Trong tuần qua, CTCP Hùng Vương (HVG) đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) giải trình nguyên nhân kết quả kinh doanh lỗ năm 2017 và phương án khắc phục lỗ luỹ kế trong năm 2018.
Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh dự tính bán một loạt công ty con và bất động sản, đóng cửa nhiều nhà máy để khắc phục khoản lỗ hơn 700 tỷ trong niên độ tài chính vừa qua. Tuy nhiên, cửa thoát vận đen của ông “vua cá tra” một thời này khá hẹp bởi ngân hàng nghi ngại về các dự án của HVG và không giải ngân vốn trong khi khó khăn mới tiếp tục xuất hiện.
Theo kế hoạch vừa được công bố, Hùng Vương sẽ tiếp tục thoái vốn một số công ty con như CTCP Thực phẩm Sao Ta (100%) - đã hoàn thành và CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (trên 50%).
Cũng theo kế hoạch, Thủy sản Hùng Vương cũng thanh lý một số bất động sản như lô đất 765 Hồng Bàng, 94 Phạm Đình Hổ tại TP.HCM và đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Hùng Vương dự kiến thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung - dài hạn để hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang. Đồng thời, khoanh nợ và có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các khoản nợ hiện tại.
Trong năm tài chính gần nhất, Hùng Vương lỗ 713 tỷ đồng. Lỗ lũy kế trên báo cáo hợp nhất tính đến 30/9/2017 vẫn còn 424 tỷ đồng. Lý do được Hùng Vương đưa ra là do thiếu hụt nguyên liệu cá tra nguyên liệu khiến 11 nhà máy với 15.000 lao động của Hùng Vương hoạt động ở mức độ cầm chừng, giảm 50% công suất, chủ yếu tái chế hàng trong kho để duy trì xuất khẩu.
Trong khi đó, chi phí cố định lớn, cộng thêm chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngưng sản xuất, làm cho giá thành sản xuất tăng 30%. Giá xuất khẩu cho dù tăng mạnh cũng không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến báo cáo kết quả kinh doanh bị lỗ.
Hùng Vương còn gặp khó do chi phí lãi vay và áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang. Trong đó có dự án chăn nuôi heo theo mô hình công nghệ cao và xây dựng kho lạnh 60.000 pallet vận hành hoàn toàn bằng robot. Một số dự án đã hoàn tất đến 80%, nhưng việc giải ngân từ phía ngân hàng lại bị trì hoãn khiến công ty phải trích từ nguồn vốn ngắn hạn, với lãi suất cao, bình quân 9%/năm. Điều này là gây ra tình trạng mất cân đối vốn nghiêm trọng và Công ty phải gồng gánh chi phí lãi vay phát sinh mỗi ngày.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu HVG ở mức thấp, khoảng 5.000 đồng/cp, bất chấp dòng vốn vào thị trường vẫn rất lớn và chỉ số VN-Index tiếp tục bỏ xa các TTCK thế giới về tốc độ tăng điểm.
Trong quý 1, VN-Index đã tăng hơn 19% và bỏ xa thị trường đứng thứ 2 là Ai Cập với mức tăng 15,52%. Trong năm 2017, Vn-Index cũng lọt vào nhóm 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Tính tới phiên cuối quý 1, VN-Index đang ở mức cao kỷ lục mọi thời đại: 1.174,46 điểm.
Hàng loạt cổ phiếu trụ cột trên TTCK tiếp tục lên đỉnh cao mới như: VIC của Vingroup, MSN, PNJ, VJC, VCS,... Dòng tiền cũng có dấu hiệu lan tỏa rộng hơn vào nhiều nhóm ngành, thay vì chỉ tập trung tại các cổ phiếu bluechips trong đó nhóm bất động sản và xây dựng tầm trung.
Nhóm cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng có dấu hiệu chùng lại sau một thời gian dài tăng giá. Các mã điều chỉnh giảm trong phiên cuối tuần như BID, CTG, HDB, VPB, VCB, HDB,...
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu yếu kém hoặc gặp các vấn đề trong kinh doanh tiếp tục giảm giá như HVG, NBB, CIA, ITA, OGC, PVC,...
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 30/3, VN-index tăng 7,43 điểm lên 1.174,46 điểm; HNX-Index tăng 0,58 điểm lên 132,46 điểm. Upcom-Index tăng 0,46 điểm lên 60,66 điểm. Thanh khoản đạt 260 triệu cổ phần. Giá trị đạt 7,2 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
12h33 | 24/11/2024
Liên hệ quảng cáo: 0938 177 748 - toasoan@dnvnnews.com
Bản quyền của DOANH NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG