Hoa Hậu
Các quy định kinh doanh “chặn” doanh nghiệp dân doanh, mở cửa cho doanh nghiệp “quan doanh”
Đăng lúc: 18h10 | 17/10/2016
Đó là quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico khi nói về tinh thần của Nghị quyết 35 và những rào cản đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam hiện nay.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico. Ảnh: Quang Sơn.
Tại buổi tọa đàm BizTALK "Ngày Doanh nhân bàn về xóa bỏ rào cản kinh doanh" do BizLIVE tổ chức sáng 11/10, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Nghị quyết 35 là một dạng cụ thể hóa để triển khai các luật lệ kinh doanh. Hiện có hai rào cản pháp lý, đó là rào cản tổng thể và rào cản cụ thể là các điều kiện kinh doanh.
Theo ông Đức, rào cản tổng thể lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay là Luật Đất đai bởi đó là hệ quả của sở hữu toàn dân. Gần đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đang làm mạnh về vấn đề tích tụ ruộng đất, tuy nhiên xóa bỏ hạn mức đất đai chỉ mới là “râu ria”, chứ chưa đi vào tổng quát.
Ông Đức cũng cho rằng, nếu kinh tế nhà nước cứ là chủ đạo thì kinh tế tư nhân chỉ là bán đạo. Thị trường là của nhà nước, không phải của dân thì đó là rào cản lớn nhất. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải “làm sai” mới có quy mô lớn được, còn làm theo kiểu đơn lẻ, hộ nông dân thì rất khó.
“Ba năm trước chúng ta bàn sửa Hiến pháp nhưng vẫn chưa sửa được. Giờ thì thời thế khác rồi, nên tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp nên tiếp tục có những kiến nghị sửa Hiến pháp. Nhất là ba lĩnh vực chính rối loạn nhất là rào cản kinh doanh, tiêu chuẩn kĩ thuật, thủ tục hành chính”, ông Đức cho biết.
Ông Đức phân tích thêm rằng, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội vẫn chưa định hình được các luật. Trong khi, Bộ Công thương là bộ độc quyền và khuyến khích cạnh tranh nhưng các quy định của bộ vẫn tạo ra rất nhiều rào cản như quy định về gas, về đất. Các quy định này không cho phép doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường, tạo độc quyền cho các doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra còn có các rào cản kỹ thuật. Ví dụ tiêu chuẩn về sữa là do các doanh nghiệp tự công bố. Các tiêu chuẩn về du lịch thì hiện nay mỗi khách sạn có một tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn về sao của khách sạn hiện nay do khách hàng cảm nhận. Tôi từng đến một khách sạn 4 sao nhưng lại có cảm nhận chỉ bằng chỗ 2 sao khác.
“Do đó, việc thông qua luật về doanh nghiệp lần này vẫn là quá hấp tấp. Có thể mình tạo ra luật này lại gây ra sai sót khác”, ông Đức nêu quan điểm.
Phân tích thêm về các rào cản, ông Đức cho rằng, các rào cản hành chính hiện nay rất lẫn lộn với rào cản kinh doanh. “Không quan trọng các doanh nghiệp tự sản xuất hay thuê ngoài, miễn là họ đáp ứng được các tiêu chuẩn là được. Tuy nhiên, muốn thỏa mãn được điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp lại phải qua nhiều thủ tục hành chính”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, thủ tục hành chính hiện nay rất nhiều. Thủ tục hành chính của chúng ta chỉ có một nghị định, đã “chỏng chơ” nhiều năm rồi. Còn các bộ tha hồ “vẽ” ra các thủ tục, làm hộ luật cho Quốc hội.
Ông Đức cũng cho biết, ông chuyên đi tư vấn về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhưng động đến thủ tục hành chính nào cũng “chết”, ví dụ như chuyển trụ sở văn phòng cũng rất phức tạp mặc dù doanh nghiệp đã mua đứt trụ sở mới rồi.
“Các quy định kinh doanh hiện nay đang “chặn” các doanh nghiệp dân doanh, và mở cửa cho các doanh nghiệp “quan doanh”. Mặc dù một số quan chức không được kinh doanh nhưng họ có sân sau, nên tha hồ kinh doanh”, ông Đức khẳng định.
HOÀNG HÀ
Bình luận
Tin cùng danh mục
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.