giờ và trở thành đống sắt vụn.
Theo ông Huyên, bây giờ các tài sản đảm bảo bán được bằng 20% giá trị đầu tư ban đầu cũng là tốt lắm rồi. Chỉ sợ không có ai muốn mua bởi đã dột nát, hư hỏng và xuống cấp nhiều. Để càng lâu giá trị càng giảm.
Theo Trần Thủy
Vietnamnet
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.