Chân dung 'ông vua phần mềm' Azim Premji: Xây dựng đế chế công nghệ thông tin hàng đầu Ấn Độ từ công ty sản xuất dầu thực vật
Azim Hashim Premji (sinh ngày 24 tháng 7 năm 1945) thường được nhắc đến với danh xưng không chính thức là "ông vua phần mềm" của Ấn Độ, chủ tịch Tập đoàn Wipro Limited. Từ việc bất đắc dĩ phải tiếp quản hoạt động kinh doanh của người cha quá cố, ông đã biến công ty bán dầu thực vật năm nào thành gã khổng lồ công nghệ thông tin hàng đầu Ấn Độ.
Bỏ dở sự nghiệp học tập, chèo lái công ty sau cái chết của cha
Cha của ông, Mohamed Hashem Premji là một doanh nhân nổi tiếng, người đã thành lập Công ty Western India Vegetable Products, chuyên kinh doanh các sản phẩm bơ, dầu thực vật hay xà bông. Các sản phẩm được biết đến nhiều với tên gọi "Kisan", "Sunflower" và "Camel".
Trong khi đó, ông đang theo đuổi ngành học công nghệ kỹ thuật điện tại trường Đại học Stanford, California. Tuy nhiên, Premji đã phải bỏ dở việc học của mình để về tiếp quản công ty sau cái chết đột ngột của cha vào năm 1966. Màn lột xác của một công ty kinh doanh dầu tinh chế cũng bắt đầu từ đó.
Tỷ phú Azim Hashim Premji
Chẳng bao lâu sau khi nắm quyền kiểm soát, ông bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh, cung cấp đa dạng các mặt hàng, từ bóng đèn đến dầu gội trẻ em, bột và các sản phẩm tiêu dùng khác. Năm 1975, công ty này bắt đầu sản xuất xi lanh thủy lực và xe tải kéo. Do không còn chỉ kinh doanh với các sản phẩm từ thực vật nên Premji đã đổi tên công ty thành Wipro vào năm 1977.
Cú lột xác ngoạn mục
Bước ngoặt nhà lãnh đạo trẻ và Wipro xảy đến khi chính phủ Ấn Độ trục xuất gã khổng lổ sản xuất máy tính IBM khỏi nước này vào năm 1979. Premji đã ngay lập tức nhận ra miếng bánh béo bở từ thị trường phần cứng, phần mềm máy tính và bắt đầu kinh doanh máy tính.
Vào những năm 1980, công ty đã hợp tác với một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực máy tính, trong đó có Sentinel Computer Corporation từ Mỹ. Sau khi nhận được giấy phép từ Sentinel, Wipro bắt đầu phát triển phần cứng máy tính, phần mềm và các mặt hàng liên quan đồng thời định vị mình trở thành công ty công nghệ hàng đầu Ấn Độ.
Wipro sớm định vị mình trở thành công ty công nghệ hàng đầu Ấn Độ
Nhờ việc chiêu mộ được những nhân tài hàng đầu về công nghệ phần mềm và cung cấp cho họ những khóa đào tạo đẳng cấp thế giới để trau dồi thêm các kỹ năng, Wipro đã phát triển được phần mềm chất lượng cao với chi phí thấp hơn đáng kể so với các đối thủ ở Mỹ, cho phép công ty xuất khẩu thành công phần mềm tùy chỉnh sang cường quốc này.
Từ một công ty sản xuất dầu thực vật, với doanh thu khoảng 2 triệu USD, đến năm 1999, Wipro đã trở thành công ty CNTT lớn thứ 2 Ấn Độ (chỉ sau TCS). Cũng nhờ vào sự gia tăng đáng kể của cổ phiếu công nghệ, giá trị của Wipro tăng vọt vào cuối những năm 1990, đồng thời giúp Premji trở thành một trong những doanh nhân giàu nhất thế giới khi ấy. Tờ "Business Week" cũng ca ngợi ông như một nhà doanh nhân vĩ đại bậc nhất vì đã biến Wipro trở thành một trong những công ty phát triển nhanh nhất thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, Wipro là nhà xuất khẩu công nghệ thông tin lớn thứ 3 Ấn Độ, hoạt động tại 55 quốc gia với 108.000 nhân viên và doanh số khoảng 6 tỷ USD/năm. Các hoạt động kinh doanh bao gồm từ phần mềm, dịch vụ năng lượng xanh đến tư vấn và thuê ngoài. Trong khi đó, ông Premji có tài sản ròng trị giá 21,5 tỷ USD tính đến tháng 5/2019, là tỷ phú giàu thứ 3 Ấn Độ.
Nỗ lực đóng góp, thay đổi bộ mắt nền giáo dục Ấn Độ
Tương tự như tỷ phú Bill Gates hay Warren Buffet, năm 2001, ông thành lập Quỹ Azim Premji phi lợi nhuận nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học ở các vùng nông thôn trên khắp Ấn Độ. Đến cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tổ chức này đã mở rộng hỗ trợ máy tính cho hơn 16.000 trường học, thiết lập sẵn ngôn ngữ địa phương và cung cấp nội dung thân thiện với trẻ em.
Ông dành phần lớn tài sản để nỗ lực cải thiện nền giáo dục Ấn Độ
Phần lớn những nỗ lực của ông Premji tập trung vào các bé gái – giúp cho họ được đi học để có một nền giáo dục cơ bản, đảm bảo giáo viên được đi làm, trao quyền nhiều hơn cho các nữ lãnh đạo ở cấp làng. "Làm thế nào bạn có thể đóng góp vào việc xây dựng xã hội và quốc gia Ấn Độ? Không có cách nào tốt hơn là nâng cấp chất lượng của những người trẻ tuổi ở trường, đặc biệt là các trường được điều hành bởi chính quyền bang trong các ngôi làng.", ông chia sẻ.
Mới đây, tỷ phú 74 tuổi tiếp tục tặng thêm 34% cổ phần tại công ty, trị giá gần 530 tỷ Rupee (7,5 tỷ USD) cho quỹ từ thiện mang tên mình, nâng tổng số tiền ông đã chi cho quỹ này lên 21 tỷ USD, bao gồm 67% cổ phần tại Wipro.
Theo Trithuctre
Góc Nhìn
Doanh nhân Huỳnh Thị Kim Ngọc thuộc thế hệ 8x sinh ra tại An Giang, được biết đến là giám đốc nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng gia dụng và sản phẩm Hottrend tại TPHCM. Những năm gần đây, dù chị ít xuất hiện trên truyền thông nhưng hình ảnh về một “Đại Sứ Nhân Ái”, “nữ doanh nhân thép” vẫn luôn tỏa sáng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới mộ điệu.