Ba ngân hàng đang mắc kẹt hàng trăm tỷ đồng ở Tập đoàn Đại Dương ra sao?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – mã: OGC), tính đến hết tháng 6/2017, Tập đoàn còn lỗ lũy kế 2.762 tỷ đồng đồng, tăng khoản lỗ thêm 282 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2016.
Cơ cấu nguồn vốn cho thấy nợ phải trả chiếm đến hơn 84%, tương đương 4.823 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là khoản nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn với lần lượt là 1.010 và 352 tỷ đồng.
Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của OGC nằm tại ba ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) khoảng 445 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) 65 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) 500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, OGC còn hơn 352 tỷ đồng nợ vay dài hạn tại OceanBank. So với thời điểm cuối năm 2016 thì chỉ duy nhất khoản nợ dài hạn tại OceanBank giảm số dư với khoảng 9 tỷ đồng.
Cụ thể từng khoản vay như sau: khoản vay 445 tỷ đồng tại NCB đó là vay ngắn hạn để OGC đầu tư dự án KĐT số 1 thuộc KĐT mới phía Nam TP Bắc Giang với tài sản bảo đảm là 32 triệu cổ phiếu OCH (giá trị tại thời điểm kí Hợp đồng tín dụng là 564,5 tỷ đồng, tương ứng giá 17.640 đồng/cổ phiếu) và 2,5 triệu cổ phiếu OceanBank.
Khoản vay này được giải ngân từ ngày 21/6/2014 với lãi vay kể từ ngày giải ngân đầu tiên là 11%/năm. Đến ngày 7/7/2015 ngân hàng NCB có yêu cầu OGC thực hiện bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản vay trước ngày 15/7/2015 nếu không sẽ thực hiện giải chấp số cổ phiếu đó. Trong năm 2016 cả hai bên đã thống nhất chủ trương là OGC sẽ dùng một số tài sản để hoàn trả khoản nợ này nhưng tại thời điểm lập báo cáo kiểm toán thì hai bên vẫn đang trong quá trình thảo luận để đưa ra phương án giải quyết.
Ngoài ra, tại ngày 21/6/2016 NCB đã thông báo cho OGC rằng khoản vay đó đã quá hạn và ngân hàng phân vào loại nợ nhóm 5 tức nợ có khả năng mất vốn. Tại thời điểm 31/12/2016 khoản vay đã quá hạn và chưa được gia hạn thêm.
Trong các báo cáo quý năm nay, OGC vẫn ghi nhận khoản nợ 450 tỷ đồng với NCB nhưng ngân hàng NCB lại không đề cập cụ thể đến khoản vay này ngay cả trong các báo cáo kiểm toán 2016 lẫn các báo cáo quý sau đó. Cuối quý 2/2017, nợ xấu của NCB tổng cộng hơn 500 tỷ trong đó nợ nhóm 5 là 309 tỷ đồng.
Đối với khoản vay tại Maritime dưới hình thức trái phiếu CTCP Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển Đầu tư (công ty con) phát hành cho MartimeBank theo hợp đồng mua bán trái phiếu ngày 1/9/2011 với thời hạn 5 năm. Khối lượng 500 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Mục đích vay nhằm đầu tư dự án Sunrise Resort Hội An và bổ sung vốn lưu động. Lãi suất năm đầu tiên là 15%/năm và các năm tiếp theo lãi suất được thả nổi theo nguyên tắc lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả sau trung bình của 4 ngân hàng (Vietcombank - Sở Giao dịch, BIDV - Sở Giao dịch I, Agribank - Sở Giao dịch, VietinBank CN Hà Nội).
Trái phiếu này không có tài sản bảo đảm. Tại ngày 30/6/2015 nợ gốc của hợp đồng tín dụng là 500 tỷ đồng, MaritimeBank đã yêu cầu CTCP Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển Đầu tư mua lại trái phiếu hoặc nhờ người mua lại. Đến ngày 31/12/2016, MaritimeBank yêu cầu Công ty chuyển nhượng trái phiếu, đề nghị điều chỉnh việc cấp giấy chứng nhận chủ sở hữu mới là CTCP Đầu tư Tiền An (trước đây là CTCP Mua bán Nợ VID). Tuy nhiên phía Công ty Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển Đầu tư đã không thực hiện thủ tục theo yêu cầu ngân hàng.
Maritime Bank đã nộp đơn kiện lên Tòa Án Nhân dân TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Theo bản án sơ thẩm ngày 28/9/2016, Công ty Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển Đầu tư chấp nhận thanh toán cho Maritime Bank số tiền gần 688 tỷ đồng gồm 500 tỷ đồng tiền gốc và 188 tỷ đồng tiền lãi.
Tuy nhiên sau đó công ty con của OGC lại nộp đơn kháng nghị lên tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xem xét lại với quyết định trên và hiện đang chờ quyết định kháng nghị của Tòa án tối cao tại Đà Nẵng. Trên báo cáo hợp nhất của OGC vẫn ghi nhận đang nợ 500 tỷ đối với Maritime Bank.
Đối với khoản vay dài hạn tại OceanBank, hầu hết là các khoản vay của các công ty con của OGC để thực hiện các dự án bất động sản. Cụ thể, CTCP Du lịch Khách sạn Suối Mơ với hạn mức tín dụng 20 tỷ đồng trong thời hạn 48 tháng, lãi suất 11%/năm nhằm mục đích nâng cấp khách sạn Suối Mơ. Dự kiến số tiền phải trả năm nay là 328 triệu đồng.
Khoản vay tại Công ty TNHH Sao Hôm Nha Trang có hạn mức 342 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn đầu tư xây dựng Dự án Khách sạn Sao Hôm tại tỉnh Khánh Hòa. Tại thời điểm 31/12/2016 dư nợ gốc của hợp đồng là 252 tỷ đồng, khoản nợ đến hạn trong năm nay là 12 tỷ đồng.
CTCP Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển Đầu tư cũng có khoản vay 326 tỷ đồng tại OceanBank nhằm thực hiện dự án Sunrise Resort trong thời hạn vay 120 tháng. Dư nợ gốc cuối năm 2016 còn 131 tỷ đồng, trong năm nay nợ đến hạn phải trả là 50 tỷ đồng.
CTCP Bánh Givral vay 88 tỷ đồng ở OceanBank thời hạn 120 tháng. Tính đến hết 2016, dư nợ vay còn 49 tỷ đồng và số nợ đến hạn trả trong năm nay là 9 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với khoản vay tại OceanBank, OGC còn sử dụng 8 triệu cổ phiếu OCH để làm một phần tài sản bảo đảm cho khoản tiền nhận góp vốn từ Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Hoàng Thành vào dự án Tổ hợp thương mại, Tài chính dịch vụ và nhà ở Đại Dương tại xã Thiện Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Châu Huệ
Góc Nhìn
Chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình Toàn cầu 2024 đã diễn ra tại Malaysia vào tối 28/11, chính thức tìm ra chủ nhân xứng đáng.