CEO Bibo Mart: Hãy ngừng gọi chúng tôi là doanh nghiệp bán lẻ
Đó là tấm ảnh hội tụ nhiều “sao hàng đầu” trên thị trường bán lẻ thế giới. Đặc biệt là sự xuất hiện của ông Henry Neilson- cựu CEO Walmart, người được bà Trịnh Lan Phương – CEO Bibo Mart đích thân mời ngồi vào ghế Hội đồng quản trị với vai trò cố vấn chiến lược.
Ngay sau đó, thông tin bên lề cho thấy Bibo Mart đặt ra con số đầy tham vọng là mở 1.000 của hàng trên cả nước… Thông tin này tạo chú ý mạnh cho nhiều doanh nghiệp, thương nhân trên thị trường bán lẻ sản phẩm mẹ và bé Việt Nam.
CÚ “BẺ LÁI” BẤT NGỜ
Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, bà Trịnh Lan Phương đã đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi muốn định vị Bibo Mart là một tập đoàn công nghệ hỗ trợ thị trường bán lẻ và là nhà đầu tư. Hãy ngừng gọi chúng tôi là nhà bán lẻ…”. Cùng với tuyên bố đó là việc Bibo Mart cho ngừng kế hoạch mở rộng lên 1.000 của hàng vật lí và có những động thái chuyển hướng thành một nền tảng công nghệ.
Các doanh nghiệp, thương nhân trên thị trường bán lẻ sản phẩm cho mẹ và bé ở Việt Nam thở phào nhẹ nhõm khi "ông lớn" Bibo Mart ngừng kế hoạch thâu tóm thị trường.
Chia sẻ với VnEconomy, bà Trịnh Lan Phương - CEO Bibo Mart cho biết: “Chưa thể tiết lộ chi tiết nhưng bạn sẽ sớm thấy chúng tôi đang dần thoát khỏi cái bóng của một doanh nghiệp bán lẻ đơn thuần…”.
Hiện Bibo Mart đang dẫn đầu thị trường bán lẻ mẹ và bé, nếu tăng tốc mở thêm cửa hàng vật lí chắc chắn thị trường này sẽ bị Bibo Mart “chi phối” trong tương lai. Rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ “mơ ước” có được đà như Bibo Mart,vậy tại sao bà lại quyết định rẽ sang hướng khác?
Đúng, hiện nay Bibo Mart đang dẫn đầu trên thị trường bán lẻ sản phẩm dành cho mẹ và bé với hơn 150 cửa hàng vật lí trên cả nước, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Con số này vượt xa rất nhiều các doanh nghiệp bán lẻ khác trên thị trường mẹ và bé ở Việt Nam thời điểm này.
Để thực hiện chiến lược phát triển lên 1.000 của hàng vật lí trên cả nước chúng tôi đã chi hàng triệu USD mời các chuyên gia đến từ các hãng bán lẻ hàng đầu thế giới về ngồi cùng nhau. Chúng tôi mất khoảng 6 tháng để xây dựng bản chiến lược nhằm trả lời câu hỏi: “Làm sao chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường?”.
Tôi đã vẽ nên bức tranh về mô hình bán lẻ trong tương lai và quyết định con đường Bibo Mart phải đi đó là: Giai đoạn đầu phải tập trung vào củng cố chiều sâu của mô hình, ngưng việc mở rộng và hướng đến tầm xa là dự đoán và đón đầu xu hướng.
Sau một thời gian thì bản chiến lược đã được thiết lập. Với bản chiến lược này trong tương lai không xa chúng tôi có thể tự tin rằng Bibo Mart hoàn toàn làm chủ, thậm chí là chi phối thị trường bán lẻ sản phẩm mẹ và bé tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khi họp các cố vấn lại tôi đưa ra câu hỏi: “Sau khi dẫn đầu thị trường sẽ là gì?”. Thật bất ngờ khi câu trả lời đó là: “Sau khi dẫn đầu sẽ là sự bão hòa rồi thoái trào”. Kinh nghiệm của các hãng bán lẻ lớn trên thế giới là vậy, hệ thống bán lẻ vật lí phát triển đến một con số nhất định sẽ bão hòa rồi thoái trào.
Thoái trào ở đây là không còn sự phát triển cơ học về số lượng cửa hàng. Nhưng điều tôi sợ nhất là đến lúc đó mình đã gây nhiều tổn thương cho các doanh nghiệp, các cửa hàng khác trên thị trường mẹ và bé. Còn riêng với Bibo Mart sẽ không còn giữ được mục tiêu ban đầu đã đặt ra.
