Rửa xe ô tô chỉ bằng 2 lít nước
Thông thường, để rửa một chiếc ô tô, người thợ cần sử dụng khoảng 50 - 100 lít nước. Nhưng với Carrect, nhờ sử dụng công nghệ Nano để hấp thụ bụi bẩn, cả quá trình chỉ cần khoảng 2 lít nước, tùy thuộc vào kích thước xe.
Ra đời trong đại dịch Covid-19, Carrect là start-up chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc xe hơi tại nhà qua ứng dụng. So với các mô hình truyền thống, Carrect nổi bật với ưu điểm không cần thuê mặt bằng, không tốn nhiều nước khi rửa xe và phù hợp với xu hướng sử dụng công nghệ của khách hàng hiện đại.
Sau khi cài đặt ứng dụng Carrect, chủ xe truy cập ứng dụng, định vị vị trí của mình, chọn loại xe và dịch vụ muốn sử dụng, sau đó đặt lịch, phía Carrect sẽ cử nhân viên kỹ thuật đến tận nơi để chăm sóc chiếc xe. Ngoài dịch vụ rửa xe, Carrect còn có dịch vụ thay dầu động cơ, thay pin tận nơi.
Tim Lee cho biết, Carrect hoạt động theo cả 2 hình thức là B2C (business to consumer - doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng) và B2B (business to business - doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp). Tính đến thời điểm này, Carrect đã ký kết 12 biên bản hợp tác với các khách hàng theo hình thức B2B để triển khai dịch vụ tại Việt Nam, đồng thời vẫn đang làm việc với nhiều đối tác trên thế giới trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc xe hơi cũng như ứng dụng đặt xe.
Theo chia sẻ của Tim Lee, tại Hàn Quốc, những dịch vụ tương tự Carrect rất phổ biến và được đón nhận nhiệt tình. Ở nhiều quốc gia như Mỹ, Italia, Nhật Bản…, các mô hình kinh doanh tương tự đã chứng minh được tính khả thi. Vì vậy, nhà sáng tập tự tin, ngoài Việt Nam, dịch vụ của Carrect có thể tiếp cận thị trường các nước ASEAN.
“Carrect sẽ mang những công nghệ mới tới Việt Nam, để người tiêu dùng Việt được tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời mà hoạt động số hóa mang lại”, nhà sáng lập Carrect chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Hành trình khởi nghiệp tại Việt Nam
Tim Lee là người gốc Hàn Quốc, lớn lên ở Thung lũng Silicon (Mỹ) và từng làm trong lĩnh vực bảo dưỡng ô tô khoảng 2 năm trước khi đi nghĩa vụ ở Hàn Quốc. Chính vì vậy, anh có kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực bảo trì các thiết bị kỹ thuật ô tô.
Cách đây 3 năm, Tim Lee đến Việt Nam và nhận thấy, Việt Nam là quốc gia có môi trường khởi nghiệp tuyệt vời vì tình hình chính trị ổn định, Chính phủ luôn hỗ trợ các công ty công nghệ, thị trường rộng mở với các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Tin rằng, Việt Nam sẽ là “Thung lũng Silicon thứ hai”, Tim Lee quyết định khởi nghiệp tại Việt Nam với việc thành lập Carrect, đặt trụ sở tại Hà Nội.
“Ban đầu, tôi không nhận được sự ủng hộ của một số bạn bè. Họ không tin rằng công việc kinh doanh của chúng tôi có thể thành công. Nhưng bằng việc thực hiện với niềm đam mê và nhiệt huyết của mình, tôi đã có hơn 10.000 khách hàng đầu tiên”, Tim Lee kể lại
Gặp rất nhiều trở ngại trong những ngày đầu vì không biết tiếng Việt, nhưng với niềm đam mê kinh doanh, Tim Lee đã từng bước vượt qua. Sau đó, anh tìm thấy những người đồng hành thông qua chương trình tăng tốc khởi nghiệp của một quỹ đầu tư. Đó là những cá nhân được anh đánh giá là “năng động, chăm chỉ, hiệu quả và đáng tin cậy”.
Tháng 8/2022, Tim Lee đưa Carrect lên gọi vốn tại chương trình Shark Tank Việt Nam. Thời điểm đó, anh tiết lộ, doanh thu trong năm 2021 của Carrect là 200.000 USD. Năm 2022, nhà sáng lập kỳ vọng kiếm được 1 triệu USD.
Kết quả cuộc gọi vốn không được như kỳ vọng. Tim Lee ra về tay trắng, song Carrect vẫn tiếp tục phát triển từ đó đến nay. Bên cạnh thị trường Hà Nội và TP.HCM, Carrect hướng tới mở rộng dịch vụ ra Hải Phòng, Bình Dương, trong đó, Bình Dương sẽ là điểm đến tiếp theo của Carrect vào tháng 12 tới. Tim Lee dự kiến, năm 2023, sẽ mở rộng các sản phẩm, dịch vụ của Carrect sang mảng xe điện.
“Carrect sẵn sàng mở rộng sang các quốc gia khác ở Đông Nam Á, như Thái Lan, Indonesia, nhưng chúng tôi cần thêm thời gian và vốn đầu tư. Chúng tôi muốn tập trung vào thị trường Việt Nam trước, sau đó mới mở rộng”, Tim Lee chia sẻ.
Xuyên suốt hành trình khởi nghiệp tại Việt Nam, Tim Lee cho rằng, bài học quan trọng nhất anh thu nhận được chính là phải lắng nghe nhu cầu của khách hàng và thị trường. Thị trường luôn tồn tại hàng trăm ý tưởng khác nhau và chỉ một vài ý tưởng có thể đi đến thành công. Rất nhiều start-up thất bại vì nhà sáng lập quá tự tin vào ý tưởng của mình.
“Hãy tập trung nghiên cứu kỹ xem bạn đang bán sản phẩm, dịch vụ gì và những người cần sản phẩm hoặc dịch vụ đó là ai”, Tim Lee nhắn nhủ.
Đặc biệt, với những cá nhân nước ngoài mong muốn thành lập start-up tại Việt Nam, Tim Lee chia sẻ kinh nghiệm, hãy dành thời gian tìm hiểu về Việt Nam và con người Việt Nam. Ngoài ra, để quá trình kinh doanh được thuận lợi, cần học thêm tiếng Việt ở nhiều cấp độ khác nhau, từ đơn giản đến trung bình, phức tạp.
Liên hệ quảng cáo: 0938 177 748 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG