Chần chừ tiêm vắc xin Covid-19, người Mỹ đánh cược với tử thần
Tính trên cả nước Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 mới đang chững lại. Tuy nhiên, sự ổn định đó lại đang che giấu sự thật đáng báo động về "hai thế giới" hoàn toàn khác biệt tồn tại song song trong lòng nước Mỹ.
Ở nhiều khu vực đô thị và ngoại ô, dịch Covid-19 tiếp tục hạ nhiệt. Tỷ lệ ca nhiễm mới trong ngày đã giảm xuống dưới 3 người trên 100.000 cư dân ở các thành phố lớn như Atlanta, Boston, Chicago, Detroit, Houston, Minneapolis, New York, Philadelphia, San Francisco và Washington.
Để so sánh, tỷ lệ ca mắc mới trong ngày trên cả nước Mỹ vào giai đoạn đỉnh điểm của mùa đông năm ngoái là hơn 75 người trên 100.000 cư dân.
Tuy nhiên, ở những khu vực ít dân hơn - nơi có xu hướng bảo thủ hơn về mặt chính trị và hoài nghi về vắc xin Covid-19 - virus đang lây lan nhanh, phần lớn do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh. Biến thể này được ví như "Quái vật", xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi chủng Delta là một biến thể đáng lo ngại vì nó dễ lây lan hơn những chủng khác - nhiều hơn 55% so với biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh. Biến thể Delta hiện đã được tìm thấy ở 104 quốc gia và dự kiến sẽ trở thành chủng virus chủ đạo trong những tháng tới.
Các bang có ổ dịch bùng phát nghiêm trọng nhất tại Mỹ hiện nay là Arkansas và Missouri (mỗi bang có hơn 16 ca nhiễm mới mỗi ngày trên 100.000 người), tiếp theo là Florida (10), Nevada (10), Wyoming (9) và Utah (8).
Nếu những đợt bùng phát dịch này tập trung ở những người trẻ tuổi, thì sẽ ít đáng lo ngại hơn, vì Covid-19, bao gồm cả biến thể Delta, có phản ứng nhẹ đối với trẻ em và thanh niên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người trung niên và lớn tuổi chưa tiêm vắc xin tại Mỹ. Kết quả là họ đang bị nhiễm virus và một số người đã tử vong.
Bi kịch lớn nhất là kịch bản này lẽ ra đã có thể tránh được. Gần như bất kỳ người Mỹ trưởng thành nào cũng có thể được tiếp cận vắc xin với hiệu quả kháng virus cao - một lợi thế mà người dân tại nhiều quốc gia khác không có được. Hàng trăm phòng khám ở Mỹ, bao gồm cả ở các khu vực nông thôn, cũng sẵn sàng cung cấp vắc xin ngay lập tức.
Tuy vậy, theo cuộc thăm dò mới nhất của Kaiser Family Foundation, chỉ có 54% số người trưởng thành ở các vùng nông thôn tại Mỹ được tiêm ít nhất một liều vắc xin, so với 72% cư dân thành thị. Kaiser nhận thấy rằng, tỷ lệ tiêm chủng cũng chỉ ở dưới mức trung bình đối với người Mỹ dưới 50 tuổi, người Mỹ da màu, đảng viên Cộng hòa và những người không có bằng đại học.
"Chính những người chưa được tiêm chủng đang tử vong. Những người chưa được tiêm chủng mới phải nhập viện. Phần lớn những người chưa được tiêm chủng mới phải chẩn đoán điều trị", bác sĩ Thomas Dobbs, nhân viên y tế tại bang Mississippi, cho biết.
"Lá chắn" an toàn nhất
Tricia Jones, một bà mẹ hai con ở Grain Valley - thành phố nhỏ ở phía tây Missouri, đã không tiêm vắc xin vì lo ngại tác dụng phụ. Mẹ của Jones, bà Deborah Carmichael, đã bị ốm sau khi tiêm, do vậy Jones quyết định chờ đợi thêm.
Mùa xuân năm nay, Jones đã nhiễm virus. Cô nhập viện hôm 13/5 và qua đời hôm 9/6. Câu chuyện của Jones được xem như một bài học để kêu gọi mọi người tiêm vắc xin.
Tiến sĩ Marc Johnson, nhà miễn dịch học tại Đại học Missouri, dự đoán đợt bùng phát dịch mới ở Missouri sẽ còn tồi tệ hơn trong tháng 7. Ở một số khu vực, biến thể Delta chỉ mới xuất hiện gần đây, báo hiệu sự gia tăng về số ca nhiễm mới trong thời gian tới.
Bất chấp sự gia tăng về số ca nhiễm và tử vong, nhiều chính trị gia đảng Cộng hòa vẫn từ chối đưa ra lời kêu gọi tiêm phòng đầy đủ. Thay vào đó, các nhà lập pháp bang Missouri cảnh báo các bệnh viện không yêu cầu nhân viên phải tiêm phòng. Trong khi đó, Thống đốc Missouri Mike Parson đã gửi đi những thông điệp không rõ ràng.
"Bạn sẽ phải tự chịu trách nhiệm về việc tiêm chủng vắc xin, nếu bạn lựa chọn làm như vậy. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là phải hiểu rằng có rủi ro đi kèm khi tiêm vắc xin", ông Parson tuần trước tuyên bố.
Một số thống đốc bang khác của đảng Cộng hòa đã cho thấy cách tiếp cận khác. Thống đốc Asa Hutchinson của bang Arkansas rằng "chúng ta đang trong một cuộc đua với biến thể Delta" và "giải pháp là tiêm chủng".
Thống đốc Jim Justice của Tây Virginia cũng cho rằng, bất kỳ ai không tiêm chủng đều bước vào "cuộc đánh cược với tử thần".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới đã chạm đến cột mốc "u ám" vào ngày 8/7: hơn 4 triệu người chết vì Covid-19.
Các chuyên gia y tế cho biết số người chết đáng kinh ngạc - tương đương với dân số của Los Angeles - đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc tăng tốc tiêm chủng nhằm hạn chế sự lây lan của virus.
"Cách chắc chắn nhất để ngăn chặn nhiều ca tử vong vì Covid-19 hơn là tăng cường tiêm vắc xin", Eric Finkelstein, giáo sư tại Trường Y Duke-NUS, cho biết.
Robert Booy, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney, cũng đồng tình với quan điểm trên.
"Rõ ràng là tiêm chủng đang có tác động lớn. Việc tăng từ 3,9 triệu đến 4 triệu (ca tử vong) mất nhiều thời gian hơn chúng ta dự tính", giáo sư Booy cho biết.
Ông Booy cho biết tại các nước có cơ hội tốt tiếp cận vắc xin, những nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là người già, đều được tiêm chủng. Điều này đã dẫn đến một thực tế rằng, số ca nhiễm tăng lên nhưng không kéo theo số người chết tăng cùng.
Nhiều người vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vắc xin. Hơn 3,03 tỷ liều vắc xin đã được tiêm chủng trên toàn thế giới tính đến ngày 5/7, nhưng hầu hết tập trung ở một số ít các quốc gia giàu có.
Khoảng cách vắc xin toàn cầu đang bắt đầu thu hẹp khi vắc xin được phân phối thông qua sáng kiến COVAX do WHO hỗ trợ - một nỗ lực nhằm đảm bảo các quốc gia nghèo hơn được tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19. Tuy nhiên theo WHO, phần lớn dân số thế giới vẫn có nguy cơ dễ nhiễm virus.
Thành Đạt
Theo New York Times, SCMP
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.