Gần trưa 11/3, nhiều người đi qua chốt kiểm dịch tả lợn châu Phi nằm trên tỉnh lộ 506, đoạn qua thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa, Thanh Hoá), phát hiện không có người trực, xe cộ tự do ra vào. Trong chòi canh của một trạm bơm gần chốt trực, 4 người đàn ông đang ngồi đánh bài. Thấy người lạ, họ vội bỏ những lá bài xuống, bước ra chốt làm việc.
Nhóm cán bộ ngồi chơi bài tại chốt kiểm dịch ở Thiệu Hoá. Ảnh: Người dân cung cấp. |
Ông La Đình Khanh, Phó chủ tịch thị trấn Vạn Hà xác nhận, tại chốt kiểm dịch trên tỉnh lộ 506 sáng nay có một số cán bộ đánh bài, nhưng chỉ "đánh bài quỳ cho vui". "Địa phương đã họp, kiểm điểm trách nhiệm và có biện pháp chấn chỉnh ngay", ông Khanh nói.
Theo quy định, chốt kiểm dịch tả lợn châu Phi có 3-4 cán bộ, gồm thú y, công an huyện và một cán bộ xã, thị trấn nơi lập chốt. Những người tham gia phải giám sát người và phương tiện ra vào vùng dịch 24/24h nhằm hạn chế dịch lây lan.
Chủ tịch huyện Thiệu Hóa, ông Trịnh Văn Súy đã yêu cầu làm rõ sự việc. "Cán bộ bỏ trực khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là không được", ông Súy nói.
Một chốt kiểm dịch ở Thanh Hóa. Ảnh: L.H. |
Chốt kiểm dịch tả lợn châu Phi trên tỉnh lộ 506 được thành lập sau khi phát hiện ổ dịch ở xã Thiệu Phúc một tuần trước. Huyện Thiệu Hóa đã thành lập nhiều chốt kiểm dịch đóng trên các tuyến đường liên thôn, xã từ Thiệu Phúc đi ra.
Ngoài ổ dịch ở Thiệu Phúc, trước đó xã Định Long (Yên Định) phát hiện dịch. Trước nguy cơ dịch lan rộng, Thanh Hóa đã thành lập hai chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1A tại thị xã Bỉm Sơn và huyện Tĩnh Gia, bốn chốt tạm thời tại xã Thành Vân, huyện Thạch Thành (giáp Ninh Bình); chốt tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (giáp Nghệ An); chốt tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (giáp Ninh Bình) và chốt tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (giáp Hòa Bình). Các chốt hoạt động ít nhất đến ngày 31/3, trực 24/24h kể cả ngày nghỉ.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên lợn, tỷ lệ chết 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.
Tại Việt Nam ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến ngày 9/3, dịch lan ra 13 tỉnh thành, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định.