Nếu như đa phần các nước phương Tây đón “Tết Tây” vào khoảnh khắc đầu tiên của năm mới sau nhiều ngày tưng bừng với lễ Giáng sinh, thì một số quốc gia ở châu Á lại có phong tục đón Tết cổ truyền, hay còn gọi là“Tết ta”. Cũng giống như Việt Nam, các nước đón Tết Nguyên đán coi đây là dịp để có những khởi đầu mới, bước sang năm mới với nhiều may mắn hơn và cũng là dịp để gia đình quây quầy sum họp bên nhau sau cả năm bận rộn.
Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán cũng mang đậm màu sắc truyền thống, vì vậy mỗi nơi lại có những phong tục riêng biệt mà bạn sẽ được biết ngay dưới đây.
Tết cổ truyền của người Trung Quốc trùng với Tết của người Việt Nam, và năm nay mùng 1 Tết Âm lịch sẽ rơi vào ngày 1 tháng 2 Dương lịch. Người Trung Quốc thường trang trí nhà cửa và cửa hàng bằng màu đỏ trong dịp Tết Nguyên Đán vì đây được coi là biểu tượng của sự may mắn, cùng với đó là các hoạt động theo truyền thống trong suốt 15 ngày đầu năm.
Là một trong các nước châu Á đón Tết Nguyên đán, tuy thời thế có nhiều thay đổi, nhưng tục lệ sum vầy bên cha mẹ nội ngoại vẫn là một phong tục đặc biệt được nhiều gia đình Trung Quốc lưu giữ. Bữa tối sum họp vào đêm giao thừa có lẽ là sự kiện quan trọng nhất của dịp Tết, vì đây là thời điểm duy nhất trong năm nhiều người có thể về quê và sum vầy với gia đình.
Nhiều món ăn ngày Tết mang ý nghĩa quan trọng như: cá biểu thị sự giàu có và thịnh vượng, bánh gạo tượng trưng cho sự thành công trong sự nghiệp. Trong khi đó cam tượng trưng cho sự may mắn, bánh bao sự giàu có, còn ăn sợi mì dài sẽ được sống lâu trăm tuổi,…
Khác với các nước đón Tết Nguyên đán, Trung Quốc sẽ kết thúc Tết với Lễ hội đèn lồng, trẻ em mang theo những chiếc đèn lồng đỏ và các gia đình cùng nhau ăn bánh gạo nếp. Theo phong tục của nước này, cắt hoặc nhuộm tóc vào ngày đầu tiên của năm mới là điều tối kỵ. Việc gội đầu hoặc cắt tóc được cho là sẽ “rửa trôi” tài sản và thịnh vượng của bạn trong năm tới.
Ở Hàn Quốc, Tết Nguyên đán được gọi là Tết Seollal và kéo dài chỉ trong 3 ngày. Theo phong tục các nước đón Tết Nguyên đán, người dân Hàn Quốc mặc trang phục truyền thống hanbok đầy màu sắc tượng trưng cho hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Những thành viên nhỏ tuổi hơn trong gia đình cúi đầu bày tỏ sự kính trọng với những người lớn tuổi trong gia đình và cầu chúc sức khỏe và tài lộc dồi dào. Đổi lại, những người lớn tuổi tặng sebaedon, những tờ tiền mới trong phong bì trang trí hoặc túi lụa đẹp.
Các nước đón Tết nguyên đán đều có món ăn truyền thống trong dịp lễ này, và trong lễ Seollal là tteokguk (súp bánh gạo). Mặc dù món ăn này được thưởng thức quanh năm nhưng nó mang ý nghĩa đặc biệt trong dịp lễ vì người ta tin rằng chỉ cần ăn món canh này sẽ trẻ lâu hơn. Một số món ăn trong lễ Seollal là jeon (bánh kếp chiên), galbi jim (sườn ngắn om), japchae (mì khoai lang) và hangwa (bánh quy truyền thống của Hàn Quốc).
Phong tục đặc biệt của Hàn Quốc khác biệt so với các quốc gia đón Tết nguyên đán khác là họ thường chơi một số trò chơi đặt cược tiền để lấy may. Yut Nori là trò chơi bàn cờ truyền thống, trong khi GoStop liên quan đến việc đặt cược số tiền nhỏ rất phổ biến trong các gia đình Hàn.
Một số quốc gia khác trên thế giới đón Tết Âm lịch
Tết Nguyên đán là một ngày lễ phổ biến ở nhiều nước châu Á, không chỉ Việt Nam, Trung Quốc hay Hàn Quốc. Tương tự như Hàn Quốc, Triều Tiên cũng là một trong các nước trên thế giới đón Tết nguyên đán và phong tục bái lạy ông bà tổ tiên cũng được người dân ở đây thực hiện ngay trong ngày đầu năm mới. Ngoài ra, người Triều Tiên có truyền thống đến thăm tượng đài cố Chủ tịch Kim Nhật Thành nhân dịp đầu năm.
Món ăn may mắn năm mới của Triều Tiên là songpyeon (bánh gạo nặn hình trăng lưỡi liềm) với ý nghĩa “trăng khuyết rồi lại tròn” như cuộc đời thăng trầm của họ.
Đón Tết nguyên đán tại Singapore, người dân và du khách sẽ được hòa mình vào Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao, đặc biệt là Lễ hội đường phố Chingay. Đây là lễ hội đông vui nhất trong số sự kiện ở các nước đón Tết nguyên đán, bắt đầu từ thứ 7 đầu tiên của năm mới, kết thúc vào rằm tháng riêng tại Vịnh Marina.
Dịp Tết Nguyên đán ở Bhutan – quốc gia hạnh phúc nhất thế giới được gọi là Losar, diễn ra trong 15 ngày, đáng chú ý nhất là 3 ngày đầu. Người dân Bhutan thường thăm đền thờ, nhảy múa và hát mừng năm mới, và theo quan niệm của họ, năm mới là phải mua đồ mới, chứ không sử dụng lại đồ cũ.
Ngoài ra, giống như đa phần Các quốc gia đón Tết Âm lịch, người Bhutan cũng có phong tục sửa soạn mâm cơm dâng lên cúng tổ tiên, tạ ơn thần linh ban tặng cho họ cuộc sống ấm no bình yên và cầu mong may mắn cho năm mới.
Các nước đón Tết nguyên đán khác bao gồm Campuchia, Thái Lan, Philippines và Malaysia, mỗi nơi có phong tục tập quán khác nhau. Thế nhưng cho dù là diễn ra ở đâu thì ngày Tết cổ truyền ở khắp mọi nơi đều có ý nghĩa chung đặc biệt: đoàn tụ với gia đình, chia sẻ những món ăn ngon và chuẩn bị cho một khởi đầu mới tốt đẹp.
Mộc Nhiên
Theo Báo Thể thao Việt Nam
Liên hệ quảng cáo: 0938 177 748 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG