Thành lập tháng 10/2018, doanh số bán hàng của VinFast đã tăng từ 15.300 xe năm 2019 lên 29.485 xe trong năm 2020. Con số này càng trở nên chú ý khi toàn thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 300.000 xe.
VinFast đang đưa ra thị trường ba mẫu gồm dòng SUV Lux SA2.0, sedan Lux A2.0 và hatchback cỡ A Fadil.
Mẫu hatchback 5 cửa của VinFast có trục cơ sở 2.385mm, trang bị động cơ xăng 1,4 lít cho công suất tối đa 97 mã lực, hộp số tự động CVT. Fadil vươn lên đứng đầu phân khúc hạng A tại Việt Nam, biến Hyundai Grand i10 thành "cựu vương".
Có ý nghĩa hơn trong việc vươn ra toàn cầu, Lux SA2.0 cũng là dòng xe bán rất chạy. Thuộc phân khúc SUV cỡ E với chiều dài cơ sở 2.933mm, xe dùng động cơ 2.0 tăng áp của BMW. Lux SA2.0 được ra mắt tại triển lãm ô tô Paris năm 2018 và có thể trở thành mũi nhọn của VinFast trong mục tiêu bán ở nước ngoài.
VinFast cũng sớm ra mắt xe điện và sẽ bán trong thời gian tới. Mẫu VF e34 thuộc phân khúc SUV cỡ trung, tương tự Honda CR-V hay Toyota RAV4. Trong 24h kể từ khi cho đặt trước, hãng xe Việt đã thu về hơn 4.000 đơn đặt hàng. VinFast VF e34 bắt đầu giao xe từ tháng 12 tới.
Nhìn lại chặng đường 3 năm qua, VinFast đã có bước chuyển mình nhanh chóng. Khi công bố chính thức bước chân vào ngành xe từ tháng 10/2018, cơ sở vật chất lúc ấy vẫn đang được xây dựng. Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện, khu công nghiệp hỗ trợ, trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu và phát triển đến tháng 6/2019 mới hoàn thành.
VinFast đã đầu tư 3,5 tỷ USD để xây dựng khu phức hợp sản xuất rộng 335 ha và áp dụng robot mới nhất, với tỉ lệ tự động hóa 90% - gần bằng hầu hết các nhà máy hiện đại của châu Âu.
Công ty đặt mục tiêu đầy tham vọng, công suất hàng năm dự kiến đạt 250.000 xe trong giai đoạn đầu và tăng lên 500.000 xe trong giai đoạn hai. Khi đó, VinFast sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
VinFast cũng đầu tư một trung tâm đào tạo kỹ sư, mở ra hơn 25.000 việc làm tại khu liên hợp sản xuất thuộc khu kinh tế Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng).
Hãng xe Việt đã thành lập viện nghiên cứu ở Đức và lên kế hoạch cho các điểm khác tại châu Âu, một trung tâm đặt ở California (Mỹ), mua lại cơ sở thử xe của Holden ở Australia. Tất cả nhằm phát triển công nghệ mới cho dòng xe điện của VinFast, trước mắt là ba mẫu VF e34, e35 và e36.
"Chúng tôi phát triển nguồn lực nội bộ mạnh mẽ để thu hút hàng trăm chuyên gia và kỹ sư hàng đầu với nhiều kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, trong đó bao gồm Anh", bà Thái Thị Thanh Hải, Giám đốc điều hành VinFast nói với Autocar.
"Với đội ngũ nhân viên tài năng và tâm huyết, VinFast đã tạo nên những kỷ lục trong ngành về thời gian phát triển ô tô, sản xuất và chiếm lĩnh thị trường xe tại Việt Nam. Đây cũng là những yếu tố quan trọng cho kế hoạch vươn ra toàn cầu của VinFast".
Tập đoàn Vingroup và các nhà đầu tư khác tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho nguồn lực mở rộng của VinFast. Công ty đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ, trong nỗ lực huy động vốn 3 tỷ USD. Các báo cáo định giá VinFast ở mức 50-60 tỷ USD, ngang với nhà sản xuất xe điện Nio của Trung Quốc.
Khoản đầu tư trên rất quan trọng với VinFast nếu muốn thực hiện mục tiêu mở rộng toàn cầu, đặc biệt là hiện thực hóa việc xây dựng nhà máy ở Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, công ty đang xem xét tới Pháp, Đức, Hà Lan và Mỹ.
"Tại châu Âu, VinFast sẽ chính thức mở mạng lưới bán hàng ở Pháp, Đức và Hà Lan vào năm 2022 và nhanh chóng mở rộng ra các quốc gia khác tại thị trường nước ngoài trong những năm tới", bà Hải cho hay. "Anh, một trong hai thị trường ô tô lớn nhất châu Âu, cũng là địa điểm mà VinFast nhắm đến".
Lấy thành công tại quê nhà làm bàn đạp vươn ra thị trường quốc tế, hãng xe trẻ VinFast thể hiện đầy tham vọng. Nhưng rõ ràng châu Âu là thị trường đầy thách thức. Ngay cả các hãng xe Trung Quốc với những thành công sớm hơn cũng mới chỉ chuẩn bị chinh phục tại đây.
Đình Nam
(theo Autocar.co.uk)
15h18 | 22/11/2024
17h07 | 13/06/2024
Liên hệ quảng cáo: 0938 177 748 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG