Cuộc sống bên đường tàu tại châu Á: Thả đèn lồng ở Đài Loan, đi chợ cảm giác mạnh tại Thái Lan hay mưu sinh nhọc nhằn giữa thủ đô Indonesia
Những ngày gần đây, các quán café đường tàu trên đoạn đường phố Phùng Hưng đã trở thành tâm điểm du lịch của thủ đô, thu hút lượng lớn khách tham quan, giới trẻ và cả người nước ngoài.
Ngồi nhâm nhi ly cafe hay vài ngụm bia, tán gẫu cùng bạn bè và tận mắt chứng kiến những chuyến tàu đi ngang qua, chỉ cách người vài chục xăng-ti-mét đã được giới trẻ truyền tai nhau như một trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến với phố cổ. Nhưng chính điều này lại đang gây mất an toàn giao thông đường sắt và gây nguy hiểm cho chính những du khách tham gia.
Cafe đường tàu trở thành "điểm nóng" check-in không thể bỏ qua khi đến Phố cổ Hà Nội.
Đến sáng 10/10, cơ quan chức năng đã vào cuộc, đặt các barrie tại một số điểm vào cà phê đường tàu, bước đầu thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội xóa điểm cà phê ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường sắt.
Giữ hay bỏ một điểm du lịch hút khách nhưng mất an toàn? Câu chuyện vẫn còn nhiều khúc mắc này không chỉ của riêng Việt Nam. Tại Đài Loan, Thái Lan,... tình hình cũng không khác là bao.
Đài Loan: Thả đèn lồng trên đường ray
Phố cổ Shifen là một trong những điểm đến phố biến ở Đài Loan, được hầu hết các blog du lịch gợi ý. Là thị trấn nhỏ cách Đài Bắc khoảng một giờ đi xe, một trong những lý do chính khiến du khách tới đây là để thả đèn lồng… ngay trên đường ray, ở bất kỳ thời điểm nào trong năm mà không cần đợi đến Tết nguyên đán.
Khá giống Việt Nam, những dãy nhà cổ xưa nằm san sát, dọc hai bên đường tàu. Dù có hàng rào chắn nhưng khá đơn giản, thô sơ và du khách cũng không ngại gạt bỏ chúng mà đi xuyên qua. Và nếu trên phố đường tàu Phùng Hưng hầu hết là hàng quán cafe thì người dân phố cổ Shifen buôn bán nhiều mặt hàng, từ đồ ăn, quà lưu niệm và đặc biệt nhất là đèn lồng.
Phó cổ Shifen tại Đài Loan cũng là một điểm du lịch đường tàu thu hút du khách.
Du khách được tự tay viết điều ước và đứng thả những chiếc đèn ngay trên đường ray. Rồi họ cũng nháo nhào chạy sang hai bên, không quên quay phim chụp ảnh khoảnh khắc xe lửa chạy đến ngay sát người mình.
Chính những trải nghiệm thú vị này khiến cho phố cổ Shifen lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp người qua lại. Và dù nguy hiểm, chỉ với hàng rào chắn thô sơ, chính quyền nơi đây cũng chưa có biện pháp gì thực sự hiệu quả để đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Thái Lan: Đi chợ đường sắt cảm giác mạnh
Nếu đã quá chán cảm giác đi chợ truyền thống ở Việt Nam thì chợ đường sắt Maekhlong, cách trung tâm thành phố Bangkok khoảng 1 giờ về phía tây nam sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm cực mạnh và mới lạ.
Maekhlong bán rau, thực phẩm và trái cây như bao chợ truyền thống khác. Nhưng điều làm nên sự khác biệt là nó chiếm một phần của đường tàu. Khi xe lửa đi qua, các thương gia sẽ nhanh chóng thu gọn quầy hàng vào trong. Đợi đến lúc tàu rời khỏi, họ lại bày trí hàng hóa ra ngoài, kinh doanh bình thường. Cảnh tượng này diễn ra khoảng vài lần mỗi ngày.
Chợ Maekhlong nằm chắn ngang đường sắt, một ngày đón vài chuyến tàu đi qua.
Chẳng những không bị cấm hay xóa sổ, chợ Maekhlong trở thành một điểm đến hút khách của Bangkok. Du khách có thể bắt chuyến tàu để đi qua chợ hoặc trải nghiệm cảm giác mạnh ngay tại đây.
Ở Maekhlong thậm chí còn chẳng có rào chắn nên các trang web hay blog du lịch đều không quên nhắc nhở: "Nếu bạn nghe thấy tiếng còi tàu, hãy bước sang một bên hoặc vào cửa hàng gần nhất để chuẩn bị sẵn máy ảnh. Mặc dù tàu di chuyển qua chợ với tốc độ chậm, nhưng nó vẫn nguy hiểm vì vậy hãy chú ý đến mọi thứ xung quanh."
Indonesia: Những chuyến tàu qua khu ổ chuột
Đằng sau những tòa nhà chọc trời ở trung tâm thủ đô Jakarta (Indonesia) là hàng trăm khu ổ chuột xập xệ của cư dân nghèo. Rất nhiều trong số đó, cũng có đường tàu chạy sát qua.
Không hàng quán café, không phải tụ điểm du lịch, chỉ có những ngôi nhà tạm bợ, được dựng lên bên cạnh bãi rác hay ngay trên hồ đọng nước. Ở đó, đường ray trở thành sân chơi cho trẻ em, chỗ đàn ông ngồi đánh cờ, là nơi trở về sau một làm việc cực nhọc của người lao động.
Cuộc sống tại một khu ổ chuột cạnh đường tàu ở Jakarta.
Đương nhiên, nơi đây có rất it khách du lịch. Họa chăng, nó chỉ lọt vào ống kính của một vài nhiếp ảnh gia hay những người thích khám phá.
Chính quyền Jakarta vẫn chưa có biện pháp thực sự hiệu quả để quy hoạch đất đai, tổ chức lại các khu dân cư, khu ổ chuột. Điều đó cũng có nghĩa là cuộc sống bên cạnh những đường ray, sẽ vẫn còn tiếp diễn.
theo Tổng hợp
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.