Nói thì có người cho là “làm màu”, nhưng nếu nhìn lại lịch sử ra đời của Bibo Mart không xuất phát từ nhu cầu kiếm tiền mà từ trái tim của người làm mẹ. Trong chặng đường phát triển của Bibo Mart thì mục tiêu lợi nhuận cũng không phải là mục tiêu chính mà là chia sẻ cách chăm sóc mẹ và bé cũng như hướng tới những giá trị nhân văn...
Bạn có thể nhìn thấy, hầu hết các nhân viên bán hàng được Bibo Mart tuyển dụng là y tá vì họ là người hiểu nhất về cách chăm sóc mẹ và bé. Họ không chỉ là người bán hàng mà còn là những tư vấn viên có chuyên môn, có kỹ năng để giúp khách hàng và dĩ nhiên chi phí mà chúng tôi chi trả cho họ cũng cao hơn nhân viên thông thường khác.
Nếu phát triển lên đến 1.000 của hàng liệu chúng tôi có tuyển dụng được y tá về bán hàng hay không?. Có lẽ đến lúc đó hệ thống của Bibo Mart chỉ hoạt động đơn thuần là nhập hàng về bán cho khách và mục đích ban đầu và xuyên suốt mà tôi muốn lưu giữ tại Bibo Mart sẽ không còn.
Thương mại điện tử đang "bành trướng" và lấn át các cửa hàng vật lí. Việc chuyển hướng dũng cảm của Bà trong chiến lược của Bibo Mart được nhiều người đánh giá là sáng suốt… Vậy tương lai Bibo Mart sẽ trở thành một nhà bán lẻ lớn trên thị trường thương mại điện tử?
Chúng tôi sẽ trở thành một hệ sinh thái tập trung vào nghiên cứu khoa học, công nghệ và đầu tư. Hãy ngừng gọi chúng tôi là doanh nghiệp bán lẻ. Bibo Mart là nền tảng hướng tới khoa học và cộng đồng. Chúng tôi muốn cống hiến và mang giá trị cho nơi mà chúng tôi thuộc về. Tôi cũng là một người phụ nữ, một người mẹ và có những trăn trở riêng…
Từ năm 2018 đến nay, Bibo Mart đã đầu tư một kiến trúc hạ tầng công nghệ đồng bộ như Big Data, Automation, Subscreption, IOT, AI… Chúng tôi cũng đã đầu tư xây dựng mô hình mới F2C (Factories to Customers - Từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng).
Như vậy Bibo Mart sẽ là một hệ sinh thái số, giúp kết nối các đối tác, khách hàng, nhà sản xuất… khai thác nguồn lực hiện có trong xã hội mang lại lợi ích cho các bên tham gia hệ sinh thái…
Bạn có thể hình dung, một bà mẹ mua sữa cho con và được ghi nhận trên hệ thống của chúng tôi. Hệ thống sẽ tự động tính toán là với lượng sữa như vậy đứa trẻ dùng được bao nhiêu ngày, đến ngày sữa hết hệ thống sẽ tự động nhắn tin cho bà mẹ. Nếu bà mẹ đồng ý mua tiếp loại sữa đang dùng thì chỉ một chạm khoảng 5 phút sau có sữa giao tận nhà.
Chúng tôi hoạt động như mô hình của các siêu ứng dụng hiện nay, đó là một cửa hàng bán lẻ sử dụng nền tảng công nghệ số của chúng tôi gần với khách hàng nhất và có mặt hàng khách yêu cầu sẽ nhận lệnh và chuyển hàng đến cho khách hàng nhanh nhất. Như vậy, các cửa hàng bán lẻ sử dụng nền tảng của chúng tôi không phải chỉ riêng Bibo Mart mà có thể là bất kỳ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nào có nhu cầu…
ĐỊNH VỊ LẠI NỀN TẢNG DOANH NGHIỆP
Việc Bibo Mart đang rất thành công trên thị trường bán lẻ truyền thống lại quyết định chuyển hướng thành một doanh nghiệp với nền tảng số mà ở đó chưa nhìn lợi nhuận rõ ràng khiến không ít người hoài nghi.
Theo lời bà Trịnh Lan Phương; “Người đứng đầu phải có tầm nhìn xa hơn những gì đang diễn ra. Có thể những hành động, quyết định của họ tại thời điểm hiện tại bị nhiều người cho là mơ hồ, phi thực tế… Như ông chủ Faceboook, mục tiêu ban đầu khi làm ra mạng xã hội lớn nhất thế giới này có phải là để kiếm tiền đâu…”.
Với chiến lược của Bà thì các “đối thủ” của Bibo Mart hiện nay cũng có thể sử dụng hệ sinh thái của Bibo Mart để kinh doanh. Điều này có đi ngược lại với lí thuyết về thị trường cạnh tranh không thưa bà?
