Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết liên tục phát đi những thông tin tuyển dụng hàng loạt nhân sự từ giám đốc nhân sự, kỹ thuật, dịch vụ, phi công, tiếp viên,... cho hãng hàng không đang thành lập Bamboo Airlines.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, Tập đoàn FLC đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về việc mua 24 máy bay A321NEO với Tập đoàn Airbus trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Hiện Bamboo Airways đang chờ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được Chính phủ thông qua. Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, được thành lập năm 2017 và là công ty thành viên của Tập đoàn FLC.
Mặc dù đẩy mạnh chiến lược mới, tham gia vào lĩnh vực hàng không để phát triển du lịch nghỉ dưỡng của ông Quyết.
Hiện cả 2 cổ phiếu FLC và ROS của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục xu hướng giảm. Trong khoảng 5 tháng qua, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros đã giảm từ gần 220.000 đồng/cp xuống 132.000 đồng/cp như hiện tại. FLC trong khi đó vẫn loanh quanh ở ngưỡng 6.000 đồng/cp.
Trong khi đó, 2 cổ phiếu VIC và VRE của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã góp phần lớn vào sự bứt phá của thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian gần đây, giúp VN-Index lên mốc 1.200 điểm - cao kỷ lục mọi thời đại.
Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng ngày càng giàu lên nhanh chóng với khối tài sản hiện đã lên tới gần 9 tỷ USD theo tính toán trong nước và khoảng 7 tỷ USD theo tính toán của Forbes. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet cũng được đánh giá có 3,7 tỷ USD. Ông Trịnh Văn Quyết trong khi đó chưa có mặt trong bảng xếp hạng quốc tế nào.
Trên TTCK, nhóm bất động sản, xây dựng và chứng khoán tiếp tục khởi sắc với nhiều mã tăng mạnh như DIG, DXG, HBC, NLG,... Các cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu trụ cột như Petrolimex (PLX), Hòa Phát (HPG), Bảo Việt (BVH),... tiếp tục tăng ổn định.
Theo đánh giá của nhiều CTCK, khả năng tăng điểm trên thị trường vẫn khá cao. BSC cho rằng, trong tuần qua, ngành bất động sản, đứng đầu là VIC đã đóng góp 14,7 điểm, tương đương 58% mức tăng VN-Index qua đó giúp chỉ số bứt phá khỏi vùng đỉnh 1.170 điểm.
Diễn biến tích cực cũng kéo theo sự mở rộng hoạt động đầu tư margin cùng với đó là sự căng thẳng khả năng cung cấp margin ở một số công ty chứng khoán. Với thông tin tích cực từ mùa ĐHCĐ, diễn biến tăng điểm vẫn được đánh giá cao trong tuần tới, dù vậy rủi ro liên quan đến thương mại toàn cầu và căng thẳng cục bộ về margin là yếu tố nhắc nhở nhà đầu tư cần tỉnh táo lựa chọn cơ hội đầu tư.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 6/4, VN-index tăng 6,79 điểm lên 1.199,96 điểm; HNX-Index tăng 1,26 điểm lên 138,02 điểm. Upcom-Index tăng 0,22 điểm lên 60,64 điểm. Thanh khoản đạt 340 triệu cổ phần. Giá trị đạt 8,9 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Liên hệ quảng cáo: 0938 177 748 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG