Đà Nẵng: Hàng trăm khách sạn rao bán vì dịch
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh doanh lĩnh vực lưu trú tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề. Dù các chủ khách sạn tại đây đã cố gắng cầm cự, cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, tuy nhiên nguồn vốn cạn kiệt, các chủ sở hữu đã buộc lòng "thanh lý" tài sản để trả nợ ngân hàng.
Theo số liệu của Sở Du lịch Đà Nẵng ước tính đến tháng 6/2020, toàn TP Đà Nẵng có khoảng 1.016 cơ sở lưu trú du lịch, tăng 196 cơ sở so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách du lịch trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,66 triệu lượt khách, giảm hơn 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết theo thống kê sơ bộ hiện nay có khoảng 250 - 260 khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng, biệt thự đang rao bán, chiếm tỷ lệ 24,7% tổng số khách sạn trên địa bàn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại trên các trang rao bán bất động sản xuất hiện các thông tin bán khách sạn Đà Nẵng với giá từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử như khách sạn Blue Sun trên đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà với quy mô 110 phòng nghỉ, tiêu chuẩn 4 sao đang được rao bán với giá 280 tỷ đồng. Được biết, khách sạn này có vị trí đặc biệt hướng biển, đã đưa vào sử dụng hơn 5 năm. Tuy nhiên, thời gian qua mặc dù đã áp dụng nhiều ưu đãi, giảm giá tới 70% nhưng vẫn không có khách, không bù lại được chi phí vận hành từ đầu năm tới nay.
Một khách sạn 4 sao khác tại quận Sơn Trà cũng đang được rao bán với giá 290 tỷ đồng. Theo thông tin từ chủ khách sạn, cơ sở này được đi vào hoạt động từ tháng 6/2016, trước dịch, tỷ lệ lấp đầy của khách sạn lên tới 80%. Tuy nhiên vì dịch bệnh kéo dài, 8 tháng nay khách sạn này gần như không có doanh thu, do đó phải rao bán vì ngân hàng siết nợ.
Theo chia sẻ của một chủ kinh doanh khách sạn tại quận Sơn Trà, để vận hành một khách sạn 4 sao với quy mô 30 - 40 phòng mỗi tháng cần khoảng 400 triệu đồng. Nếu khách sạn bán giá phòng 1,2 triệu đồng/phòng/ngày thì mỗi ngày phải bán được hơn 10 phòng để có nguồn thu đủ chi trả duy trì hoạt động của khách sạn đó.
Trong khi đó nếu khách sạn buộc đóng cửa không có doanh thu thì chủ sở hữu vẫn phải chi gần 100 triệu đồng/tháng cho các chi phí khác. Áp lực lãi ngân hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc lòng rao bán khách sạn để trả nợ.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng thừa nhận, từ đầu năm tới nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng hoặc đứng bên bờ vực phá sản vì dịch bệnh, làn sóng bán khách sạn, cơ sở lưu trú là điều dễ hiểu. Ông Dũng cho biết, thiệt hại ước tính của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Đà Nẵng khoảng 80 - 85% so với doanh thu năm trước.
Ông Cao Trí Dũng cho biết thêm, hiện các đơn vị rất khó tiếp cận gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng kiến nghị các ngân hàng giảm sâu lãi vay xuống 50% hoặc không thu lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp.
"Ít nhất trong năm 2020, Chính phủ phải cho giảm hoặc miễn luôn thuế VAT để doanh nghiệp có tiền trang trải tiền lương, bảo hiểm cho nhân viên đồng thời miễn giảm hoặc cho nộp chậm các phí như tiền điện nước, tiền thuê đất, bảo hiểm" - ông Dũng đề xuất.
Theo Lam Châu
Diễn đàn Doanh nghiệp
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.