Theo tôi thị trường 100 triệu dân của Việt Nam chỉ nên có khoảng 10.000 cửa hàng vật lí là phù hợp. Hiện nay nếu tính cả các cửa hàng nhỏ lẻ của hộ kinh doanh, cá nhân… thì con số đã gần đủ rồi.
Từ khi ra đời đến nay Bibo Mart luôn đứng ngoài mọi cuộc chiến, mọi sự đối đầu trên thị trường bán lẻ đầy khốc liệt và trong tương lai cũng sẽ luôn là như vậy.
Nếu Bibo Mart quyết tâm mở thêm cừa hàng vật lí thì chắc chắn sẽ có nhiều cửa hàng nhỏ lẻ khác, thậm chí nhiều sẽ có doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường mẹ và bé bị đóng cửa do không cạnh tranh được. Thay vì triệt tiêu các của hàng đang đem lại nguồn sống cho nhiều gia đình tại sao chúng ta lại không phát triển nền tảng công nghệ để hỗ trợ họ, biến họ thành đối tác của mình?.
Với tôi, không có lí thuyết cạnh tranh nào cho việc triệt tiêu người khác để mình phát triển lớn mạnh…
Bà từng nói định vị mình sẽ là một nhà đầu tư. Vậy các khoản đầu tư của Bà nói riêng và của Bibo Mart nói chung đang được hướng đến lĩnh vực nào?
Như tôi đã nói, hiện chúng tôi đã đầu tư xây dựng mô hình mới F2C (Factories to Customers - Từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng). Tôi sẽ đầu tư vào các nhà sản xuất dưới nhiều hình thức khác nhau.
Có một thực tế “đau lòng” là người tiêu dùng Việt Nam đang trả quá nhiều tiền cho những sản phẩm nguồn gốc nước ngoài. Điều này bắt nguồn một phần từ tâm lí tiêu dùng, còn phần lớn là do chất lượng sản phẩm. Ví dụ, một hộp sữa sản xuất tại Newzealand có giá tại nhà máy là 160.000 đồng nhưng khi về đến cửa hàng bán lẻ Việt Nam có giá khoảng 640.000 đồng và đến tay người tiêu dùng với giá khoảng 700.000 đồng.
Khoảng cách giữa 160.000 đồng với 700.000 đồng nó quá lớn và đó là lí do để chúng tôi quyết định trở thành nhà đầu tư tài chính để giảm biên độ này xuống. Đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) của chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu các sản phẩm tốt, được ưa chuộng của nước ngoài và liên kết với các nhà sản xuất tại Việt Nam để sản xuất ra sản phẩm tương tự hoặc tốt hơn, phù hợp với người Việt Nam hơn và với gía thành rẻ hơn. Liên kết ở đây không chỉ là đầu tư tài chính cho nhà sản xuất mà còn đầu tư máy móc, công nghệ, nhân lực, đầu tư phát triển sản phẩm…
Bibo Mart hoạt động trên cơ sở data-driven, nghĩa là điều khiển bằng dữ liệu, các dữ liệu này bao gồm thông tin, tương tác và hành vi mua hàng của khách hàng, việc phân tích dữ liệu sẽ dự đoán được hành vi mua sắm của khách hàng trong tương lai. Hệ thống dữ liệu cho phép dự báo sản lượng tiêu thụ trước 2 năm, do đó nguyên phụ liệu và kế hoạch sản xuất cũng được hoạch định từ sớm, giúp cho tất cả các bên tham gia đều có thể chuẩn bị nguồn lực tốt nhất.
Hệ thống của Bibo Mart sẽ không có kho hàng, không có xe mà chúng tôi liên kết với các đối tác tạo thành một hệ sinh thái. Ví dụ, khi một cửa hàng bán lẻ hoặc một khách hàng báo lên hệ thống nhu cầu về một sản phẩm, với số lượng cụ thể thì nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh có thể nhận được thông tin và đưa vào sản xuất ngay. Sau đó hệ thống sẽ phân loại và báo cho xe tải gần nhất đến nhận hàng chở thẳng đến các cửa hàng bán lẻ hoặc đến tận nhà khách hàng… Ở đây chúng tôi tiết kiệm được khâu nhập kho, phân loại, xuất kho tại nhà máy và nhập kho, phân loại, vận chuyển đến của hàng bán lẻ ở từng khu vực.
Góc Nhìn
Tập đoàn BBB GROUP chính thức đặt trụ sở tại Thái Lan sau thời gian dài tìm hiểu và đầu tư tại đất nước Chùa Vàng.