Lấy cảm hứng từ những nét đặc trưng văn hóa dân gian Tây Bắc và không gian thiền tịnh của quần thể kiến trúc tâm linh trên đỉnh Fansipan, "Vũ điệu trên mây" đưa người xem vào một hành trình khám phá Tây Bắc, Sa Pa và đặc biệt là Nóc nhà Đông Dương theo một cách vô cùng thú vị.
Ở đó, tinh hoa nghệ thuật của vùng núi Tây Bắc được ekip sản xuất khéo léo khai thác và kết hợp, để du khách được hòa mình vào văn hóa vùng cao đầy màu sắc và huyền bí trong câu chuyện tình chàng Đỗ - nàng Quyên, đám cưới người Dao Đỏ đặc trưng, giữa phiên chợ tình tha thiết, hay vũ hội Mường Hoa ngập tràn xúc cảm hạnh phúc…
Không chỉ chinh phục khán giả bằng văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc tài tình kết hợp những giai điệu đặc trưng Tây Bắc với âm nhạc hiện đại, "Vũ điệu trên mây" còn khiến người xem mãn nhãn bởi sự cộng hưởng từ những bộ trang phục được tạo tác cầu kì, đưa văn hóa bản địa lên tầm nghệ thuật.
Tận dụng tối đa chất liệu Tây Bắc, đạo diễn Phạm Hoàng Nam và hai biên đạo là NSND Kiều Lê cùng NSƯT Hồng Phong chỉ sử dụng ba loại đạo cụ xuyên suốt show diễn, đó là những tấm vải thổ cẩm dài tới 15m và những khung cửi, chiếc gùi quen thuộc của đồng bào dân tộc, để làm nên một Tây Bắc đậm chất bên sườn núi.
Điểm nhấn đặc biệt nhất trong show diễn là tạo hình của nhân vật chàng Đỗ, nàng Quyên, được biên đạo Kiều Lê "thai nghén" trong những lần tới Fansipan để tìm tòi, khám phá. Vẻ đẹp mê hoặc của loài hoa đỗ quyên, vốn được xem là "đặc sản" của Tây Bắc này, đã "ám ảnh" và thôi thúc biên đạo múa tài ba yêu Tây Bắc xây dựng nên chuyện tình đẹp như mơ của chàng Đỗ - nàng Quyên, vừa toát lên sự quyến rũ của nàng Quyên, sự mạnh mẽ của chàng Đỗ, lại thể hiện được tình yêu thủy chung son sắt bất diệt của đôi trai gái vùng cao.
Rực rỡ như một bông hoa trong nắng vàng Tây Bắc, trang phục Đỗ - Quyên được thiết kế theo tông màu hồng chủ đạo, với những họa tiết được tỉ mỉ thêu trên nền vải sợi lanh nhuộm chàm và trên nền vải bông của đồng bào dân tộc Tây Bắc, tạo nên hình ảnh cô gái miền sơn cước ngọt ngào, trong trẻo và chàng trai vùng núi cao rắn rỏi, mạnh mẽ.
Nếu như chất liệu lanh thô ráp tượng trưng cho những sóng gió gập ghềnh mà chàng Đỗ và nàng Quyên đã phải trải qua trong quá trình tìm kiếm tình yêu, thì những tấm voan mỏng manh nhuộm màu cam loang viền trắng tựa cánh hoa đỗ quyên duyên dáng, nổi bật trên nền trời Tây Bắc trong vắt, giữa bạt ngàn núi rừng xanh thẳm, lại chính là bản tình ca ngọt ngào cho trái ngọt tình yêu, sau bao sóng gió đã đi qua…
Trong khi đó, trang phục trong đám cưới người Dao Đỏ và vũ điệu Mường Hoa được thiết kế và thực hiện công phu, với những nét đặc trưng của dân tộc làm sáng bừng cả không gian lễ hội, thổi vào mùa thu Sa Pa cả một đời sống Tây Bắc sống động, quyến rũ.
Trái ngược với những phục trang đầy sắc màu của Tây Bắc, sự trong lành và thuần khiết phủ lên không gian trong phần "Tâm linh hội tụ", với những bộ trang phục được tiết giản, mềm mại, trắng tinh khôi và nhẹ như mây…
Hơn 160 bộ trang phục "thửa" riêng cho "Vũ điệu trên mây" đã được ekip kì công sáng tạo và thực hiện trong 2 tháng trời, để hòa quyện với những tinh túy văn hóa miền Tây Bắc, với âm nhạc chắt lọc tinh tế, giữa không gian thiền định như thực, như mơ, kể cho khán giả nghe câu chuyện làm say lòng người, để rồi đến một lần, lại muốn trở lại nhiều lần hơn nữa…